Gian truân đào tạo thế hệ kế cận cho khí nhạc Việt Nam

VOV.VN - Sự mất cân bằng giữa thanh nhạc và khí nhạc cũng như chưa có quy chuẩn trong mô hình đào tạo đang là những vấn đề cản trở ngành sáng tác ở Việt Nam.

Khí nhạc Việt Nam với tuổi đời chưa tới 60 được đánh giá quá trẻ so với lịch sử 300 năm của nền giao hưởng thính phòng thế giới. Trong quá trình hình thành và phát triển nền âm nhạc bác học chuyên nghiệp Việt Nam, khâu sáng tác và đào tạo chuyên ngành sáng tác luôn được định hướng với phương châm "tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc". Nhưng, với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, sáng tác và đào tạo sáng tác ở Việt Nam đã bộc lộ một số vấn đề bất cập.

Trong khuôn khổ “Festival Âm nhạc mới Á Âu 2014”, cuộc hội thảo với chủ đề "Đào tạo ngành sáng tác trong giai đoạn hiện nay" diễn ra trong 2 ngày 8-9/10 tại Hà Nội, với sự tham gia đông đảo của các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng trong nước và một số nước như Nga, Hà Lan, Philipines, Nauy...

Toàn cảnh buổi hội thảo

Đào tạo sáng tác âm nhạc theo… chỉ tiêu

Sáng tác âm nhạc là một ngành có tính đặc thù riêng, đòi hỏi phải có năng khiếu và phát triển qua quá trình học tập ở các cơ sở đào tạo âm nhạc. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: “Điều kiện để một sinh viên có thể học sáng tác, đầu tiên phải có năng khiếu âm nhạc, sau đó là được học nhạc từ sớm, biết chơi thông thạo một đến nhiều nhạc cụ và cuối cùng là có năng khiếu sáng tạo”.

Tuy nhiên, hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 2-3 cơ sở đào tạo sinh viên theo ngành sáng tác chuyên nghiệp. Hơn nữa, các ngành này lại tuyển sinh theo chỉ tiêu. Theo đánh giá của nhiều nhạc sĩ trong hội thảo, việc này là một bất cập và không hề phù hợp với tính chất của môn học sáng tác.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (bên phải)

Nhạc sĩ Cát Vận cho rằng: “Chúng ta nên chấm dứt ngay việc đào tạo sáng tác âm nhạc theo chỉ tiêu. Việc lập chỉ tiêu không thích hợp với tính chất của môn học là tìm kiếm tài năng (mà tài năng không bao giờ là số đông), nó còn không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là đào tạo ra không có môi trường làm việc, không phát huy, hát triển khả năng âm nhạc đã được học”.

Chính việc này đã phần nào dẫn đến thực trạng, số lượng học sinh và sinh viên thi vào các khoa sáng tác ngày càng giảm, cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngay cả khi đã thi đậu, phần đông lại tỏ ra chậm chạp trong học tập, trễ nải trong sáng tạo và thậm chí là còn bỏ dở giữa chừng. Hoặc, tốt nghiệp với bằng khá, giỏi nhưng chất lượng tác phẩm sáng tác ra lại không được giới chuyên môn vui mừng.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia công tác đào tạo chuyên ngành sáng tác bậc Đại học và Cao học ở Việt Nam, PGS-Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam mong mỏi rằng, “đầu vào” không chạy theo số lượng mà phải đề cao chất lượng bởi chuyên ngành sáng tác đòi hỏi rất cao về kiến thức tổng hợp và kỹ năng sáng tạo.

“Tôi cho rằng, người thầy dạy sáng tác đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và phát triển tài năng của học trò. Bởi công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản đào tạo theo kiểu trẻ con vào lớp 1, biết đọc biết viết là thành công mà nó còn là chặng đường dài để phát huy khả năng của học sinh tới cực hạn” – nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam nói.

Trên thực tế, Việt Nam đã có một lớp nhạc sĩ được đào tạo bài bản và người dạy khí nhạc như Trần Ngọc Xương, Hoàng Đạm, Đàm Linh, Ca Lê Thuần, Đặng Hữu Phúc… nhưng nếu không có sinh viên để dạy thì nền khí nhạc – vốn đã bị “lép vế” so với thanh nhạc sẽ phải đối mặt với nguy cơ “đứt gãy” tầng lớp kế cận.

Đưa âm nhạc cổ truyền vào trong sáng tác

Một vấn đề rất được các đại biểu quan tâm, đó chính là làm cách nào để đưa được chất âm nhạc cổ truyền vào trong sáng tác, đặc biệt là vào trong các tác phẩm khí nhạc?

Hiện nay, giáo trình cho nhập môn sáng tác vẫn chưa có một quy chuẩn nhất định. Các sinh viên còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với tổng phổ, tư duy cách viết, diễn tấu âm nhạc đương đại… Các giáo trình dạy đều cơ bản theo phong cách phương Tây. Đây là nền tảng và là cơ sở sáng tác khí nhạc mà bất kỳ ai muốn trở thành nhạc sĩ đều phải học.

Các nhạc sĩ trong nước và quốc tế thảo luận về việc đào tạo ngành sáng tác trong giai đoạn hiện nay

PGS. TS Nguyễn Thụy Loan nhận định: “Dấu ấn âm nhạc phương Tây vẫn còn lộ rõ qua các phương tiện, kĩ thuật, thủ pháp sáng tác và hình thức… tiếp thu của phương Tây – đặc biệt là trong lĩnh vực khí nhạc. Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm nhạc mới chủ yếu chỉ được tạo bởi việc sử dụng chất liệu âm nhạc và một số nhạc khí cổ truyền. Đã đến lúc cần tạo sự đột phá để âm nhạc Việt Nam có thể đi vững chắc trên 2 chân – tinh hoa dân tộc và tinh hoa thế giới”.

Không chỉ Việt Nam mà cả các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đều cố gắng đưa âm nhạc dân tộc vào trong khí nhạc. Giảng viên Maria Christine Muyco thuộc Đại học Phillipines cho biết: “Ở thời đại ngày nay, vấn đề thách thức chính là làm sao mang lại những giá trị mới mẻ từ văn hóa cuộc sống cũng như tính dân tộc vào trong các tác phẩm sáng tác. Ở các nước châu Á, nơi chúng ta có nguồn tư liệu dồi dào, chúng ta hoàn toàn có thể khám phá, nhận thức và sáng tạo cho các tác phẩm mới trên nền tảng âm nhạc bác học”.

Việt Nam có một kho tàng đồ sộ về âm hưởng dân ca các vùng miền Tổ quốc, chứa đầy những giai điệu phong phú cùng các nhạc khí có âm sắc và kĩ thuật diễn tấu đa dạng, thậm chí độc đáo để khai thác và phát triển.

NSND – Nhạc sĩ Trần Quý cho rằng, để công tác đào tạo nhạc sĩ có đủ khả năng sáng tác những tác phẩm khí nhạc dân tộc mang giá trị về nội dung và nghệ thuật cao, cần phải tăng giờ dạy tính năng nhạc cụ dân tộc, phối khí dàn nhạc dân tộc tại các cơ sở đào tạo; đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, bên cạnh tác phẩm hàn lâm mang đậm màu sắc dân tộc cần có tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc; thành lập thư viện âm thanh, hình ảnh về nhạc cụ và dàn nhạc dân tộc…

Các nhạc sĩ nhận định, con đường xây dựng, bồi dưỡng và đào tạo thế hệ nhạc sĩ kế cận cho khí nhạc là một con đường gian truân, khó khăn và phức tạp. Nhưng với sự tâm huyết của các nhạc sĩ đi trước, với tầm nhìn và chiến lược đúng đắn, hy vọng nền khí nhạc Việt Nam sẽ có sự khởi sắc và lấy lại được sự cân bằng với nền thanh nhạc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014“
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014“

VOV.VN - “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 8-12/10.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014“

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014“

VOV.VN - “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 8-12/10.

Nhạc sĩ Trọng Đài kể chuyện đời qua bản giao hưởng “Những ô cửa”
Nhạc sĩ Trọng Đài kể chuyện đời qua bản giao hưởng “Những ô cửa”

VOV.VN - Bản Giao hưởng 4 chương “Những ô cửa” của nhạc sĩ Trọng Đài sẽ được trình diễn trong “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014” tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Trọng Đài kể chuyện đời qua bản giao hưởng “Những ô cửa”

Nhạc sĩ Trọng Đài kể chuyện đời qua bản giao hưởng “Những ô cửa”

VOV.VN - Bản Giao hưởng 4 chương “Những ô cửa” của nhạc sĩ Trọng Đài sẽ được trình diễn trong “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014” tại Hà Nội.

Việt Nam đã sẵn sàng cho “Festival Âm nhạc mới Á - Âu“
Việt Nam đã sẵn sàng cho “Festival Âm nhạc mới Á - Âu“

VOV.VN - “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Hạ Long từ ngày 8-12/10 với nhiều chương trình đặc sắc.

Việt Nam đã sẵn sàng cho “Festival Âm nhạc mới Á - Âu“

Việt Nam đã sẵn sàng cho “Festival Âm nhạc mới Á - Âu“

VOV.VN - “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Hạ Long từ ngày 8-12/10 với nhiều chương trình đặc sắc.

Nhà chỉ huy dàn nhạc trẻ tài năng của Singapore đến Việt Nam
Nhà chỉ huy dàn nhạc trẻ tài năng của Singapore đến Việt Nam

VOV.VN - Kah Chun Wong là nhà chỉ huy trẻ duy nhất được mời làm nhạc trưởng cho 2 chương trình tại “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”.

Nhà chỉ huy dàn nhạc trẻ tài năng của Singapore đến Việt Nam

Nhà chỉ huy dàn nhạc trẻ tài năng của Singapore đến Việt Nam

VOV.VN - Kah Chun Wong là nhà chỉ huy trẻ duy nhất được mời làm nhạc trưởng cho 2 chương trình tại “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014”.

Nhạc sĩ Hoàng Cương viết giao hưởng “đưa” con gái đi lấy chồng xa xứ
Nhạc sĩ Hoàng Cương viết giao hưởng “đưa” con gái đi lấy chồng xa xứ

VOV.VN - Bản Concerto cho Violon và Oboe là tình cảm của NS Hoàng Cương dành tặng con gái là nghệ sĩ Violin nổi tiếng – Hoàng Linh Chi.

Nhạc sĩ Hoàng Cương viết giao hưởng “đưa” con gái đi lấy chồng xa xứ

Nhạc sĩ Hoàng Cương viết giao hưởng “đưa” con gái đi lấy chồng xa xứ

VOV.VN - Bản Concerto cho Violon và Oboe là tình cảm của NS Hoàng Cương dành tặng con gái là nghệ sĩ Violin nổi tiếng – Hoàng Linh Chi.