"Giọng xưa, người cũ" còn đây...

65 năm, TNVN đã có một thế hệ "giọng đọc vàng" với những tên tuổi đáng nhớ. Đây là thời của những giọng đọc tài hoa, tạo nên phong cách đọc nghệ thuật cho phát thanh TNVN

Thế hệ những “giọng vàng” ấy đã đi qua hơn hai thập niên. Nhiều người đã trở thành người thiên cổ, người còn sống thì cũng tóc bạc da mồi, nhưng những dấu ấn họ để lại không phai mờ trong lòng thính giả và lớp phát thanh viên kế cận của TNVN.

Những giọng đọc tài hoa

Bây giờ tìm trong trí nhớ, hoặc mở radio bắt sóng của Hệ Phát thanh VOV2 Đài TNVN lúc 22 giờ, thính giả cả nước vẫn nghe rõ trên nền nhạc êm đềm nổi lên từng lời thánh thót: “Mời các bạn nghe buổi đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN”. Hoặc giờ ấy đêm chủ nhật, nghe tiếng đàn bầu rung ngân nao lòng, chợt có tiếng luyến láy nhỏ nhẹ: “Tiết mục Tiếng Thơ”… Đấy chính là giọng xưa của PTV - NSND Tuyết Mai, được thu vào cuốn băng ghi âm hiệu ORWO, gần nửa thế kỉ trước.

Phát thanh viên Tuyết Mai và Việt Khoa trng phòng thu

Mãi sau này, nhờ văn minh Tin học, bản nhạc hiệu quí giá kia mới được “số hoá” để giữ trong máy tính. Giữ kịp - dù chỉ vài lời của giọng đọc thời hào hoa ấy - quả là điều may mắn. Bởi có nhiều không kể xiết những tác phẩm - đọc mẫu mực của nghệ thuật phát thanh đã “nằm lòng” nhân dân ta từ thời đấu tranh thống nhất đất nước đến ngày toàn thắng 30/4/1975 được thu vào băng ghi âm, nhưng không sao giữ nổi vì chiến tranh, thời tiết và thiếu thốn phương tiện…

Dàn hợp xướng các giọng đọc nổi danh thời ấy hợp thành đội hình PTV chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam với những tên tuổi thân quen, đáng nhớ như: Nguyễn Thơ, Việt Khoa, Lê Việt, Minh Đạo, Trần Phương, Kiên Cường cùng những giọng nữ Tuyết Mai, Vân Yến, Lan Hương, Việt Hà, Minh Lý, Phương Chi, Kim Ngôn… tiếp đó là Kim Cúc, Hoàng Yến, Hà Phương và Việt Hùng. Đây là thời của nhiều giọng đọc tài hoa, tạo nên phong cách đọc nghệ thuật cho Phát thanh TNVN để từ đó nhân ra các Đài địa phương cả nước.

Sau này, trong những lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PTV của Đài TNVN và Đài PTTH nhiều tỉnh từ Hà Giang vào Đồng Tháp, từ Đắk Lắk ra Côn Đảo…, tôi đã cố tìm người thử đọc lại câu mời ấy của Tuyết Mai nhưng không thành công. Nghệ thuật biểu diễn trên sóng phát thanh là vậy. Vai diễn giỏi để đời, hiện ra chỉ bằng giọng nói mà chẳng dễ gì thay thế. Bởi đó là phút xuất thần sau bao từng trải, chiêm nghiệm và khổ công rèn luyện để “tiếng” hoà trộn vào “lời” mới thốt lên được hồn vía con chữ.

Thế hệ những “giọng vàng” thời ấy đi qua đã hơn hai thập niên. Các cụ Việt Khoa, Nguyễn Thơ, Minh Đạo, Lan Hương sau ngày được vinh danh NSND, NSƯT giờ đã thành người thiên cổ. Sang năm nay, Tuyết Mai (tức cụ bà Bùi Thị Thái) vào tuổi 86, đã chân yếu, da mồi, chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà cổ ở đường Trần Phú (Hà Nội). Cuối tháng 8 ghé thăm đã thấy lúc nhớ lúc quên, cuốn tiểu thuyết dày cộp đọc dở vẫn để đầu giường. Nhìn cậu em đọc cùng mình giờ tuổi 70, tóc bạc trắng dẫn mấy PTV trẻ đến thăm, bà cụ chẳng ngạc nhiên, cười nói “tỉnh khô”:

- Khỉ ạ, bày vẽ cái gì thế, còn nhớ đến thăm bà già này là quí rồi.

Nghe kiểu mắng yêu “rất chị Thái” ngày xưa, các cô cậu cười vang, hết cả rụt rè. Hải Yến, Phương Hằng ngồi sát hai bên, thích thú nghe bà cụ “diễn” lại mấy tiếng “đọc truyện đêm khuya”, giọng vẫn rất “ngon”. Tạo cơ hội cho họ gặp được thần tượng giọng đọc ngày xưa, dẫu vội vàng chưa mấy yên lòng, nào ngờ kí ức nghề nghiệp thời xa vắng lại ùa về.   

Ký ức một thời...

Giọng xưa, người cũ thời ấy đến lạ. Gian khổ, cơm trộn mì chưa ngại bằng bếp mùn cưa nấu hạt bo bo, và vội vài miếng rồi đội mưa mà đạp xe đến 39 Bà Triệu trực đọc tin bài đột xuất. Có tờ báo dành đọc chung, gặp quyển sách hay, cả phòng chuyền tay nhau khắp lượt. Lỡ hẹn trả, cánh “mọt sách” Minh Khuê, Hoàng Yến lại “dỗi” nhau, phải nhờ anh Kiên Cường có tài pha trò đứng ra giải hoà. Kiên Cường tên thật là Hàn Đức Trọng, cũng như Phương Chi và Kim Cúc, đều là lính Văn công Quân đội chuyển sang. Gặp hôm Kiên Cường đọc ca đêm, cả ngày ấy vắng người kể chuyện cười. Thủng thẳng từng tiếng, hệt như cái nết đọc, tự nhiên mà rõ chất lịch lãm. Đọc “Thời sự trực tiếp” gan lì, chả vấp bao giờ nhưng gặp cái tin bọn Mỹ - Nguỵ đưa chiến sỹ biệt động Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường xử bắn thì giọng nghẹn ngào, đứt đoạn, nghe như nấc…

Thời chiến tranh đọc tin Thông tấn xã, kiểu chữ telex bỏ dấu bằng chữ cái, in trên cuộn giấy vàng khè dài hàng thước, xé lấy từng đoạn, vừa hiệu đính vừa đọc. Bây giờ tôi còn giữ nửa trang giấy in sai lại không bỏ dấu. Đứa cháu ngoại sắp thi đại học, ngó mẩu tin ấy, hỏi: “Đây là tiếng nước nào hả ông?”.

Ca đêm đọc xong, 12 giờ khuya, mỗi người một ghế băng nằm chờ “giao thông” đem bản in thử Xã luận báo Nhân Dân hôm sau để thu cho Thời sự 5 giờ sáng. Lo nhất tin thời tiết phát 6 giờ thường tới trễ. Lần ấy, còn vài chục giây đến giờ phát sóng, không kịp thu băng, cầm bản tin thời tiết chạy vội lên cầu thang vào phòng đọc thẳng, chưa kịp ngồi đã thấy dòng chữ điện “mời đọc” bật sáng. Vừa đọc vừa khẽ khàng ngồi xuống, “lia” một mạch. Mắt nhìn đến dòng chữ “Khu vực Hà Nội không mưa” đã suýt bật thành tiếng, chợt liếc qua cửa kính phòng thu thấy bên ngoài tối mù, mưa xối xả, vội đọc thành câu mới: “Khu vực Hà Nội có lúc có mưa”. Mở cửa bước ra, nghe tiếng gọi dưới đường vọng lên. Thì ra “ông giao thông” ban nãy đạp xe quay lại đang đứng dưới mưa, quần xà lỏn, tay cầm áo may ô vẫy, hét rõ to: “Chú gì ơi. Nhớ sửa lại là có mưa nhé…”.

Những ngày vui mà vất vả, thiếu thốn ấy sao nhớ đến thế. Chất giọng Nam bộ “sành điệu” của Minh Đạo, Trần Phương và Lan Hương gắn liền vốn văn chương, hiểu biết cỡ ấy, giờ khó tìm lại. Kim Ngôn giỏi tiếng Nga, giỏi cả đọc châm biếm. Anh Trần Phương (còn gọi là Ba Thế) khi đọc cứ nghiêng người xuống mặt bàn như kéo hết chữ vào lòng dạ. Sau năm 1975 về TP. Hồ Chí Minh rồi xuống Cần Thơ, nghỉ hưu hơn chục năm rồi, giờ tới đâu anh Trần Phương vẫn được các cụ cao tuổi nhắc tên.

Chị Lan Hương ăn nói nhẹ nhàng, chất giọng sang trọng, lại ít nói, cười chỉ nửa miệng. Lúc đọc trong phòng thu thì khác hẳn, da diết từng câu chữ. Phương Chi vui tính mà nhỏ nhắn, tới lúc nghỉ hưu vẫn chưa nặng đủ 40kg. Đi nhanh, nói nhanh, đọc bình luận thì khúc chiết, rạch ròi rất hợp “gu” thời sự, ngày đọc 3 ca là chuyện nhỏ. Tôi thường ghé nhà đèo chị cùng đi làm bằng cái xe máy “Babétnhè”. Có lần qua đường Lý Thường Kiệt, bất ngờ bọn trẻ đá bóng nhựa trúng người. Nhẹ quá, chỉ rơi chứ không ngã vẫn thản nhiên vừa đi vừa gọi: “Chờ chị với”. Chồng chị, ông Dũng Chi là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên, về hưu với quân hàm Thiếu tướng. Cẩn thận nữa là nhạc sĩ Phan Phúc, đưa đón bà vợ quí Tuyết Mai, bao giờ cũng thủ sẵn miếng vải mưa kẹp ghi đông.

Những “giọng vàng” thuở ấy được giữ gìn, săn sóc theo nhiều kiểu, nhưng gần gũi, đồng hành với nhau lại chính là các BTV và KTV âm thanh. Đọc thơ mấy bác Trần Nhật Lam, Trần Mạnh Thường, Trúc Thông, Lê Đình Cánh… thường phải 2, 3 lượt mới “duyệt” được một chữ. Gặp hôm chị Nông Thị Nhuận biên tập chương trình thì yên tâm lắm vì được kiểm thính, “soi” từng chữ. Nhưng để chất giọng đẹp hơn, âm nhạc và tiếng lời hoà quyện vào nhau, phải nhờ cậy tài nghệ của “cánh kĩ thuật âm thanh”. Nguyễn Thị Hồng, Bích Liên, Nguyễn Liên và những tay nghề thu âm, pha âm “cao thủ” hồi ấy chính là một nửa của giọng đọc.

Vỗ về từng con chữ

Thuở từ phóng viên Thời sự thường trú tuyến lửa Khu 4 được điều động về làm PTV, tôi ngỡ thấy chữ là đọc. Sau ngộ ra chẳng phải. Đọc phát thanh là nhấc bổng con chữ lên khỏi mặt giấy, phải biết ngắm nghía vỗ về, may ra nó mới không trơn tuột, khéo nữa nó mới rung ngân, loé sáng phơi hết tầng nghĩa.

Khi “vào cuộc” với những qui chế nghề nghiệp, cách đọc tên nước ngoài, nom cái bảng đen treo góc phòng ghi lỗi người đọc đã thấy ngại. Nhìn Trưởng phòng Nguyễn Thơ đọc mới hoảng. Hai tay bám chặt mép bàn, toàn thân cụ rung lên theo từng nhịp chữ, có thế giọng cụ mới có "lửa". Rồi đầu giờ sáng tập thở, nửa giờ luân phiên đọc báo để kiểm tra nhau, sau đó từng cặp PTV theo phân công về ngồi cửa phòng thu chờ BTV đem tin, bài đến. Hàng tuần nghe băng bình xét giọng đọc, lời khen chê đến tai anh Việt Khoa (phụ trách nghiệp vụ), cái băng ấy được giữ lại ngay để cùng nghe rút kinh nghiệm.

Nhớ lần đứng cạnh loa nghe anh Việt Khoa đọc truyện ngắn “Đò ơi”. Chuyện chàng lính trẻ trước lúc đi B được thưởng một ngày phép, chạy bộ về tạm biệt vợ mới cưới. Đêm đã khuya mà nhà với con đò nằm cả bên kia sông, gọi mãi vẫn không người lái… Lần cuối cùng gắng sức gọi “đò ơi”. Giọng Việt Khoa bỗng nghẹn lại, thấy anh gỡ cái kính cận dày cộp xuống lau mắt. Lạ nữa, anh tiếp tục đọc lại tiếng gọi đò. Bích Liên, đứng máy kêu đói. Đưa hộ cô em chiếc cặp lồng không nắp, thấy vài miếng đậu phụ rắn đanh lẫn nắm mì sợi cứng quèo, vừa lúc anh Việt Khoa từ phòng thu bước ra, người mướt mát mồ hôi. Tay cầm cái bánh mì không nhân đã mềm oặt, giọng anh vẫn sôi nổi:

- Mình đã đọc 13 lượt gọi “đò ơi” với các tông giọng khác nhau, nếu anh chưa chọn được lượt nào thích, chiều mình sẽ đọc lại.

Bài học nghiệp vụ ấy khai tâm cho đời nghề, cái nghề khó nhọc mà hào hoa mở ra từ thuở các cụ Dương Thị Ngân và Nguyễn Văn Nhất đọc bản tin đầu tiên của Phát thanh Việt Nam lúc 11h30 ngày 7/9/1945. Bây giờ đội ngũ PTV qua các thời kì đã xấp xỉ con số 65 năm tuổi Đài. Chúng tôi, thế hệ giữa chừng giờ cũng thành người cũ, chỉ còn thấp thoáng lúc “Đọc truyện đêm khuya”. Dẫu biết đã thưa vắng những giọng xưa, người cũ thuở nào cũng lùi vào kí ức. Lòng dạ lại càng trông đợi PTV của Đài TNVN hôm nay sẽ còn vượt lên, tạo thế mạnh mới cho giọng đọc ngang tầm Phát thanh hiện đại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên