Hiệp hội người mẫu Việt Nam: "Hữu danh vô thực”
Dù đã thành lập được 5 năm nhưng Hội Người mẫu Việt Nam lại “chìm” hơn so với tai tiếng từ một số người mẫu.
Trong khi một số người mẫu trẻ vì những lợi ích vật chất đã bán rẻ đạo đức nghề nghiệp bằng việc bán dâm, chụp ảnh khỏa thân, phát ngôn gây sốc… Hội Người mẫu Việt Nam (HNMVN) tồn tại nhưng lại không có ảnh hưởng nào đến giới người mẫu và cũng không oan khi dư luận cho rằng hội này “có cũng như không”
"Việc nhỏ nhất cũng chưa làm được"
Tính đến nay, HNMVN đã tồn tại trên 5 năm nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí nhiều người mẫu còn không biết có HNMVN. Khi xảy ra một số tiêu cực trong giới người mẫu hội lại không có sự can thiệp kịp thời. Điều này càng khiến xã hội có cái nhìn ác cảm đối với nghề người mẫu. Từ trường hợp của người mẫu bán dâm Mỹ Xuân, Hồng Hà… và gần đây nhất là 13 cô người mẫu tham gia vào chương trình thời trang vi phạm đạo đức nghề nghiệp… bị dư luận phản ứng gay gắt.
Sẽ là phiến diện nếu chỉ nhìn thấy cái sai phạm của một số người mẫu mà đánh giá chung cả giới. Nhưng rõ ràng, trong những trường hợp này HNMVN đã không có tiếng nói của mình cho thấy đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải đại diện cho cả giới.
Những hình ảnh vi phạm này dù đã bị xử phạt nhưng gây tai tiếng cho giới người mẫu. |
HNMVN vừa đại hội và bầu ra BCH mới với hi vọng chấn chỉnh lại hoạt động những người trong giới, “quản lý” về mặt đạo đức, tư chất nghề nghiệp của những người mẫu tham gia vào hội. Đây cũng là tín hiệu lạc quan cho giới người mẫu, hy vọng được xã hội coi người mẫu cũng là một nghề.
Đánh giá những thiếu sót trong nhiệm kì vừa qua của HNMVN, bà Nguyễn Thế Thanh - Phó Chủ tịch thường trực HNMVN nhiệm kì 2 cho biết: “Thời gian qua, dư luận đánh giá HNM là “hữu danh vô thực” tôi cho rằng cũng không sai so với thực trạng đang diễn ra. BCH ngoài việc ra mắt tạp chí Người mẫu nhưng thời gian ngắn phải đình bản. Còn nhiều kế hoạch khác hội dự định đều không làm được.
Nhiệm vụ quan trọng nhất khi HNM ra đời là làm thế nào để thấy hội không phải nơi quản lý người mẫu nhưng hướng cho người mẫu sống có đạo đức nghề nghiệp. Thời gian qua, việc nhỏ nhất là cấp thẻ hội viên nhưng chúng tôi cũng chưa làm được.
Bởi xin mã số nghề nghiệp cho người mẫu quan trọng lắm. Để xã hội coi đó như một nghề, có thu nhập và đóng góp như những ngành nghề khác. Và cái quan trọng nữa mà chúng tôi chưa làm được là góp phần giáo dục, tổ chức đào tạo người mẫu…
Tất cả những điều chưa làm được đó có rất nhiều lí do như kinh nghiệm của người đứng đầu hội chưa nhiều vì phải cùng một lúc làm công việc nhà nước, người trong BCH làm công ty riêng… Đây lại là bước khai phá đầu tiên mà chưa biết làm như thế nào”.
"Phải cấm hành nghề thì mới hi vọng bớt những hiện tượng xấu"
HNM nhiệm kì 2, chủ tịch lại là “ông trùm” giải trí Nguyễn Quang Minh, Tổng GĐ Công ty Cát Tiên sa. Điều này, không khỏi khiến dư luận băn khoăn: Liệu HNMVN có một lần nữa “hữu danh vô thực”, hoặc chỉ hoạt động mang tính bề nổi với các hoạt động giải trí đơn thuần mà công ty này đang tổ chức?
Bà Thế Thanh cho rằng: “Trong 5 năm tới, chúng tôi nỗ lực xây dựng các chương trình có chất lượng cao, từ đó xây dựng các đề án, giải thưởng cho người mẫu. Không nhất thiết đấy là giải thưởng của nhà nước mà hội phối hợp với cơ quan có uy tín để tôn vinh, đồng thời nhắc nhở những người làm nghề.
Chúng tôi cố gắng cấp thẻ hội viên cho những người mẫu tham gia vào hội. Đã tham gia vào hội phải có trách nhiệm đóng hội phí và tham gia các hoạt động mà hội tổ chức. Vừa qua, có hiện tượng một số người mẫu lợi dụng danh của mình đi bán dâm, môi giới, làm những chuyện trái đạo đức, ảnh hưởng uy tín nghề nghiệp…
Tôi cho rằng, họ thiếu tôn trọng bản thân, việc làm sai trái này xuất phát từ việc thiếu hiểu biết. Họ cho rằng, đẹp là giá trị, là cơ hội cho họ tiến thân mua bán thì hoàn toàn sai lầm. Phải hiểu rằng, nghề nào cũng vậy muốn được xã hội tôn trọng phải đi lên từ lao động chân chính. Đây là phương pháp giáo dục luôn cần đối với những người chưa và mới vào nghề.
Bên cạnh giáo dục nhất thiết phải có xử phạt những trường hợp vi phạm đạo đức, pháp luật. Cần phải tẩy chay, nghiêm khắc về mặt nghề nghiệp. Phạt hành chính là một chuyện, phải cấm hành nghề…thì mới hi vọng giảm bớt những hiện tượng này”.
Bà Thanh cho rằng: “Tôi luôn thấy nhất thiết phải có thẻ hành nghề cho giới người mẫu. Các ngành khác đều có thẻ hành nghề thì sao các người mẫu khi yêu cầu cấp thẻ lại có phản ứng. Thẻ hành nghề để giảm bớt những người mẫu tự phong, lấy cớ làm những chuyện xấu xa, thiếu đạo đức nghề… Đừng nghĩ là hội viên HNM thì có thể muốn làm gì thì làm. Hội phải chịu trách nhiệm lên tiếng trong các trường hợp gây mất uy tín, gây tai tiếng cho những người làm nghề. Có như thế, HNM mới tạo được niềm tin đối với những người trong nghề và cả xã hội…”./.