Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn vẫn “cố” trao giải ở Hàn Quốc
Cuộc thi chui "Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn" ngang nhiên diễn ra ở nước ngoài vào ngày 11/8, tìm ra ngôi vị đăng quang với các quy định không giống ai.
Ra nước ngoài thi chui
Sáng 12/8, trên các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải thông tin thí sinh số 008 - Nguyễn Thị Thu Hiền đã chính thức đăng quang ngôi vị Hoa hậu Doanh nhân Việt - Hàn 2019. Cuộc thi này có những quy định không chuẩn như các cuộc thi Hoa hậu khác ở trong nước, ví như: Thí sinh có thể phẫu thuật thẩm mỹ, thí sinh tham dự có độ tuổi từ 25 trở lên và không có tuổi “chốt” (nghĩa là 60 tuổi vẫn có thể là hoa hậu). Các doanh nhân này đang điều hành tại hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Không được phép tổ chức thi Bán kết tại Việt Nam, ban tổ chức Hoa hậu Doanh nhân Việt - Hàn 2019 đưa cuộc thi sang Hàn Quốc tổ chức chung kết. |
Phải nhắc lại, trước đó vào ngày 26/7, Ban tổ chức cuộc thi đã từng có ý tưởng tổ chức vòng bán kết cuộc thi tại Hà Nội. Tuy nhiên, cuộc thi không được sự cho phép tổ chức của cơ quan quản lý vì những điều khoản sai với quy định của Nghị định trong nước quy định về thi hoa hậu. Chính vì vậy, cho dù giấy phép được lách dưới hình thức tổ chức chương trình nghệ thuật “Gặp gỡ giao lưu Hoa hậu Doanh nhân văn hóa Việt - Hàn 2019” nhưng đêm diễn vẫn bị dừng trước giờ G.
Và theo kế hoạch, Ban tổ chức đã kéo chương trình sang xứ sở Hàn Quốc để tổ chức. Được biết, cho dù thí sinh tham dự cuộc thi phần lớn là công dân Việt Nam nhưng theo ông Nguyễn Thu Đông (phòng Quản lý nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - Bộ VHTT&DL), họ không xin phép Cục theo đúng quy định.
Bởi vì, biết chắc chắn xin phép là không đủ điều kiện đi dự thi. Theo quy định của Nghị định 79, thí sinh muốn trở thành đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu ở nước ngoài thì phải thuộc top 3 (nghĩa là có danh hiệu) ở các người thi người mẫu, người đẹp, hoa hậu do Bộ VHTT&DL, hoặc các tỉnh TP tổ chức. Trong khi, tất cả các thí sinh tham dự Hoa hậu Doanh nhân Việt – Hàn đều chưa từng có danh hiệu. Chính vì vậy, họ phải sang nước ngoài theo hình thức đi du lịch hoặc thăm thân để tham dự cuộc thi này.
Có danh nhưng không thể phạt
Đại diện Cục NTBD cũng khẳng định cho dù cuộc thi có gắn chữ “Việt Nam”, liên quan đến hình ảnh quốc gia, nhưng cũng không có quy định nào để quản lý, ngăn chặn tình trạng này. Bởi vì, các đơn vị tổ chức đã “lách luật”, thay vì phải xin cấp phép trong nước, họ kéo ra nước ngoài – những nơi không cấp phép tổ chức thi hoa hậu, người mẫu, người đẹp để có thể danh chính ngôn thuận. Chưa kể, cho dù biết ban tổ chức tổ chức “thi chui” nhưng Cục NTBD cũng khó lòng xử phạt đối với các thí sinh có danh hiệu hoặc không có danh hiệu từ cuộc thi này.
Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh giữ vai là người cầm chịch - Ban giám khảo của những người đẹp thi chui. |
Từ trước đến nay, không thiếu các người đẹp, người mẫu trong nước ra nước ngoài “thi chui” (không xin phép cơ quan quản lý) và bị xử phạt. Cụ thể như trường hợp của Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh, đã lên đường đi tham dự thi Miss Intercontinental 2018. Cuộc thi năm nay diễn ra từ ngày 8-27/1 với hơn 90 nước đăng ký tham gia. Đây được xem là mùa thi có quy mô lớn nhất của Hoa hậu Liên lục địa trong suốt 47 năm tổ chức. Tại cuộc thi này, Lê Âu Ngân Anh đã đạt giải Á hậu 4. Nhưng vì không xin phép nên danh hiệu này cô không được Bộ VHTT&DL công nhận và bị xử phạt.
Hoặc trước Lê Âu Ngân Anh là Hoa hậu Đông Nam Á Phan Hoàng Thu, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt 2016 Vũ Thúy Nga… cũng từng đi thi không phép và bị xử phạt. Tuy nhiên, đây là các gương mặt nghệ sĩ, thuộc diện quản lý của Bộ VHTT&DL.
Ngược lại, “các thí sinh dự thi Hoa hậu Doanh nhân Việt - Hàn là các doanh nhân. Họ là đối tượng do Bộ Công tương quản lý, Bộ VHTT&DL không thể xử phạt. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 79 và 15 để có thể với tới các đối tượng này”, ông Nguyễn Thu Đông nhấn mạnh./.