Hòa nhập văn hóa và nỗi lo “hòa tan”
(VOV) - Nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đều có quan điểm cần tiếp thu văn hóa thế giới nhưng nên hòa nhập chứ không "hòa tan".
Hội thảo “Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa” diễn ra ngày 28/5 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trong cả nước.
Tại hội thảo, 3 vấn đề chính đã được đưa ra, đó là Hội nhập và tiếp thu văn hóa; Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới đối với Việt Nam hiện nay; Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý. Nhận thấy, từ trước đến nay, làn sóng văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã tác động mạnh mẽ đến đời sống người Việt Nam. Đó là việc sử dụng tràn lan ngôn ngữ nước ngoài trong cuộc sống thường ngày, sự mê muội quá đà của bộ phận giới trẻ với các thần tượng đến từ các nước Châu Á.
Toàn cảnh buổi hội thảo "Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa" diễn ra ngày 28/5 tại Hà Nội |
Trong khi những giá trị đạo đức, lối sống truyền thống chưa kịp thích ứng với cái mới, những giá trị mới của cuộc sống chưa kịp hình thành dẫn hướng đời sống văn hoá, thì những tác động của văn hoá thế giới đã nhanh chóng làm nhiều người trong chúng ta đón nhận một cách không có giới hạn. Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn: “Chúng ta đang đứng trước thử thách rất lớn về văn hoá trước xu thế và những tác động của văn hoá thế giới, làm sao để “hoà nhập” mà không “hoà tan” đang ngày trở thành thách thức của văn hoá nước nhà”.
Bàn về vấn đề này, PGS, TS Lê Qúy Đức - Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta cần xác định thái độ ứng xử, phải tích cực, chủ động hội nhập, biến văn hóa thành sức mạnh mềm trong cuộc ganh đua trên thế giới. Muốn làm được điều này, ta phải phát huy sức mạnh văn hóa của mình để khẳng định vị thế dân tộc".
Cùng với đó, ông Đình Quang – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin bày tỏ: “Chúng ta đang hội nhập và tiếp thu trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa. Thế nhưng, cần xem xét sự đánh giá về văn hóa, tiếp thu văn hóa đó như thế nào. Chú trọng những yếu tố tự thân, nội lực thì mới biết và xác định được xuất phát từ đâu và đích đến sẽ là gì? Mỗi quốc gia phải có thiết chế văn hóa phù hợp, vậy nên việc thiết lập những chính sách, định hướng đúng đắn mới là điều cần thiết và quan trọng”.
Tuy nhiên, đôi khi việc hội nhập quốc tế lại gây ra những hậu quả trái chiều như mang lại lợi ích cho lĩnh vực này nhưng lại ảnh hưởng đến lĩnh vực khác. Ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chia sẻ: Đứng trên góc độ quản lý văn hóa, xu thế hội nhập là không thể tránh khỏi. Có thể, hội nhập thế giới mang lại lợi ích cho chúng ta về mặt kinh tế nhưng lại gây tổn hại về văn hóa. Vậy nên, phải tự đề cao tinh thần dân tộc, biết chắt lọc cái gì là tinh hoa để duy trì, khẳng định giá trị văn hóa không chỉ ở trong nước mà còn cần phải quảng bá ra nước ngoài.
Như vậy, muốn hội nhập thế giới thành công phải có sức mạnh nội lực để không hòa tan. Bà Đoàn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ VHTTDL khẳng định: “Muốn tạo nên sức mạnh nội lực để không hòa tan, chúng ta phải có đặc trưng riêng. Để có được điều đó, trong định hướng quản lý cần giáo dục và đầu tư phát triển. Trong giáo dục đào tạo, chúng ta thiếu tư duy đào tạo kỹ năng phát triển cho giới trẻ. Trong đầu tư thì thiếu đầu tư cho hạ tầng văn hóa".
Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến khác được đưa ra như Việt Nam cần xây dựng bản sắc văn hoá riêng; Quy hoạch về hạ tầng cơ sở cho hoạt động văn hoá phù hợp với truyền thống văn hoá và hướng phát triển tương lai; đào tạo đội ngũ quản lý có chuyên môn,…
Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định, các tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu vừa mang tính khái quát, lý luận vừa có tính thực tiễn sẽ giúp nhận diện phần nào vấn đề được đặt ra trong Hội thảo. Bộ VHTT&DL sẽ tiếp thu, tổng hợp để chắt lọc những vấn đề cần thiết vào Tổng kết NQTW5 khoá VIII và kiến nghị với Trung ương./.