Họa sỹ Việt Nam đạt nhiều thành tựu tại triển lãm Mông Cổ
VOV.VN - 11 nữ họa sỹ Việt Nam vừa trở về nước sau khi tham dự Triển lãm “Sự Hiện diện của nữ trong màu sắc” tại Mông Cổ.
Chương trình do Hội Nữ họa sĩ quốc tế INWAC (International Women Artist’s Council) tổ chức hai năm một lần. Phóng viên VOV đã phỏng vấn nữ họa sĩ Đặng Thị Dương, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật nữ thành phố Hồ Chí Minh về kết quả Đoàn Việt Nam qua hoạt động này.
PV: Thưa bà, xin bà cho biết dự triển lãm lần này 11 họa sĩ nữ của chúng ta đã đạt được thành công như thế nào?
Nữ họa sĩ Đặng Thị Dương: Thành công là 11 nữ họa sĩ đã mang tác phẩm sáng tác theo chủ đề “Tình yêu trong nghệ thuật”, những tác phẩm đa dạng về chất liệu như tranh sơn mài, sơn dầu, acrylic, khắc nhôm...cùng được trưng bày với các bạn nữ thế giới dưới chung một máy nhà: ga-lơ-ri quốc gia về nghệ thuật hiện đại Mông Cổ.
Thành công thứ 2: Đồng chủ tịch Hội Nữ họa sĩ quốc tế - Việt Nam, nhà giáo ưu tú Đặng Thị Dương đã trình bày tại Hội thảo nghệ thuật mang chủ đề : "Ngôn ngữ của tình yêu trong Mỹ thuật nữ". Bài viết có tên “Sắc thái của Tình yêu qua tính cách của Hội họa nữ” đã được các bạn bè quốc tế khen ngợi. Nội dung bài viết giới thiệu các tên tuổi nữ họa sĩ trong nước đã thể hiện sáng tác về đề tài này cùng những suy nghĩ, phát biểu cảm tưởng về bức tranh họ đã vẽ.
Thứ 3 là khi giao tiếp với các bạn nữ họa sĩ thế giới, chúng tôi đã thống nhất với nhau để cùng xuất hiện trong tà áo dài Việt Nam duyên dáng vào buổi khai mạc triển lãm, và chú ý giữ gìn nét lịch lãm trong giao tiếp với các bạn bè quốc tế.
PV: Qua đây, chúng ta đã học hỏi được gì về văn hóa, mỹ thuật của Mông Cổ và bạn bè quốc tế hiểu được gì về văn hóa, mỹ thuật Việt Nam?
Nữ họa sĩ Đặng Thị Dương: Qua những sự kiện Văn hóa nghệ thuật trên đất nước Mông Cổ, nữ họa sĩ Việt Nam đã có dịp hiểu thêm về lịch sử lâu đời của Mông Cổ, qua chuyến viếng thăm đền Gandan, Bảo tàng Cung điện Bogd Khaan, tìm hiểu trang phục truyền thống qua show biểu diễn thời trang từ truyền thống đến hiện đại của Mông Cổ, thưởng thức vở “Choid Tara Ballet” tại nhà hát opera thành phố, được trải nghiệm cuộc sống du mục của các bộ lạc thế kỷ 13.v.v... Đây là một đất nước tuy rất ít dân khoảng hơn 2 triệu dân nhưng đời sống văn hóa cao, người dân, yêu chuộng nghệ thuật..
Ngược lại, qua những tác phẩm hội họa của các nữ họa sĩ Việt Nam được trưng bày ở triển lãm, và những tác phẩm của một số nữ họa sĩ tiêu biểu từ Bắc đến Nam, giới thiệu qua phần trình bày tại Hội thảo, các bạn nữ họa sĩ thế giới đã hiểu thêm về tình yêu thiên nhiên qua tranh phong cảnh vùng Sapa hùng vĩ, những phố nhỏ, ngõ nhỏ của Hà Nội ngàn năm văn hiến, hoặc vùng Nam bộ với mùa nước nổi, rừng tràm....hiểu thêm về tình mẫu tử qua tác phẩm của các họa sĩ nữ bậc thầy, tình yêu nam nữ trong tranh mang tính ẩn dụ, những cảm xúc vui, buồn, mơ mộng, suy tư qua các tác phẩm của thế hệ nữ họa sĩ trẻ.....
PV: Để các nữ họa sĩ của Việt Nam phát huy được khả năng sáng tạo của mình, Câu lạc bộ mỹ thuật nữ thành phố Hồ Chí Minh có những hoạt động gì trong thời gian tới? Thưa bà?
Nữ họa sĩ Đặng Thị Dương: Để các nữ họa sĩ Việt nam phát huy được khả năng sáng tạo của mình, Câu lạc bộ Mỹ thuật nữ thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì những hoạt động thường xuyên như: với các hoạt động nghệ thuật trong nước thì Câu lạc bộ vẫn thúc đẩy các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm. Các nữ họa sĩ tiếp tục tham gia các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật tổ chức, Sáng tác tham dự các triển lãm toàn quốc, triển lãm khu vực, triển lãm miền, triển lãm dành riêng cho nữ, ít nhất mỗi năm một lần tại thành phố Hồ Chí Minh.
Còn với các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài thì với tư cách là thành viên Hội Nữ họa sĩ quốc tế gọi tắt là INWAAC, tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động triển lãm tại các nước theo định kỳ hai năm một lần để tiếp tục giới thiệu các nữ họa sĩ trong nước ta có điều kiện sánh bước cùng các họa sĩ nữ quốc tế, tiếp tục học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nghệ thuật.
Gần đây nhiều nhóm nữ họa sĩ xuất hiện, họ bày tác phẩm theo tiêu chí và theo chủ đề, đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới thưởng ngoạn. Tuy tranh của chị em nữ chúng tôi chưa ngang tầm với các đồng nghiệp nam, nhưng vẫn có tiếng nói riêng, tiếng nói của trái tim, của cảm xúc tận đáy lòng, của bản chẫt nữ tính. Và người ta còn mong đợi nhiều tác phẩm có tầm cỡ hơn với nhiều kinh nghiệm về kỷ thuật chất liệu, nội dung sâu sắc hơn... khi càng ngày càng có nhiều nữ tác giả đoạt giải thưởng qua các đợt triển lãm và ngày càng nhiều cuộc triển lãm được công bố trong nước cũng như ở các nước.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!/.