Khám phá 2 thành phố được mệnh danh là “Thủ đô Văn hoá châu Âu 2019“
VOV.VN - Thành phố Plovidv của Bulgaria và Matera của Italy đã bắt đầu các hoạt động đánh dấu năm "Thủ đô Văn hóa của châu Âu 2019".
Sáng 29/3, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phối hợp với các Đại sứ quán và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội tổ chức buổi họp báo giới thiệu hai thành phố được phong tặng danh hiệu "Thủ đô văn hoá Châu Âu 2019" là Plovdiv (Bulgaria) và Matera (Italy).
Tham dự sự kiện có ông Tom Corrie, Phó ban Hợp tác và Phát triển Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Marinela Petkova, Đại sứ Bulgaria tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italy tại Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Trần Phú Cường, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Ông Tom Corrie, Phó ban Hợp tác và Phát triển Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu trong buổi họp báo. |
Chương trình "Thủ đô Văn Hoá châu Âu" là cơ hội thúc đẩy và phát triển du lịch văn hoá ở các quốc gia, khu vực. Chương trình được đề xuất bởi cựu Bộ trưởng Văn hoá Hy Lạp vào năm 1983 và được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1985. Từ những ngày đầu tiên, ý tưởng này nhằm quảng bá các nền văn hoá khác nhau của châu Âu và tổ chức các sự kiện thường niên đặc sắc như biểu diễn, hoà nhạc và triển lãm.
Cho đến nay, đã có tới 60 thành phố được vinh danh là "Thủ đô Văn Hoá châu Âu". Việc được chọn là "Thủ đô Văn Hóa châu Âu" là cơ hội để tạo ra lợi nhuận về kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh của thành phố đó trên bình diện quốc tế.
Năm nay, với sự đa dạng của di sản và lịch sử, Plovdiv (Bulgaria) thành phố lâu đời nhất ở châu Âu và Matera thành phố ở miền Nam Italy đã được bình chọn là "Thủ đô Văn Hoá châu Âu 2019".
Thành phố Plovdiv, Bulgaria. |
Plovdiv là thành phố lớn thứ hai và có vị trí trung tâm của Bulgaria được bao phủ ở giữa dãy núi Balkan và Rodopi, cách thủ đô Sofia 144 km về phía đông nam, tồn tại hàng ngàn năm nằm trên đường giao lộ giữa Tây Âu và Trung Đông Âu, cũng nằm trong danh sách 52 điểm đến của tờ The New York Times năm 2019. Plovdiv nổi tiếng không chỉ vì lịch sử lâu đời mà còn bởi không gian văn hoá sôi động và đầy tính nghệ thuật.
Cùng ghi danh "Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2019" với Plovdiv là thành phố Matera. Đây không phải là lần đầu tiên một thành phố ở Ý được xướng danh là "Thủ đô văn hoá", trước đó đã có các thành phố Firenze, Bologna, Genova. Matera là thành phố được xây dựng từ núi đá. Tại thành phố cổ xưa này, toàn bộ những ngôi nhà đều được hình thành dựa trên những hang đá tự nhiên, đan xen với những lối đi và bậc thang uốn lượn hài hòa. Trải qua 9.000 năm, Matera vẫn giữ được nét duyên dáng hoang sơ và mang đến một cảnh quan thành phố độc đáo.
Thành phố Matera ở miền nam Italy. |
Trong thời gian đăng cai "Thủ đô Văn hóa châu Âu", nhiều sự kiện văn hóa đã được lên kế hoạch tổ chức tại Plovdiv và Matera trong suốt năm 2019. Đại sứ Marinela Petkova cho biết Plovdiv sẽ mang đến một chương trình truyền cảm hứng với hơn 500 sự kiện khác nhau gồm hoà nhạc, khiêu vũ, sân khấu hoá, triển lãm, liên hoan phim,...thể hiện truyền thống dân tộc Bulgaria cùng nhiều hoạt động mang phong cách hiện đại, sáng tạo nghệ thuật cũng đuọc diễn ra.
Việc được chọn là "Thủ đô Văn Hóa châu Âu" là cơ hội để hai thành phố có thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh của thành phố. Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam mong muốn, chương trình có thể truyền cảm hứng cho Việt Nam và rộng hơn là ASEAN để phát triển nhiều chương trình du lịch kết hợp văn hoá để quảng bá hình ảnh đất nước đến thế giới.
Ông Tom Corrie nhấn mạnh: "Du lịch có thể giúp xây dựng cộng đồng và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có châu Âu và Việt Nam. Văn hoá là một phương tiện để gắn kết các quốc gia, dân tộc. Trên quan điểm kết hợp giữa du lịch và văn hoá, mục tiêu của Liên minh châu Âu là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau để phát triển và quảng bá những di sản chung của nhân loại trong hiện tại và tương lai"./.