Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc: Hơn cả ngày hội
VOV.VN - Mỗi dịp Côn Sơn - Kiếp Bạc mở hội, hàng vạn người lại nô nức hành hương về đây để tưởng nhớ vị anh hùng Trần Hưng Đạo.
Với nhiều người dân ở Hải Dương nói riêng và người dân cả nước, về với Côn Sơn - Kiếp Bạc trong những ngày lễ hội nơi đây, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa trảy hội, ý nghĩa tâm linh. Với họ, được sống trong không khí lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là một vinh dự, niềm tự hào, gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc...
Mỗi dịp Côn Sơn - Kiếp Bạc mở hội, hàng vạn người dân lại nô nức hành hương về đây trảy hội để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trải qua hơn 700 năm ngày mất của Trần Hưng Đạo (1300 - 2013), những chiến công, những đóng góp của ông vẫn được các thế hệ ngày nay ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn thành kính.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc |
Mặc dù đã ngoài bảy mươi tuổi, trải qua rất nhiều mùa lễ hội từ những ngày còn là một cậu bé, nhưng với ông Nguyễn Tất Từ, người làng Vạn Yên, vẫn còn nguyên cảm xúc như những ngày đầu được cha mẹ dắt đi trảy hội. Với ông Từ, lễ hội không chỉ là dịp mọi người tụ hội, chơi những trò chơi dân gian, mà còn là dịp để con cháu trong làng đi làm xa nhà về báo hiếu bố mẹ ông bà, là cơ hội thắt chặt tình làng nghĩa xóm; Là dịp để lớp trẻ ôn lại lịch sử, người già nhắc lại những chiến công oai hùng của cha ông mình...
Không chỉ những cụ già phấn khởi, những thanh niên trai tráng trong làng cũng bày tỏ niềm tự hào khi được là một phần của hoạt động lễ hội quê mình. Anh Vũ Văn Thanh ở làng Vạn Yên tâm sự: “Ở mấy làng này đều có tục rước rồng, nếu mà thanh niên nào có ở nhà thì họ đều lên chùa để rước rồng xuống Đền này, em nghĩ tham gia lễ hội là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả thanh niên địa phương.”
Màn múa rồng tại lễ khai hội Côn Sơn - Kiếp Bạc |
Điểm mới năm nay là Ban Tổ chức đã huy động hàng trăm võ sinh của các lò võ trên địa bàn tham gia tái hiện Lễ hội quân trên sông Lục Đầu khi xưa, với những màn võ thuật đẹp mắt cùng hàng chục chiếc thuyền được trang trí như những chiến thuyền mô phỏng cảnh diễn tập khi xưa gợi nhắc đến chiến thắng oai hùng trên sông Bạch Đằng năm nào.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử đất nước; thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm, của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc. Ông Nguyễn Khắc Xương ở Việt Yên, Bắc Giang, đã nhiều lần dự lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, sau khi chứng kiến màn tái hiện Lễ hội quân trên sông Lục Đầu cho biết: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi và rất xúc động khi chứng kiến những hình ảnh tái hiện lại lịch sử của cha ông để cho con cháu nhớ lại quá khứ lịch sử của dân tộc. Mong là nhà nước ngày càng quan tâm tu bổ phát triển thêm càng ngày càng đẹp hơn...”
Trải qua hơn 700 năm, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962; năm 2012 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội mùa xuân Côn Sơn và Lễ hội mùa thu Kiếp Bạc là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia./.