Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn
(VOV)- Một số đại biểu đề xuất nhiều phương án tại Hội thảo “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn” diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội.
Trước sự cấp thiết của lễ phục trong việc khẳng định đặc trưng văn hóa dân tộc tại ngày lễ lớn, nghi thức ngoại giao, hôm nay (21/12), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn". Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, thiết kế thời trang trong nước tham dự.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo như: "Áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam đến lễ phục thời hiện đại" của họa sĩ Đoàn Thị Tình; "Lễ phục chế tác theo quy chuẩn nào" của Nhà văn Hoàng Quốc Hải; "Mấy ý kiến về lễ phục Việt Nam" của Giáo sư Hoàng Chương; "Lễ phục Việt Nam – ý tưởng và hiện thực" của Giáo sư Phan Đăng Nhật… đã nêu lên tầm quan trọng của lễ phục trong việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.
Hoa hậu Mai Phương Thúy trình diễn áo dài truyền thống cách điệu do nhà tạo mẫu Võ Việt Chung thiết kế (ảnh minh họa, nguồn: VMode) |
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "Việc xây dựng lễ phục nhằm khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và vị thế độc lập nền văn hiến quốc gia. Việt Nam cần khẳng định bản sắc văn hóa riêng trong trang phục của mình. Việc xây dựng, thiết kế lễ phục nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia là một việc làm hết sức cần thiết".
Tuy nhiên, nếu việc lựa chọn áo dài truyền thống là lễ phục cho nữ giới được đông đảo đại biểu tham dự hội nghị nhất chí, thì việc lựa chọn âu phục hay áo dài khăn xếp cho nam lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều đại biểu cho rằng, trong thời kỳ xã hội phát triển việc lựa chọn âu phục làm lễ phục cho nam sẽ thể hiện được sự trang trọng, năng động, tiện ích. Nhưng cũng có đại biểu cho rằng, chiếc áo dài mới biểu trưng cho truyền thống văn hóa Việt Nam. Trước vấn đề này, một số đại biểu cho rằng nên chăng cần có hai loại trang phục Quốc gia: Quốc phục và lễ phục./.