Lê Thị Lựu - nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam “trở về” sau 30 năm
VOV.VN - Họa sĩ Lê Thị Lựu, người nữ họa sĩ đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam đương đại đã “trở về” theo cách riêng của mình.
29 tác phẩm hội họa của họa sĩ Lê Thị Lựu đã được gia đình bà và gia đình cháu nội trai cùng cháu dâu bà tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, sẽ được ra mắt những người yêu tranh thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương vào ngày 23/11/2018 tại Bảo tàng.
Tranh của hoạ sĩ Lê Thị Lựu.
Giới mỹ thuật Việt Nam, nhất là những người yêu dòng tác phẩm thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương đều biết đến bà, không chỉ là một nữ họa sĩ Đông Dương đầu tiên của người Việt Nam mà bà còn có nhiều đóng góp cho việc giảng dạy hội họa cho các thế hê sau, đồng thời góp vào di sản mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị.
Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19/01/1911 tại làng Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ đến 14 tuổi, bà theo cụ thân sinh ở các thị xã Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hải Phòng và Hà Nội.
Trong cuốn phim phóng sự lịch sử về hoạt động chính trị và ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946, đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các kiều bào Việt Nam tại Pháp, có hình ảnh 2 phụ nữ Việt Nam giương cao lá cờ Tổ quốc, một trong hai người phụ nữ ấy là nữ họa sĩ Lê Thị Lựu.
Từ năm 1927, bà vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 3 và năm 1933 bà đậu thủ khoa khóa này, vượt lên cả các họa sĩ nam danh tiếng. Ngay từ khi còn là sinh viên, năm 1929 bà đã có 2 tranh sơn dầu trong cuộc triển lãm chung đầu tiên của trường: “Chân dung Ông Hai” và “Thiếu nhi vườn chuối”.
Họa sĩ Lê Thị Lựu. Ảnh: hoasivietnam.wordpress.com |
Về cuộc triển lãm đầu tiên của nhà trường (tháng 11/1929), Yvonne Schultz đã viết: “... Bức tranh rất thú vị của cô Lê Thị Lựu, năm thứ 3, trình bày mấy đứa trẻ con quanh một cây chuối. Tôi tin rằng đó là bức tranh sơn dầu duy nhất cho ta thấy một đứa nhỏ có một cái bụng to đầy cơm. Và điều đáng yêu là người vẽ đứa nhỏ kia là một phụ nữ trẻ. Người ta thấy trong bức tranh đó một tình cảm rất dịu hiền đối với trẻ thơ. Bức thứ hai của cô Lựu là bức chân dung vẽ người ông cậu với một vẻ bạo dạn làm nhớ đến Reynolds”. (Một trường phái hội họa và điêu khắc mới: Trường phái An Nam”, báo “L’Avenir du Tonkin”, đăng lại trên phụ trương tiếng Pháp của báo “Nam Phong”, số 145, tháng 12/1929).
Bà là người phụ nữ thuộc tầng lớp tân tiến, tây học. Trong khi tuyệt đại bộ phận phụ nữ cùng thế hệ với bà vẫn còn nhuộm răng đen và bẽn lẽn ẩn mình trong những chiếc áo dài thâm thì bà đã mạnh dạn thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thuyết phục gia đình cho học lớp vẽ tranh… khỏa thân.
Năm 1932, ra trường với tấm bằng thủ khoa, Lê Thị Lựu trở thành cái tên được nhiều báo nhắc tới. Những bức tranh đầu tiên của bà đã được Hiệp hội Nữ họa sĩ và điêu khắc tổ chức trưng bày tại một cuộc triển lãm và giành được giải nhất. Ngay lập tức, nữ họa sĩ trẻ được kết nạp làm thành viên của Hiệp hội.
Từ năm 1933, trong 7 năm liền, bà được bổ làm giáo sư dạy vẽ tại các trường có uy tín thời đó như Trường Bưởi, Trường Hàng Bài (tức Trường Trưng Vương sau này), Trường làm Ren, Trường Hồng Bàng (Hà Nội) và Trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn). Năm 1940 bà sang Pháp, lấy chồng và gần như sống hết cuộc đời ở bên này cho đến khi mất ngày 6/6/1988 tại Antibes (Pháp).
Việc làm đáng nhớ nhất của bà với tư cách một thành viên của phong trào Hướng đạo sinh là khi tham dự Trại Họp bạn Hướng đạo toàn quốc tại sân Mayer- Sài Gòn, bà đã kết hợp sử dụng 5 thứ ngũ cốc để tạo thành một bức tranh chân dung ông Baden Powell, người sáng lập phong trào Hướng đạo thế giới.
Bức tranh có kích cỡ 1m x 0,8m được đặt trên con đường chính của trại. Không chỉ có vậy, nữ họa sĩ còn tham gia thiết kế mẫu huy hiệu "Hướng đạo Việt Nam" với biểu trưng được cách điệu từ hoa sen và mẫu huy hiệu này sau đó đã được nhiều báo giới thiệu.
Ngoài hội họa, bà còn làm thơ, ký bút danh Thạch Ân, và cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới. Từ năm 1940, bà theo chồng sang sống tại Pháp và từ đó tới khi mất, bà đã có những hoạt động thiết thực ủng hộ phong trào kháng chiến trong nước (bà từng là thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký Hiệp định Geneve về Việt Nam).
Từ 1946, bà lại tiếp tục vẽ thiếu nhi, thiếu nữ, thiếu phụ, chân dung hoặc phong cảnh. Tham gia một số cuộc triển lãm chung và chưa bao giờ tổ chức triển lãm cá nhân. Là thành viên “Hiệp hội nữ họa sĩ, nhà điêu khắc và nhà khắc tranh” (Union des Femmes Peintres, Sculpteurs et Graveurs) ở Paris.
Bà chuyên sử dụng sơn dầu và dùng lụa “tự do” như một thứ mặt nền (support) hơn là một thể loại riêng biệt, bao giờ cũng bồi lụa trước khi vẽ. Phong cách “kiên trì” cổ điển, với sự kết hợp các yếu tố biểu tượng và có nhiều tính chất của hội họa ấn tượng. Ngưỡng mộ Renoir, nhất là Bonnard, bà hướng tới một bảng màu sáng, nhẹ nhõm, diễn hình có không gian chủ yếu bằng điệu thức màu thay vì những độ tương phản đậm nhạt quá “truyền thống”.
Lê Thị Lựu ít vẽ cảnh (chỉ vài bức bằng chất liệu sơn dầu), còn thì đa phần là vẽ người. Và nhân vật của bà chủ yếu là phụ nữ, gói gọn trong mấy chữ "thiếu": Thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi. Vẽ chân dung người đẹp, bà thực hiện theo đúng khuôn thước cổ điển: Mặt trái xoan, cân đối, hài hòa. Màu sắc mà nữ họa sĩ ưa sử dụng thường tươi sáng, mặc dù trong nét vẽ vẫn phảng phất đây đó một nét buồn thanh tĩnh.
Xem tranh của Lê Thị Lựu, ta thường bắt gặp những cô gái có cái nhìn lơ đãng, thậm chí có lúc như đang chìm trong mộng mị. Về cơ bản, dù cả đời từng theo đuổi nhiều trường phái, khi Ấn tượng, lúc Cổ điển, song tranh của Lê Thị Lựu, ở những bức tiêu biểu vẫn thấm đẫm chất Á Đông. Và mặc dù rất ít vẽ tranh khỏa thân, song chỉ với một bức "Thiếu nữ tắm hồ sen", ta có thể thấy được nét đẹp thẩm mỹ của bà.
Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã để lại một khối lượng tranh không nhiều, khoảng chừng 300 bức, phần nhiều trong số ấy bị lưu lạc. Rất may là một số bức tiêu biểu của bà còn được lưu giữ tại một số bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và tháng 11/2018, bà "trở về" quê Việt bằng 29 tác phẩm của mình, được gia đình trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh./.
Khám phá “Miền cổ tích” của họa sĩ Nguyễn Quốc Huy
Tài biến các sự vật bình thường thành tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Ý