Lùm xùm tranh giả - tranh thật: Bao giờ mới ngã ngũ?
VOV.VN -Liệu sau buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các nhà chuyên môn vào sáng nay (19/7), sự thật có sáng tỏ?
Những tranh luận chưa ngã ngũ
Không phải đợi đến khi họa sĩ Thành Chương – người khẳng định là “cha đẻ” bức tranh “Trừu tượng” bị tráo đổi thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ thì người ta mới chú ý đến triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của các danh hoạ Việt Nam thời kỳ Đông Dương diễn ra từ ngày 10/7 - 21/7 tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, triển lãm đã gây xôn xao giới họa sĩ, giới sưu tập tranh bởi những nghi vấn về tranh thật – tranh giả.
Bức tranh "Trừu tượng" họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ từ những năm 1970-1971. |
Chủ nhân của 17 bức tranh là ông Vũ Xuân Chung – vốn là một nhà sưu tầm cổ vật. Trong số những bức tranh được mang ra triển lãm, có những bức tranh quý của bộ tứ danh họa Nghiêm-Liên-Sáng- Phái (tức các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm-Dương Bích Liên-Nguyễn Sáng-Bùi Xuân Phái). Ngoài ra còn có tranh của Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc…
Ngay từ những ngày đầu khai mạc, triển lãm đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người quả quyết rằng phần lớn các bức tranh được trưng bày là giả. Trong đó phải kể đến tác phẩm "Ba cô gái" của họa sĩ Dương Bích Liên, tác phẩm "Vườn chuối" của danh họa Nguyễn Sáng, tác phẩm "Rồng" ký tên Nguyễn Tư Nghiêm cũng vấp phải nhiều sự nghi ngờ và được các nhà chuyên môn phân tích, nhận định rằng đó không thể là tranh thật.
Bức tranh sơn mài "Ba cô gái" của Dương Bích Liên tại triển lãm bị tố là tranh giả, vì bức tranh thật được cho là đang thuộc sở hữu của một công ty ở Hải Phòng. Ảnh: Lao Động. |
Trong khi tất cả chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ, thì ông Jean-François Hubert (chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong, người bán 17 bức tranh cho ông Chung) khẳng định: "Tất cả bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đều là tranh thật". Đồng thời, ông Hubert cũng đưa ra đầy đủ hồ sơ gồm những văn bản, giấy chứng nhận của Nhà đấu giá Christie’s Hongkong rằng những bức tranh này là thật.
Chỉ đến khi họa sĩ Thành Chương vô tình phát hiện bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ trong triển lãm là của mình vẽ năm 1970-1971, thì câu chuyện lại trở nên kịch tính hơn. Trước phản ứng của họa sĩ Thành Chương, ông Hubert cung cấp cho báo chí bức ảnh bằng chứng để khẳng định đó là tranh Tạ Tỵ vẽ năm 1952. Tuy nhiên, bức ảnh ngay lập tức bị “bóc mẽ” là sản phẩm photoshop cẩu thả, vụng về.
Bức ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và ảnh ông Hubert cung cấp (phải). |
Liệu sự thật có sáng tỏ?
Hôm nay (19/7), Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” với thành phần tham dự là những họa sĩ uy tín, nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu và các đại diện của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Đặc biệt, họa sĩ Thành Chương – người khẳng định là “cha đẻ” thực sự của bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ trong bộ sưu tập cũng có mặt kèm theo những bằng chứng xác nhận điều đó.
Họa sĩ Thành Chương trước đó đã tìm thấy bản vẽ phác thảo bức tranh gốc của mình. Nhân vật trong bức tranh theo ông là nữ họa sĩ Kim Anh – một người bạn của Thành Chương thời đó hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cùng với bản vẽ phác thảo, ngày 18/7, nữ họa sĩ Kim Anh cũng đã gửi thư tới báo Thanh Niên, xác nhận mình là “nhân chứng của bức tranh đang tranh chấp. Tôi xin xác nhận bức đó 100% là chân dung của tôi do anh Thành Chương vẽ. Năm đó tôi 18 tuổi”.
Về phía chủ nhân của bộ sưu tập, ông Vũ Xuân Chung, khi 17 bức tranh được ông này mua về với số tiền lớn bị “tố” là tranh giả, thay vì lên tiếng phản bác, thanh minh hay thừa nhận… thì lại im lặng. Ngay cả khi họa sĩ Thành Chương muốn gặp trực tiếp để chia sẻ thông tin về bức tranh ký tên Tạ Ty, ông Chung cũng không ra mặt.
Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (trái) và ông Jean-François Hubert. |
Trước đó, ông Chung từng chia sẻ với báo chí, rằng ông rất xúc động và có chút tự hào khi mang những tác phẩm đã trải qua cuộc hành trình dài từ châu Á đến châu Âu trở về Việt Nam. Ông mong muốn có thêm nhiều nhà sưu tập cùng ông làm công việc này để công chúng trong nước không phải lặn lội ra nước ngoài mới thưởng ngoạn được những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam.
Thiết nghĩ, việc làm của ông Chung, mang tranh Việt từ nước ngoài về triển lãm trong nước thực sự có ý nghĩa, rất đáng khuyến khích. Nhưng nếu là tranh giả thì lại hoàn toàn phản tác dụng.
Lâu nay, vấn nạn tranh thật – tranh giả luôn ám ảnh nền mỹ thuật Việt Nam, khiến cho những nhà sưu tập nước ngoài dè dặt, nghi ngờ. Việc xác định tranh thật - tranh giả vẫn rất khó khăn vì Việt Nam chưa có một hội đồng thẩm định uy tín, nhà sưu tập cũng ko biết phải chứng minh như thế nào ngoài đưa ra những hồ sơ chứng thực của người bán. Hiện có thông tin cho rằng, ông Hubert không còn làm cho Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong. Vậy, câu hỏi đặt ra là những giấy tờ chứng nhận tranh thật của chuyên gia người Pháp này có thể tin tưởng hay không?
Kết luận cuối cùng của buổi họp thẩm định lại những bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức sáng 19/7, dư luận mong chờ sự thật sẽ được sáng tỏ./.