Ngành văn hóa 2013: Vẫn loanh quanh chuyện quản lý
VOV.VN - Nếu không có một lộ trình hợp lý, những tồn tại trong công tác quản lý văn hóa sẽ không chỉ là câu chuyện của riêng năm nay.
Năm 2013 là một năm có nhiều bước tiến đối với ngành văn hóa khi đã có những biện pháp cứng rắn trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn, di sản đờn ca tài tử tiếp tục được UNESCO vinh danh...
Trong khi Bộ VHTT&DL chưa ngã ngũ 10 sự kiện văn hóa đáng chú ý nhất trong năm, thì ngành văn hóa trong năm qua lại được chú ý hơn bởi những câu chuyện không mấy văn hóa.
Không quá lời khi nói rằng Liên hoan phim VN lần thứ 18 là LHP được tổ chức “nhạt” và gây thất vọng nhất từ trước tới nay. Với chủ đề ‘Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập’, khẩu hiệu là một chuyện, chất lượng thực những sản phẩm điện ảnh mang tới tranh giải lại là chuyện khác.
Và dường như hai yếu tố này đang ngày càng đi ngược lại với nhau, khi đốt đuốc vẫn không thấy chất 'dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập' trong mỗi tác phẩm. Mà chỉ thấy phim mì ăn liền ngày càng soán ngôi.
Scandal - Bí mật thảm đỏ nhận giải Bông sen vàng. |
Giữa một danh sách dài những phim hài bị cho là “thảm họa”, chiến thắng của Những người viết huyền thoại là kết quả được đoán trước và không mấy bất ngờ.
Việc trao Bông sen vàng cho bộ phim duy nhất thuộc đề tài chiến tranh cách mạng là một quyết định an toàn, nhất là khi phim được đánh giá cao về chất lượng.
Trong số những nhiều phim được cho là "thảm họa", thì ê-kíp của đạo diễn Victor Vũ lại thắng lớn lần nữa sau Cánh diều vàng hồi tháng 3. Scandal - Bí mật thảm đỏ đồng Bông sen vàng, Thiên mệnh anh hùng giành Bông sen bạc. Giải đạo diễn xuất sắc cũng được trao cho Victor Vũ và Diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh không lọt khỏi tay Vân Trang.
Điều đáng thất vọng còn đến từ những nhà sản xuất phim hoạt hình. Giữa thời đại bùng nổ thông tin, trẻ em Việt dễ dàng no nê với những bộ phim đỉnh cao của Walt Disney, của Pixar, thì người làm phim Việt vẫn quanh quẩn với những đề tài và cách xây dựng nhân vật như từ thế kỷ trước, cũ kỹ và thiếu sự sáng tạo trầm trọng với: Bò vàng, Trần Quốc Toản, Càng to càng nhỏ...
So sánh là khập khiễng, và sẽ phải tua đi tua lại câu chuyện về tài năng, khó khăn, kinh phí, nỗ lực... của dòng phim nội này, nhưng tựu trung kết quả - hiệu quả chỉ là: còn xa lắm trẻ em Việt mới để ý đến phim nội, với chất lượng hình ảnh, cốt truyện như thế, bên cạnh các bom tấn hốt bạc tại rạp chiếu trong nước.
Nếu như điện ảnh không có gì nổi bật, thì ở lĩnh vực di sản, đây lại là năm có quá nhiều tiếng kêu cứu. Tiếng kêu phát ra trong nỗi tuyệt vọng của di sản trong sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, trong sự thiếu vắng đi những hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ vốn ký ức già nua nhưng quý giá này.
Sau đàn Xã Tắc, chùa Chàng Sơn, chùa Một Cột, đình Ngu Nhuế, Chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm....sẽ là những di tích nào nữa? Giữ hay bỏ, bảo tồn hay phát triển, phép cộng cho nhân sinh hay phép trừ di tích luôn luôn gây lúng túng cho các nhà quản lý.
Đa phần là khi chưa được xếp hạng, chưa được vinh danh thì rất bình yên, nhưng một ngày nào đó được khoác lên danh hiệu thì sự bình yên không còn nữa. Và còn nữa, có cả một phong trào xây dựng hồ sơ di sản để vinh danh tầm thế giới nở rộ giữa những lời hứa và sự quyết tâm của các nhà quản lý.
Hiện tại cả nước có 17 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh, cùng với hàng nghìn di tích quốc gia và hàng vạn di tích được công nhận ở các cấp khác nhau. Di sản văn hóa nhiều như thế đấy, nhưng giá trị quá khứ đọng lại đến bây giờ và sẽ được trao truyền cho tương lai thì có được bao nhiêu ?
Ngành du lịch tiếp tục gây thất vọng trong năm qua với hàng loạt các vụ việc chặt chém du khách. Mặc dù con số 7,5 lượt triệu khách trong năm nay dễ đạt được, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập đã tồn tại từ năm này qua năm khác mà vẫn chưa thể giải quyết.
Sự việc nhận được nhiều phản hồi đa chiều nhất trong năm qua chính là lời xin lỗi của Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn với vị khách nước ngoài bị chặt chém tại Hà Nội. Không hề nói quá, lâu nay tình trạng “chặt chém”, bắt chẹt khách du lịch xảy ra nhiều nơi trong nước, làm hình ảnh du lịch của đất nước bị xấu đi, nhiều du khách nước ngoài cảm thấy rất khó chịu, thậm chí tuyên bố không bao giờ trở lại Việt Nam nữa.
Bên cạnh đó, khi thông tin về tình trạng này lan ra trên nhiều diễn đàn về du lịch trên thế giới, có không ít du khách quốc tế ngần ngại khi chọn Việt Nam là điểm đến.
Nhiều người khen ngợi động thái cầu thị này, nhưng cũng không ít người lại thở dài thườn thượt vì “thực ra chuyện “chặt chém” đó đã tồn tại lâu nay, với muôn hình vạn trạng. Liệu có xin lỗi được mãi? Và sẽ làm gì khi những nguồn cơn khiến người đầu ngành phải nói lời xin lỗi khách quốc tế lại là những “chuyện muôn năm cũ”?”.
Nhìn lại một năm với nhiều vấn đề cho thấy đã đến lúc ngành văn hóa cần phải thay đổi trong cách quản lý. Vẫn biết, những khúc mắc trên không phải một sớm một chiều có thể giải quyết, nhưng rõ ràng, khi không có một lộ trình hợp lý, thì những tồn tại trên sẽ không còn là câu chuyện chỉ của năm nay./.