Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 sẽ không có sân thơ trẻ
VOV.VN - Việc tích hợp sân thơ trẻ và sân thơ truyền thống là một sự tôn vinh những đóng góp của các bạn trẻ, để có thể bình đẳng với những nhà thơ đi trước.
Sáng 8/2 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu những nội dung sẽ có trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017 diễn ra vào rằm tháng Giêng năm Đinh Đậu (ngày 11/2).
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 được tổ chức trong tinh thần kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017). Ông cho biết, 60 năm là một đoạn đường rất dài, nhưng Hội Nhà văn càng ngày càng được trẻ hóa, càng sung lực, văn chương Việt Nam càng đa dạng, phong phú hơn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu những nội dung sẽ có trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017. |
Chủ đề ngày thơ lần thứ 15 của Hội Nhà văn Việt Nam là “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”. Năm nay ngày thơ vẫn có 2 sân, sân trước và sân sau. Có một đặc điểm là sân sau mọi năm thường dành cho thơ trẻ, nhưng năm nay thơ trẻ sẽ không có sân khấu riêng.
Trước những ý kiến về việc sân thơ trẻ liệu có phải không đủ mạnh để đứng riêng trên một sân khấu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giải thích: “Trong đà kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi không chủ trương phân chia ra sân thơ trẻ với sân thơ truyền thống, hay mọi người vẫn quen gọi là sân thơ già, bởi chúng tôi muốn những nhà văn trẻ và các nhà văn ở thế hệ đi trước cùng đồng hành trên một sân khấu. Sân khấu đại diện cho một không gian lớn mà ở đó, các thế hệ cùng nhau bước tiếp con đường thi ca Việt Nam. Ở đó có các nhà thơ chống Mỹ, nhà thơ chống Pháp, nhà thơ sau năm 1975 và những nhà thơ trẻ hơn nữa. Các nhà thơ trẻ hòa đồng vào trong tất cả, tạo thành một khối, ý tưởng là như vậy, chứ không làm riêng sân thơ trẻ, không phải vì sân thơ trẻ quá yếu kém”.
Theo nhà thơ Hữu Việt, năm nào sân thơ trẻ cũng được công chúng yêu thơ chờ đợi ở sự mới mẻ, cách tân, đột phá, chờ đợi những gương mặt nhà thơ trẻ sẽ xuất hiện. Chính vì vậy, sân thơ trẻ luôn luôn chịu áp lực của việc tìm ra những gương mặt thơ mới, đồng thời tìm ra những cách thức tổ chức mới. Chính vì vậy, sân thơ trẻ không bao giờ mất đi cả, mà nhiều năm, sân thơ trẻ đã nhường lại sân khấu riêng của mình để phục vụ chủ đề chung của Ngày thơ Việt Nam. Nhưng dù thế nào, năm nào các nhà thơ trẻ cũng xuất hiện dày đặc với những sáng tác mới của mình. Việc tích hợp sân thơ trẻ và sân thơ truyền thống cũng là một sự tôn vinh, đánh giá cao chất lượng thi ca, cũng như những đóng góp của các bạn trẻ, để có thể bình đẳng với những nhà thơ đi trước.
Cũng giống như sân thơ trẻ, năm nay, thơ thiếu nhi không xuất hiện, nhưng sẽ có một không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi sẽ được tập trung tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”. Ban Tổ chức dành hẳn 3 quầy cho không gian thơ đặc biệt này, bên cạnh khu vực thơ của các tỉnh, thành phố.
Còn ở sân thơ sau, sẽ là nơi tôn vinh những nhân vật của 2016 về thơ ca, trong đó có những nhà thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn, những tác giả được giải nhất trong cuộc thi thơ lớn của tạp chí Văn nghệ Quân đội nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tạp chí, những nhà thơ trẻ vừa được kết nạp thành hội viên Hội Nhà văn, nhà thơ của các vùng miền…
Điểm nhấn đặc biệt của Ngày thơ năm nay sẽ là không gian trưng bày thơ trên gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ngoài ra, lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam tổ chức Con đường thi nhân để giới thiệu chân dung, sáng tác của các nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam. Triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thành tựu của Hội trong 60 năm hình thành, phát triển./.
Ngày thơ Việt Nam 2016: Hào sảng khúc thơ hướng về biên giới biển đảo