Ngày xuân ấm áp bên hương rượu cần của đồng bào S’tiêng

VOV.VN - Rượu cần của người S’tiêng có hương vị nồng nàn khác biệt. Nó được tạo nên từ vị đắng, vị ngọt, vị cay của cây rừng.

Rượu cần của đồng bào S’tiêng tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có hương vị nồng nàn khác biệt bởi được tạo nên từ vị đắng, vị ngọt, vị cay của cây rừng, nhờ vậy khi “hút” một cần rượu S’tiêng, ta nghe đâu đây hương vị núi rừng tràn về ngây ngất bờ môi, đặc biệt trong những ngày Tết đến xuân về thì hương vị đó càng cô đọng hơn trong từng ché rượu khi mọi người quây quần bên nhau đón chào Năm mới.

Một góc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Ai từng đến Bù Đăng mà chưa được thưởng thức hương vị ngất ngây của men rượu cần thì coi như chưa đến nơi này. Rượu cần của người S’tiêng có hương vị nồng nàn khác biệt. Nó được tạo nên từ vị đắng, vị ngọt, vị cay của cây rừng. Tất cả hương vị ấy được đồng bào S’tiêng khéo léo quyện vào từng bánh men. Để lúc thêm chút nước lọc vào trong ché khi thưởng thức, bao nhiêu hương vị ấy bỗng hiển hiện trong cần cổ. Hút cần rượu ngậm trong cổ họng, ta có cảm giác như ngậm cả hương rừng ngây ngất, lâng lâng.

Trong những ngày Tết Nguyên đán này, ở sóc Bom Bo bên cạnh tiếng ngân vang của cồng chiêng, những điệu múa truyền thống của đồng bào S’tiêng thì thứ không thể thiếu, đó là rượu cần. Tương truyền, để giúp đồng bào S’tiêng có được niềm vui trọn vẹn của mùa màng bội thu, của tình yêu đôi lứa, của sự biết ơn đến các Giàng, Thần rừng, Thần suối, vị thần Lé Lon (vị phúc thần bảo hộ cho người S’tiêng đi rừng) đã chỉ người dân cách làm rượu cần từ tìm nguyên liệu, ủ men, ủ rượu, đến pha và thưởng thức rượu cần vào những ngày vui.

Đặc biệt dịp lễ lớn, rượu cần sẽ là sợi dây kết nối giữa con người với các vị thần của đồng bào S’tiêng. Không có rượu cần, buổi tế lễ coi như không thành. Từ đó ché rượu cần đã trở thành đặc sản của đồng bào S’tiêng.

Già làng Điển Lên (áo trắng) làm nghi thức uống rượu cần tại một Lễ hội của đồng bào S'tiêng tại sóc Bom Bo. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước.

Già làng Điểu Lên cho biết: “Đối với người S’tiêng thì uống rượu cần là phong tục không thể thiếu tại các dịp lễ hội và Tết Nguyên đán. Ngày đó, ai có điều kiện thì mổ heo và trâu, bò, không thì có gà cũng được, mọi người sẽ quây quần bên nhau chung vui bên ché rượu cần và tiếng cồng chiêng”.

Theo Già làng Điểu Lên, quan niệm về cuộc sống bao giờ cũng tồn tại cả những điều cay đắng và ngọt ngào nên đồng bào S'tiêng cũng chế biến ra hai loại rượu (rượu cần ngọt và rượu cần đắng). Tuy khác vị nhưng nó đều tinh khiết, có hương thơm nồng rất dễ uống. Để có được những ché rượu cần ngon, người S'Tiêng phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ làm men, ủ bỗng, chế rượu...

Làm rượu cần không hề đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công và cần phải có cái tâm trong lúc chế biến. Nếu mình không làm bằng cái tâm, hương vị rượu cần sẽ chẳng thể nồng nàn, đậm đà như ý muốn. Để tạo được một ché rượu cần thơm ngon, người S’tiêng thường khởi đầu bằng công đoạn làm men, ủ cơm và cuối cùng là ủ rượu. Thời gian ủ càng lâu, hương vị càng thêm đậm đà. Khi hút cần rượu lên, thấy màu vàng nâu giống màu mật ong là ngon nhất. Vị rượu lúc này vừa ngọt vừa cay, thanh nồng rất dễ chịu. Rượu cần có thể dùng nhiều nước. Nước đầu có vị cay nồng, càng về sau độ cồn giảm dần và vị ngọt của rượu sẽ làm người ta say lúc nào không biết.

Lễ hội Mừng lúa mới của cộng đồng dân tộc S'tiêng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước.

Có thể nói, rượu cần là phương tiện giao tiếp giữa người với các vị Thần rừng và các Giàng; là phương tiện, biểu tượng tính liên kết cộng đồng và lòng mến khách của đồng bào S’tiêng trong các dịp vui, lễ, hội. Đến với Bù Đăng, lên các bon, sóc của người S’tiêng, ta có thể hít một hơi rượu cần, vui say bên các điệu nhảy trong tiếng cồng chiêng truyền thống. Hương say ngà ngà của rượu cần S’tiêng là đại diện cho nét đẹp văn hóa ẩm thực, tinh thần của Bù Đăng từ xưa tới nay.

Là địa phương có số lượng người dân tộc S’tiêng sinh sống lớn nhất cả nước (với gần 100.000 người - chiếm trên 95% tổng số dân tộc S’tiêng của cả nước), thời gian qua để gìn giữ, và phát huy những nét văn hóa độc đáo của đồng bào S’tiêng trên địa bàn, ngành Văn hóa tỉnh Bình Phước đã triển khai sưu tầm được 380 hiện vật phản ánh đặc trưng văn hóa của người S'tiêng; phối hợp xây dựng kế hoạch sưu tầm các hiện vật, hình ảnh về người S'tiêng phục vụ công tác trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo; sưu tầm bổ sung hoàn thiện bộ sưu tập về các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người S’tiêng Bình Phước, … và thường xuyên tổ chức các đoàn là người dân tộc S’tiêng đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại khu du lịch Đồng Mô – Ngải Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội để biểu diễn và quảng bá hình ảnh, văn hóa của người S’tiêng đến công chúng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Phó phòng Văn hóa & Thông tin huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết, nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc S’tiêng và công tác đón xuân 2020 tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo thì trong thời gian qua UBND huyện Bù Đăng cũng đã có những chuẩn bị như sưu tầm những hiện vật để phòng trưng bày không gian văn hóa, kiến trúc, lịch sử của người S’tiêng được phong phú hơn.

Ngoài ra, khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo còn xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, để mọi người tới đây có thể tái hiện lại phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào ngày xưa và các hạng mục khác, đồng thời chỉnh trang toàn bộ khuôn viên khu bảo tồn, trong đó có bộ đàn đá nặng tới 20 tấn, được xem là 1 trong những bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam. Qua đó đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách và quảng bá hình ảnh khu bảo tồn nói riêng và du lịch tỉnh Bình phước nói chung.

“Hiện nay chúng tôi có 20 hộ dân đang sinh sống trong khu bảo tồn, chúng tôi đào tạo họ tham gia các làng nghề. Ở đây chúng tôi có 4 làng nghề: nghề rèn, đan lác, dệt thổ cẩm và rượu cần. Các hộ dân này sẽ cùng tham gia để phát triển du lịch. Ngoài việc đào tạo để họ lưu giữ và sống làm nghề được thì chúng tôi còn cấp cho họ 3 sào đất để họ trồng được các cây đặc sản vùng miền vừa hiệu quả kinh tế vừa quảng bá du lịch”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Một góc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Việc chung tay gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc S’tiêng của tỉnh Bình Phước đang dần lan rộng tới nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của đồng bào S’tiêng. Chị Điểu Thị Thắm (22 tuổi) đang là sinh viên chuyên ngành văn hóa các dân tộc thiểu số tại Đại học Văn Hóa TP.HCM cho biết, bản thân là người dân tộc S’tiêng nhưng những giá trị văn hóa của dân tộc mình thì chị chưa biết hết, sau 4 năm học đại học thì chị thấy không những văn hóa dân dân tộc mình rất độc đáo mà văn hóa các dân tộc khác cũng đầy màu sắc khác nhau. Theo chị Thắm, để những người trẻ tuổi hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình thì phải cần truyền đạt những giá trị văn hóa của dân tộc họ đúng cách, như vậy thì những người trẻ tuổi sẽ nhận thức được và họ tự cảm thấy những giá trị văn hóa của mình đáng được trân trọng.

Chị Điểu Thị Thắm chia sẻ: “Hiện nay đã có khu bảo tồn rồi và đang được phát triển, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo hàng ngày vẫn có các du khách tham quan. Qua khu bảo tồn này thì cuộc sống của người dân S’tiêng nơi đây ngày càng phát triển hơn, thế hệ trẻ thì cũng nhận thấy được ở đây vẫn nơi lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình và sau này họ biết trân trọng hơn”.

Nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống, văn hóa của đồng bào S’tiêng, trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã kết hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người S'tiêng; thực hiện Dự án “Ứng xử đối với môi trường tự nhiên của người S'tiêng”; Dự án “Phục dựng lễ hội lập làng mới của người S'tiêng Bình Phước”… Điều này sẽ thúc đẩy việc gìn giữ cũng như quảng bá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào S’tiêng đến người dân địa phương và cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đặc sắc đám cưới ngày Xuân người Dao đỏ ở Yên Bái
Đặc sắc đám cưới ngày Xuân người Dao đỏ ở Yên Bái

VOV.VN - Hiểu hơn phong tục người Dao đỏ qua đám cưới của cô dâu Triệu Lượng và chú rể Trịnh Thắng ở Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái.

Đặc sắc đám cưới ngày Xuân người Dao đỏ ở Yên Bái

Đặc sắc đám cưới ngày Xuân người Dao đỏ ở Yên Bái

VOV.VN - Hiểu hơn phong tục người Dao đỏ qua đám cưới của cô dâu Triệu Lượng và chú rể Trịnh Thắng ở Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái.

Duyên dáng áo cóm ngày xuân của phụ nữ Thái Tây Bắc
Duyên dáng áo cóm ngày xuân của phụ nữ Thái Tây Bắc

VOV.VN - Từ xa xưa, bộ áo cóm đã tôn lên nhan sắc của người phụ nữ Thái, từ lên nương, ra đồng, họp buổi chợ, đi chơi, đặc biệt là các lễ hội...

Duyên dáng áo cóm ngày xuân của phụ nữ Thái Tây Bắc

Duyên dáng áo cóm ngày xuân của phụ nữ Thái Tây Bắc

VOV.VN - Từ xa xưa, bộ áo cóm đã tôn lên nhan sắc của người phụ nữ Thái, từ lên nương, ra đồng, họp buổi chợ, đi chơi, đặc biệt là các lễ hội...

Hà Giang: Nét đẹp chợ phiên cổ Tráng Kìm ngày xuân
Hà Giang: Nét đẹp chợ phiên cổ Tráng Kìm ngày xuân

VOV.VN - Chợ Tráng Kìm toát lên vẻ đẹp mộc mạc và độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa của người Việt và người Việt gốc Hoa ở vùng cao Hà Giang.

Hà Giang: Nét đẹp chợ phiên cổ Tráng Kìm ngày xuân

Hà Giang: Nét đẹp chợ phiên cổ Tráng Kìm ngày xuân

VOV.VN - Chợ Tráng Kìm toát lên vẻ đẹp mộc mạc và độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa của người Việt và người Việt gốc Hoa ở vùng cao Hà Giang.