Người con ưu tú của núi rừng Tây Bắc

Ông là nhạc sĩ của những bản nhạc hay nhất dành cho cây sáo dân tộc vùng cao

  • Nghe Tiếng thơ
  • Những tình khúc thế kỷ
  • Đọc truyện đêm khuya
  • Cửa sổ tình yêu
  • Học tiếng việt
  • NSND Lương Kim Vĩnh, người được mệnh danh là ông vua sáo của người Mông đã trút hơi thở cuối cùng tại TP Lào Cai ngày 22/9/2011. NSND Kim Vĩnh mất đi, giới âm nhạc dân gian mất đi một nghệ sĩ nổi tiếng, nhạc sĩ của những bản nhạc hay nhất dành cho cây sáo dân tộc vùng cao. Nhưng có lẽ tiếng sáo của ông vẫn sẽ vang vọng mãi như những âm thanh của núi rừng.

    NSND Lương Kim Vĩnh (phải) và con trai là NSƯT Lương Hồng Việt biểu diễn trong đêm nhạc nghệ thuật "Âm vang Lào Cai" vào tháng 8/2011.

    Trong nhiều năm qua tiếng sáo của ông đã thực sự chinh phục khán thính giả. Bạn đọc yêu dân ca và nhạc cổ truyền hẳn còn nhớ các bản nhạc quen thuộc do Kim Vĩnh biên soạn và độc tấu sáo và khèn như: "Trăng lên gọi bạn", "Đêm trăng bản Mông", “Tiếng sáo từ bản nhỏ", "Ngày xuân mở hội", "Nhịp khèn đi nương", “Phiên chợ Bắc Hà"... Qua tiếng sáo của ông người nghe cảm nhận được đời sống tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Bà con các dân tộc tỉnh Lào Cai coi ông như người của làng của bản, nhiều NS thổi sáo coi ông như một người thầy, còn bạn bè đồng nghiệp thì luôn coi ông là một tấm gương lao động hết mình vì nghệ thuật. Ông là một trong số 22 NS vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: NSND.

    Nghe "Đêm trăng bản Mông"

    NSND Kim Vĩnh tên thật là Lương Kim Vĩnh, ông sinh năm 1937 tại thôn Thịnh Hoà, xã Hoàn Long, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Ngay từ thủa ấu thơ những âm thanh của cây sáo trúc đã cuốn hút ông. Ngoài những buổi đi cấy, đi gặt, trăn trâu cắt cỏ, giúp bố mẹ, cậu bé Vĩnh thường tìm cách học thổi sáo. Những đêm trăng sáng, những buổi trưa nồng tiếng sáo của Kim Vĩnh vút bay vào không trung nghe thật ấm áp hồn quê, tha thiết một tình yêu đất nước. Gia đình của Kim Vĩnh cũng không ngờ, tiếng sáo ấy là niềm đam mê, là tình yêu theo ông suốt cả cuộc đời.

    Sau nhiều năm tháng vừa học phổ thông vừa miệt mài tự học, tự tập, tiếng sáo của Kim Vĩnh đã dần được khẳng định. Năm 1969, theo lời Đảng gọi chàng trai Kim Vĩnh lúc này đang là một trong những cây hạt nhân văn nghệ nòng cốt của phong trào văn nghệ địa phương đã xung phong lên miền núi công tác. Những năm ấy Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lào Cai nơi ông về công tác còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cùng với anh chị em cán bộ NS trong đoàn Kim Vĩnh đã vượt qua tất cả.

    Lao động nghệ thuật là niềm vui, là tình yêu của ông. NS Kim Vĩnh đã kể với chúng tôi: "Đồng bào các dân tộc nơi đây không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà còn ít được thưởng thức các chương trình văn hoá nghệ thuật, chính vì vậy mà có thời gian tôi cùng các Ns trong Đoàn đi bộ hàng tháng trời, đến những vùng xa xôi hẻo lánh, đường xá đi lại vô cùng khó khăn để phục vụ bà con". Nhưng cũng chính tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây đã cho Kim Vĩnh một tinh thần làm việc bền bỉ, tiếp thêm sức mạnh cho ông để ông có những sáng tạo nghệ thuật mà không mấy NS có được.

    Bên cạnh những buổi biểu diễn ông thường tìm đến các nghệ nhân để học thêm các nhạc cụ của dân bản, đặc biệt là tiếng sáo. Bên cạnh việc tiếp thu truyền thống, Kim Vĩnh còn nghiên cứu để cải tiến cây sáo Mông vừa mang đậm tính dân tộc nhưng cũng thể hiện được những bản nhạc mang âm hưởng thời đại. Bên cạnh việc nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, kế thừa có tính sáng tạo các nhạc cụ dân tộc truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc Kim Vĩnh còn tiếp tục tự học để viết nhạc cho các nhạc cụ dân tộc độc tấu và hoà tấu.

    Ngay trong năm 1970, tại Hội diễn ca múa nhạc dân tộc chuyên nghiệp, tiết mục: "Đêm trăng bản Mông" do Kim Vĩnh biên soạn và trình bầy đã giành được huy chương vàng. Năm 1985 bản nhạc: "Phiên chợ Bắc Hà" do ông biên soạn và độc tấu sáo cũng tiếp tục dành được huy chương vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, ông cũng góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ sáo nổi tiếng cho đất nước như: NSƯT Đức Liên, NSƯT Lương Hồng Việt (con trai của ông).

    Những năm gần đây, mặc dù tuổi cao, sức khoẻ có giảm sút nhưng ông vẫn tiếp tục đi, lắng nghe, viết và truyền nghề cho lớp trẻ. Và NSND Kim Vĩnh cũng tích cực cộng tác thu thanh với Đài TNVN để tiếng sáo của đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Bắc không chỉ là tiếng lòng của người dân nơi đây mà còn đến với mọi miền quê của cả nước, bạn bè quốc tế và đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc giúp khán, thính giả hiểu và thêm yêu nền văn hoá Tây Bắc nói riêng và nền văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung.

    Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của Kim Vĩnh cho nền nghệ thuật nước nhà, năm 1993 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT, và đầu tháng 9/2011 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

    NSND Kim Vĩnh đã đi xa, nhưng những bản nhạc do ông viết lời và thể hiện đậm chất dân gian còn mãi trong kho băng tư liệu của Đài TNVN, trong công chúng yêu nhạc./.

    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên