Nghệ sĩ công huân Liên bang Nga:

Nguyễn Lân Tuất - một vinh danh nước Việt

Ngày 1/11/2001, Tổng thống Liên bang Nga V.Putin ký quyết định trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ công huân Liên bang Nga” cho một nhạc sĩ người Việt, ông Nguyễn Lân Tuất, về những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước Nga. Hiện ông giảng dạy ở Nhạc viện Nôvôximbiếc

Ngày nay, người ta biết đến Nguyễn Lân Tuất (trưởng nam của NGND Nguyễn Lân) với những tác phẩm của âm nhạc bác học. Nhưng thế hệ thanh niên Việt Nam những năm 1960 còn biết đến ông với ca khúc nổi tiếng “Người con gái Việt” với lời phỏng theo thơ của Anh Thơ.

Vào những năm đầu tiên của thập niên 60 thế kỷ trước, miền Bắc nước ta rất thanh bình, một màu xanh trùm lên khắp mọi miền quê hương. Tiếng súng chiến tranh đã ngưng. Toàn dân đang nô nức bước vào cuộc sống dựng xây hòa bình. Âm nhạc khi đó chỉ có 2 âm hưởng chủ đạo: vui tươi, phơi phới và luôn thương nhớ về một nửa đất nước đang còn bị giày xéo dưới ách xâm lược của ngoại bang. Trong số những bài hát ra đời thời gian này, tôi đặc biệt ưa thích một bài hát bắt đầu bằng những câu: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ. Quê hương tôi màu sen tấm áo vân hồng, hàng lúa chín thiết tha. Quê hương tôi 10 năm giặc chiếm đóng, còn đâu bóng người con gái đẹp giữa mùa xuân trẩy hội bên đình…”.

Nghệ sỹ Nguyễn Lân Tuất, người đứng giữa cùng giáo sư Nguyễn Lân và các anh em

Giai điệu hết sức mượt mà, tha thiết, đắm say trong nét nhạc dàn trải như vẽ nên đôi nét chấm phá về một bức tranh quê hương tươi đẹp, êm đềm. Lời ca rất lãng mạn. Một chút nuối tiếc về sự vắng bóng một người con gái trong hội xuân bởi “mười năm giặc chiếm đóng”. Lại một chút đắm đuối khi hình dung ra cảnh sắc quê hương. Bằng việc sử dụng nốt “fa bình” và “xi giáng” trong điệu “rê trưởng”, chút gợn buồn trong cảm xúc của tác giả đã đem đến cho người nghe ấn tượng khó quên. Mãi về sau, tôi mới biết đó là bài hát “Người con gái Việt” của Lân Tuất - một nhạc sĩ giàu tài năng.

Người nhà Lân Tuất kể lại: Hồi ấy là năm 1959, cả gia đình nhạc sĩ đang sống tại một căn nhà chật hẹp ở phố Yết Kiêu. Lúc đó, chưa có bếp gas như ngày nay mà mọi người đều nấu nướng bằng bếp mùn cưa hoặc bếp củi, bếp than. Lân Tuất ngồi sáng tác trên gác, miệng âm ư giai điệu, chân đập nhịp xuống nền nhà thình thịch, luôn mồm nói vọng xuống nhà: “Mẹ ơi! Sao khói quá, con chết ngạt bây giờ”. Người mẹ nhạc sĩ không hiểu đứa con giai cả làm gì mà cứ giam mình trong phòng, miệng hát nghêu ngao, chân đập liên hồi. Hóa ra là anh chàng đang phổ nhạc bài thơ của nữ sĩ Anh Thơ. Nhưng Lân Tuất chỉ phỏng theo ý thơ, chứ không quá nệ vào từng chữ nghĩa.

Sau khi hoàn thành bài hát “Người con gái Việt” của Lân Tuất được thu thanh và phát trên làn sóng Đài phát thanh TNVN (thời gian này, ông làm việc ở Đài). Người đầu tiên thể hiện rất thành công là ca sĩ Trần Khánh - giọng ca vàng có một không hai, với chất giọng dày, ấm, truyền cảm, có âm vực rộng tới 2 quãng 8. Sau đó, bài hát nhanh chóng lan truyền, được công chúng hào hứng đón nhận. Chất trữ tình lãng mạn, say đắm cộng với chất anh hùng ca khỏe khoắn, mãnh liệt đã rất phù hợp với giọng hát sâu sắc, giàu kịch tính của Trần Khánh.

Nhạc sĩ Lân Tuất không viết nhiều ca khúc, mà thành tựu chủ yếu trong cuộc đời sáng tác của ông là ở lĩnh vực khí nhạc (nhạc không lời), đặc biệt là giao hưởng. Nhưng “Người con gái Việt” là trường hợp thành công đặc biệt của ông trong việc sáng tác bài hát. Sau khi bài hát lan truyền, được công chúng hào hứng đón nhận, ông có dịp sang Nga học âm nhạc và cư trú tại đây cho đến ngày nay. Sự nghiệp sáng tác của ông khá đồ sộ. Giờ đây, ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn được mời cộng tác giảng dạy tại nhạc viện Novôximbiếc. Sống ở Nga nhưng Lân Tuất luôn hướng về Tổ quốc bằng nhiều sáng tác ... mang đậm dấu ấn một người yêu nước, luôn toát lên tình cảm lớn lao này trong các tác phẩm.

“Người con gái Việt” ra đời đã được nửa thế kỷ. Những người say đắm bài hát này đã ở chân dốc cuộc đời. Nhưng mỗi lần nghe lại vẫn dào dạt cản xúc về những năm tháng tuổi trẻ của mình, gắn với quê hương, đất nước. Sau 50 năm nghe lại, vẫn thấy bài hát mới mẻ, hiện đại, nhưng thắm được hồn dân tộc. Chính yếu tố đó đã chắp cánh cho bài hát bay xa, bất hủ. Mãi mãi người ta vẫn không thể quên những đường nét giai điệu gắn với lời ca kết thúc bài hát thật đẹp: “Hôm nay chim trắng bay về, khói ươm tơ ban chiều tỏa lan trên những lũy tre. Vui vui bên dòng sông xanh, giọng hò thôn nữ khi chiều buông xuống xôn xao mối tình đồng quê. Hôm nay non nước tưng bừng, những tiếng ca năm nào lại vang phơi phới bên sông. Hôm nay dẫu bờ cây xanh lại trở về đây những người con gái quay sa dệt lụa làng Vân”.

Năm 2005, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất cùng với nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo là hai trong số 15 người Việt Nam ở nước ngoài được nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt”./.

Tôi đã hát "Người con gái Việt" của Lân Tuất

>> Ngày ấy những chàng trai Hà Nội trong đội hình của Trung đoàn 88-308 tạm biệt miền Đông Nam bộ đầy nắng gió về chiến trường Trung Nam bộ chiến đấu cùng với quân dân Kiến Tường - Đồng bằng sông Cửu Long.

Đêm giao lưu tình quân dân cá nước ấy… tôi đã hát “Người con gái Việt”: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ. Quê hương tôi màu Sen tấm áo Vân hồng. Hàng lúa chín thướt tha…”. Chúng tôi đã hát bài ca này để giới thiệu với mọi người… với đồng bào Nam bộ yêu thương về một vùng quê thơ mộng đất Kinh Bắc quê chúng tôi với những con người giản dị, những con người cũng đã trải qua bao gian khổ, đau thương và cũng đang chiến đấu và đang thắng không quân Mỹ.

Khúc ca đẹp thướt tha tôi hát ngày ấy - đến nay cũng đã qua đi 40 năm! Tôi chợt nhớ ra khi ca từ đó bất chợt văng vẳng đến tôi trong một sớm Thu Hà Nội!

Thu 2010

Trương Hiếu (CCB E88 - F308, cùng cả Trung đoàn đi Nam năm 1965)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên