Nhà hát tự chủ tài chính – giấc mơ xa vời: Nguy cơ trở thành gánh hát
VOV.VN - Theo lộ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từ năm nay, 7 trong số 12 nhà hát trực thuộc Bộ sẽ tiếp tục lộ trình xã hội hóa.
Trong đó có những nhà hát chuyên biểu diễn các bộ môn nghệ thuật truyền thống và rất kén khán giả như Tuồng, chèo, cải lương cũng rời "bầu sữa" bao cấp, mà trước mắt là cắt giảm 30% kinh phí chi thường xuyên.
Sau nhiều lần đặt lên, hạ xuống, từ năm nay, 7 nhà hát còn lại thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhà hát Chèo Việt Nam, nhà hát Tuồng Việt Nam, Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam… sẽ thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 16 của Chính phủ.
Việc tự chủ kinh tế đối với nhiều nhà hát sẽ là một khó khăn rất lơn. |
Trước mắt, trong năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ cắt giảm 30% chi phí chi thường xuyên và chuyển sang cơ chế đặt hàng tác phẩm, lộ trình đến năm 2020 các nhà hát phải tự chủ hoàn toàn. Chủ trương này đang làm nhiều nghệ sĩ, diễn viên trăn trở, lo lắng. Đơn cử như nhà hát Kịch Việt Nam – “anh cả đỏ” của nền kịch nghệ nước nhà, việc tự chủ đang gặp muôn vàn khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam băn khoăn: "Năm nay, Nhà hát kịch Việt Nam cùng một số nhà hát ra xã hội hóa, nhưng với Nhà hát Kịch Việt Nam đang là sự khó khăn rất lớn. Đó là chúng tôi chưa có nhà để hát. Nếu như chúng tôi ra thì phải có cơ sở vật chất cho chúng tôi, tức là chưa cho giải pháp cụ thể để chúng tôi đi trên lộ trình xã hội hóa này".
Thực tế cho thấy, mặt bằng sân khấu hiện nay, một nhà hát khó có thể sống khi chỉ trông vào doanh thu biểu diễn. Các nhà hát ở Hà Nội thường chỉ đỏ đèn vào các ngày cuối tuần, dịp hội hè, lễ lạc với giá vé trung bình 200.000 đồng/vé.
Nếu may mắn bán được 2/3 số vé thì tiền thu về chỉ đủ trả chi phí điện nước, xăng xe, bồi dưỡng diễn viên, công nhân viên mà không thể còn tích lũy để tái đầu tư cho hoạt động nghệ thuật. Đấy là chưa nói đến một số nhà hát còn chưa có rạp riêng, để có tiền thuê rạp, nhiều khi phải bớt xén vào tiền bồi dưỡng của diễn viên. Do đó, một số đơn vị có nhà hát, hay trụ sở đẹp như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca Múa Nhạc… nhiều khi phải cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện.
Nghệ thuật truyền thống nếu chạy theo thị trường, rất dễ bị thương mại hóa - đây là ý kiến của nhiều người làm nghệ thuật trước việc xã hội hóa của các nhà hát. |
Theo Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú “đấy là việc cực chẳng đã mà thôi!”. Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú chia sẻ: "Tôi vẫn thấy sân khấu nhìn chung rất khó trong việc tự chủ toàn phần. Năm nay mà cắt giảm bằng cách chi thường xuyên sang chi không thường xuyên thì tôi không lo lắm. Tương lai vài năm nữa mà cắt giảm toàn phần thì quả thật tôi rất lo. Nghệ sĩ sẽ sống như thế nào, nhất là nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, một cái nhà hát mà chưa có nhà để hát, nó khuất nẻo phía đằng sau Nhà hát Lớn thành phố, chỉ có 1 cái hội trường 181 chỗ và rất xập xệ".
Nếu sân khấu kịch – loại hình nghệ thuật có khán giả hiện nay còn gặp nhiều khó khăn khi tự chủ thì những loại hình nghệ thuật kén khán giả, ít vở diễn như Tuồng, Chèo, Cải lương, việc tự chủ sẽ càng khó khăn hơn. Điển hình như nhà hát Cải lương Việt Nam, nằm khuất nẻo trong ngõ Hồng Mai và cũng giống như Nhà hát kịch Việt Nam – chưa có rạp riêng để diễn, thì việc kiếm được 6 – 7 tỷ đồng/năm để trả lương cho các diễn viên, nghệ sĩ và các chi phí thông thường là điều không tưởng.
Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: "Chắc chắn là anh em sẽ ra ngoài biên chế hết, trong nhà hát chỉ giữ 10 biên chế để trả lương còn lại là thời vụ hợp đồng. Nguyên kinh phí để hoạt động của nhà hát là 6 – 7 tỷ đồng/năm để trả lương và các chi phí thông thường, bây giờ với một sức kiếm tiền như tuồng – chèo – cải lương thì kiếm thế nào? Hiện nay chỉ kiếm được 2 tỷ/năm thế thì lấy đâu ra 6 – 7 tỷ để trả lương cho anh em".
Nghệ thuật truyền thống nếu chạy theo thị trường, rất dễ bị thương mại hóa. Một khi cắt giảm ngân sách, các đơn vị nghệ thuật phải lấy doanh thu làm mục đích chính để hoạt động, các vở diễn được dàn dựng chỉ nhằm thu hút được khách, bán được vé. Trong bối cảnh ấy, sẽ khó có tác phẩm mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao xứng tầm của một nhà hát quốc gia.
“Hamlet” lên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam
Cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy, dựng tác phẩm theo thị hiếu… là điều các nhà hát đang phải đối mặt khi thực hiện chủ trương tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm. Khi một nhà hát quốc gia mà chỉ còn 10 biên chế (kể cả bộ máy lãnh đạo), phải dựng tác phẩm thương mại để nuôi thân thì liệu lúc ấy, nó có còn xứng tầm với cái tên đang mang hay chỉ còn là một gánh hát?
Làm gì để các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật có thể tự đứng lên, tự lấy “nghệ thuật nuôi nghệ thuật!”? Mời quí vị và các bạn nghe tiếp phần 2 của loạt bài này ở chương trình sau với nhan đề: “Liệu có là giấc mơ?”./.