Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong trọn đời tận hiến cho kịch, hát Ví, Giặm

VOV.VN -Nhà xuất bản Văn học vừa giới thiệu cuốn sách “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm”.

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 - 1990) là người con ưu tú của mảnh đất xứ Nghệ, cả cuộc đời dành tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hoá Nghệ Tĩnh nói chung. Với những tác phẩm của mình, ông đã góp phần rất lớn để dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại vào năm 2014. 

Ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cho kho tàng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nền văn hoá xứ Nghệ, Nhà xuất bản Văn học giới thiệu cuốn sách “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm” vào sáng 24/9 tại Hà Nội. 

Cuốn sách gồm hai phần: Phần một là tuyển tập 9 tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong; Phần hai với tiêu đề “Nguyễn Trung Phong – Huyền thoại ví giặm” tập hợp những bài viết của các nhà nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống hiếu học, liên tục có 7 đời khoa bảng từ thời Lê đến thời Nguyễn của dòng họ Nguyễn Trung thuộc họ Nguyễn Đại tôn Vân Tập tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lớn lên ông lại cùng gia đình sang trú quán ở làng Trung Phường, Diễn Minh.

Hai miền quê trước và sau ngọn núi Lưỡng Kiên Sơn (lèn Hai Vai) và dưới chân núi Hồ Lĩnh (lèn Trung Phường), vùng đất địa linh nhật kiệt với vô vàn những di sản trí tuệ hết sức giá trị của cha ông truyền lại đã hun đúc, nuôi dưỡng cho Nguyễn Trung Phong một tâm hồn thấm đẫm tình yêu quê hương, xứ sở. Được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của dòng họ Nguyễn Trung và của quê hương xứ Nghệ, kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật, từ nhỏ Nguyễn Trung Phong rất say sưa xem biểu diễn tuồng, chèo, cải lương và hát dân ca.

Năm 1950 ông tham gia kháng chiến và làm việc tại Ty tuyên truyền Nghệ An, và bắt đầu sự nghiệp cầm bút với tác phẩm đầu tay là vở chèo "Nhắc lại" năm 1952. Tuy không học trường lớp cơ bản nào nhưng với năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Trung Phong đã cho ra đời nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại như cải lương, chèo, hoạt cảnh và kịch dân ca. Những tác phẩm của ông đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật trên sân khấu xứ Nghệ và sân khấu quốc gia vào những thập kỷ từ 60 - 80 của thế kỷ 20.  

Gần 40 năm với vai trò nhà viết kịch, Nguyễn Trung Phong đã để lại hơn 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở các thể loại Chèo, Cải Lương, Kịch Hát và hoạt cảnh dân ca Nghệ Tĩnh. Với những kịch bản xuất sắc, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã mang đến một hơi thở mới, đưa sân khấu thoát khỏi tính chất quần chúng đơn thuần, “tự biên, tự diễn” để đến với sân khấu chuyên nghiệp.

Khó có thể liệt kê hết những tác phẩm mang nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong trong gần 600 trang của cuốn sách. Vì vậy, các tác giả đã lựa chọn 9 tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong mà đỉnh cao nghệ thuật là 2 tác phẩm "Cô gái sông Lam" và "Khi ban đội đi vắng" để giới thiệu đến bạn đọc.

Vở chèo "Cô gái sông Lam" là kiệt tác được ra đời năm 1961 nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Nghệ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931). Tác phẩm đã dành 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc cá nhân. Đoàn chèo Nghệ An vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch, tối 27/5/1962. Sau khi diễn xong, đoàn chèo Nghệ An được Bác biểu dương và tặng quà, riêng tác giả Nguyễn Trung Phong được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Đến năm 1973, tác phẩm "Cô gái sông Lam" được chuyển thể thành kịch hát dân ca và từ đó đến nay liên tục được biểu diễn trên sân khấu. Những vai diễn để lại trong lòng công chúng sâu sắc đến nỗi tên tuổi các diễn viên được quên đi và thay bằng tên chính các nhân vật của kịch khi gặp gỡ đời thường.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, chủ biên cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác giả - Tác phẩm" chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách: “Các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 30-31; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời xây dựng Chủ nghĩa xã hội; trong một số tác phẩm đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh cho cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu. Với 3 đặc điểm như vậy, về âm nhạc, dân ca, tác giả Nguyễn Trung Phong chuyển thể từ dân ca dân gian lên chính kịch...”. 

Sau thành công của “Cô gái sông Lam”, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong còn cho ra đời nhiều vở diễn, trong đó có vở "Khi ban đội đi vắng". Vở kịch được ra đời năm 1967 thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt. Tác giả đã xây dựng hình ảnh người nông dân với vai trò làm chủ tập thể, đấu tranh tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Vở kịch ra đời được đông đảo công chúng đón nhận nhưng Nguyễn Trung Phong vẫn đau đáu về một làn điệu sao cho phù hợp, biểu thị sắc thái tình cảm của nhân vật. Ngày đêm trăn trở rồi ông cũng tìm ra và sáng tác nên làn điệu “Giận mà thương”. Chỉ vẻn vẹn 10 câu mà chất chứa đủ đầy văn hoá con người xứ Nghệ: thẳng thắn, bộc trực, cương quyết,…mà thắm đậm nghĩa tình. 

Làn điệu “Giận mà thương” có sức lan toả rộng lớn và nhanh chóng trở thành một điệu hát phổ biến. Đây cũng là chất liệu cho nhiều nhạc sỹ sáng tác các ca khúc nổi tiếng như “Trông cây lại nhớ đến Người” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay ca khúc “Người về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Những tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong có chèo cải lương, dân ca Ví, Giặm… ra đời từ những năm 60 nhưng đến giờ trong mỗi lần xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ đều có bóng dáng của những tác giả nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Trung Phong. Đặc biệt, bài dân ca “Giận mà thương” trong vở kịch “Khi bạn tôi đi vắng” được nhạc sĩ Vi Phong ký âm và từ đó được lan truyền khắp cả nước, thậm chí vượt qua biên giới chinh phục bạn bè quốc tế”. 

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong không chỉ được nhớ đến một người nghệ sĩ tài hoa mà còn là một người lãnh đạo, nhà quản lý đầy uy tín và trách nhiệm, tận tâm, tận tụy hết lòng vì sự phát triển của nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà.

Ngoài việc sáng tác, ông còn là người có công sưu tầm kho tàng dân ca cổ, nghiên cứu để làm mới những làn điệu cũ. Trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật cũng như làm công tác quản lý, nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong đã phát hiện, đào tạo, hướng dẫn cho rất nhiều thế hệ diễn viên, đã có nhiều học trò của ông thành danh như cố nghệ sĩ ưu tú Danh Cách, NSUT Đình Bảo, cố nhạc sĩ An Thuyên và nhiều nghệ sỹ tiếp nối sau này như NSND Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu.

Những bài viết, bài tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa tập hợp trong cuốn sách đã thể hiện tình cảm mến yêu, kính trọng dành cho nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong. Nhiều nhà nghiên cứu khi viết về ông đã cho rằng Nguyễn Trung Phong đã sống một cuộc đời nhiều cống hiến sáng tạo nhưng bản thân lại luôn lặng lẽ, giản dị và khiêm nhường. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư đã ghi nhận những đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết, tài năng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong ở nhiều góc độ vừa là tác giả, vừa là nhà quản lý ngành văn hóa suốt hơn 30 năm công tác: “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, một tài năng đáng nể trọng, người mở đầu và mở đường cho việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ hình thức trình diễn, đối đáp truyền thống thành tác phẩm kịch hát với dung lượng nội dung tư tưởng, nghệ thuật mở rộng, sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nguyễn Trung Phong cũng là một điển hình về thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật của xứ Nghệ và của đất nước ta”. 

Thật vậy, có lẽ dấu ấn lớn lao nhất của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong là ông đã sống trọn một đời cho đam mê nghệ thuật. Dù đã gần 30 năm kể từ ngày ông đi xa nhưng những tác phẩm sẽ sống mãi trong lòng công chúng xứ Nghệ và cả nước. NSND Lê Tiến Thọ tin rằng, những đóng góp có giá trị của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cho nền nghệ thuật nước nhà sẽ được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng với những giải thưởng cao quý của Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Ân tình Ví Giặm” - lan tỏa giá trị di sản và kết nối cộng đồng
“Ân tình Ví Giặm” - lan tỏa giá trị di sản và kết nối cộng đồng

VOV.VN - "Ân tình Ví Giặm" là chương trình nghệ thuật nhân kỉ niệm hai năm dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

“Ân tình Ví Giặm” - lan tỏa giá trị di sản và kết nối cộng đồng

“Ân tình Ví Giặm” - lan tỏa giá trị di sản và kết nối cộng đồng

VOV.VN - "Ân tình Ví Giặm" là chương trình nghệ thuật nhân kỉ niệm hai năm dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Sôi nổi liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Sôi nổi liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

VOV.VN - Tỉnh Hà Tĩnh đang sôi nổi tổ chức liên hoan các Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2016.

Sôi nổi liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Sôi nổi liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

VOV.VN - Tỉnh Hà Tĩnh đang sôi nổi tổ chức liên hoan các Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2016.

Bảo tồn di sản Ví, Giặm: Nhiều thách thức sau khi được vinh danh
Bảo tồn di sản Ví, Giặm: Nhiều thách thức sau khi được vinh danh

VOV.VN - Việc bảo tồn và phát huy giá trị Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cần có một chính sách hợp lý cũng như sự chung sức của cả cộng đồng.

Bảo tồn di sản Ví, Giặm: Nhiều thách thức sau khi được vinh danh

Bảo tồn di sản Ví, Giặm: Nhiều thách thức sau khi được vinh danh

VOV.VN - Việc bảo tồn và phát huy giá trị Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cần có một chính sách hợp lý cũng như sự chung sức của cả cộng đồng.