Nhiều dấu tích về bến đóng thuyền triều Hồ
(VOV) - Những bến thuyền rộng khoảng 500 – 700m2 nằm sát bờ sông và được đào sâu gần bằng với mặt nước sông Bưởi.
![]() |
Phía trong Thành Nhà Hồ, nhiều khả năng sẽ có một công viên khảo cổ học phục vụ khách tham quan (Ảnh: Ngọc Thành) |
Sông Bưởi là một chi lưu của sông Mã, bắt nguồn từ Hòa Bình chảy qua Thanh Hóa rồi hợp lưu với sông Mã ở Vĩnh Lộc. Sông có độ dốc lớn, lòng sông không rộng nhưng sâu vì vậy lượng sinh thủy rất lớn, nước sông quanh năm không bao giờ cạn. Đây là một điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông.
Sách “Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo biên tập đời Gia Long thứ 15 (1816) mục nói về sông Bưởi có viết: “Xét sông Bưởi hai bên bờ, xưa kia triều Hồ cho đào nhiều Âu thuyền để thuyền dừng đậu nghỉ ngơi, nay di chỉ vẫn còn thuộc hai bên bờ, không thể tính bao nhiêu cái” (Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo, NXB Thanh Hóa, 2010, trang 50).
Xưa kia để thuận lợi cho việc lưu thông, đi lại và thoát nước cho kinh thành, nhà Hồ đã cho đào một con kênh nối liền Hoàng thành và sông Bưởi, dấu tích của con kênh đó ngày nay vẫn còn, nhân dân thường quen gọi là Hón Tàu.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, việc nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về những dấu tích trên cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và các nhà nghiên cứu, nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ./.