Nhiều tỉnh thành cả nước tổ chức lễ Giổ Tổ Hùng Vương
VOV.VN -Nhằm hướng về cội nguồn trong ngày Giổ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức các hoạt động kỉ niệm.
** TP HCM
Cùng với cả nước, sáng 9/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, quận 9, TP HCM, Thành Ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Tham dự buổi lễ có ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch; ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố và các tỉnh lân cận.
Trước khi lễ diễn ra, lãnh đạo thành phố đã cắt băng khánh thành văn bia ngợi ca công đức dựng nước của các Vua Hùng.
TP HCM long trọng tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Ảnh: Thanh niên |
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hơn 4.000 năm của cha ông ta, thể hiện tâm tư tình cảm của người dân phương Nam hướng về cội nguồn. Đồng thời, kêu gọi các cấp, các ngành và người dân thành phố nỗ lực đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng thành phố và đất nước ngày càng phồn vinh giàu mạnh, xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng.
Ngay sau diễn văn là nghi thức diễu hành đón rước lễ, lễ tế của Ban Quý tế đình, đền trên địa bàn thành phố. Lễ vật dâng lên Quốc Tổ ngoài bánh chưng, bánh dày còn có nhiều hoa, trái đặc sản miền Nam.
Ông Trần Văn Sung, Trưởng Ban lễ tế Giỗ Tổ Hùng Vương tại TP HCM cho biết: “Đối với các tỉnh thành phố miền Nam, chúng tôi thực hiện theo nghi thức cúng của cung đình triều Nguyễn. Trong đó, lễ phẩm dâng những thứ ngon nhất, đẹp nhất và có giá trị nhất trong vùng miền Nam như trà thơm Bảo Lộc, bánh ngọn Gia Định, trầu cau Bà Điểm, Hóc Môn… đó là những vật phẩm chúng tôi tuyển chọn dâng lên Quốc Tổ”.
Sau nghi thức dâng lễ và tế lễ, các vị lãnh đạo thành phố cùng hàng ngàn người dân thành kính thắp những nén nhang bày tỏ niềm tôn kính đến những vị vua đã có công dựng nước và biểu thị tấm lòng của người con đất Phương Nam hướng về cội nguồn.
Trong dịp Giỗ Tổ năm nay, ngoài phần nghi lễ chính, thành phố còn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn võ thuật, cờ người, hội sách, hội thi đẩy gậy, triển lãm thư họa - trà Việt, các trò chơi dân gian… Đặc biệt là hội trại “Tự hào nòi giống Tiên - Rồng lần thứ 6” với sự tham gia của hơn 1.500 học sinh, sinh viên.
** Cà Mau
Sáng 9/4 (10/3 âm lịch) đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Tân Phú, huyện Thới Bình nói riêng và nhân dân Đất Mũi nói chung về dự Lễ Quốc Tổ tại Đền Hùng xã Tân Phú, huyện Thới Bình.
Lễ giỗ Tổ Vua Hùng diễn ra trang nghiêm tại Cà Mau - Ảnh: Huỳnh Lâm/Báo Cà Mau |
Phần Lễ được tổ chức trang trọng, với nghi thức khiêng kiệu vật phẩm. Trên kiệu có bánh dày, bánh chưng, xôi. Từng đoàn người nam - nữ mặc trang phục con Rồng cháu Tiên hộ tống kiệu vào dâng lễ, thể hiện sự tôn kính của các thế hệ con cháu đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Lòng dân Tân Phú nói riêng và người dân Đất Mũi nói chung bao đời vẫn vậy, xem Đền thờ Hùng Vương như một chỗ dựa tâm linh vững chắc, như một quyển lịch sử sống về bài học giữ nước và dựng nước của ông cha. Bà Nguyễn Thị Tám, người dân ở tận huyện Ngọc Hiển cho biết, hôm nay bà đã đi hơn 100km đến Đền Hùng ở huyện Thới Bình vào sáng nay để cầu nguyện.
Các mâm xôi tại gia đình của người dân Đất Mũi cung tiến Vua Hùng vào ngày mùng 10/3 (âm lịch) cũng thật đặc biệt, ngoài xôi trắng còn có xôi được nhuộm màu đỏ, vàng, tím với ý nghĩa nhắc lại những giống lúa tốt đã được trồng từ thời Hùng Vương mà con cháu chúng ta gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Nhằm tạo sinh khí vui tươi trong những ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, trước đó trong hai ngày 7 và 8/4, tại Trung tâm văn hóa xã Tân Phú, huyện Thới Bình tổ chức Hội thao với nhiều môn thi đấu và trò chơi dân gian. Gần 500 vận động viên đến từ các ấp và điểm trường trên địa bàn xã Tân Phú tham gia tranh tài ở các môn thi đấu như bóng đá, bóng chuyền và các tro chơi dân gian như kéo co, đập heo đất, nhảy bao bố...
** Đắc Lắc
Sáng 9/4, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở tỉnh Đắc Lắc được tổ chức trang trọng tại Di tích lịch sử Đình Lạc Giao (thành phố Buôn Ma Thuột), với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh và đông đảo đồng bào các dân tộc ở địa phương.
Trong không khí linh thiêng của ngày Quốc giỗ, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc, các Sở, Ban ngành đã dâng lên bàn thờ Vua Hùng những lễ phẩm, gồm 18 chiếc chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh dày, cùng hương hoa, trầu cau, rượu, nước và mâm ngũ quả; thắp nén nhang thơm tri ân công đức Tổ tiên.
Trước anh linh đức Quốc Tổ Vua Hùng, lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn; toàn thể Đảng bộ, chính quyền tỉnh và đồng bào các dân tộc tại địa phương sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng.
Trong dòng người đến dự lễ và thắp nén nhang thơm tri ân công đức Tổ tiên, ông Y Noa Niê (dân tộc Ê Đê) ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Cứ đến ngày là lên giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/ 3 (âm lịch). Bà con đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên đều tỏ lòng tưởng nhớ Vua Hùng, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam và cũng là tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ”.
** Kon Tum
Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô lớn tại chùa Tháp Kỳ Quang, huyện Đắc Hà vào sáng nay ngày 9/4 (tức ngày 10/3 âm lịch) với sự tham gia của hàng nghìn người dân.
Tự hào về nguồn cội thiêng liêng, đất nước ngàn năm văn hiến, trong lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương, chính quyền, người dân huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum đã ôn lại công đức của các vua Hùng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bằng tất cả lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, người dân trong huyện đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Dâng tổ báo công nhiều đặc sản đặc trưng được làm ra từ mồ hôi, công sức và sự sáng tạo của người dân địa phương, như lúa thơm, bánh chưng, bánh dày, cà phê cùng quả ngọt, trái thơm đầu mùa. Với mỗi người dân huyện Đắc Hà, mỗi lần dự lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương là mỗi lần trong họ hun đúc thêm truyền thống yêu nước và các giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc.
Anh A Rủi, dân tộc Xê đăng, làng Kon K’lốc, xã Đắc Mar cho biết: “Hôm nay tôi rất vui khi xuống đây tham gia ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để chúng ta nhớ lại cội nguồn con Rồng cháu Tiên. Ngoài nhớ công ơn đang cố gắng và sẽ phát huy, giữ gìn bản sắc cũng như truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại để chúng ta gây dựng nước nhà mạnh mẽ hơn”.
Cũng tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ban tổ chức các ngày lễ lớn huyện Đắc Hà và chùa Tháp Kỳ Quang đã trao 20 suất học bổng mang tên “Học bổng Hùng Vương” cho các em học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng một năm đến khi các em học xong lớp 12; trao 200 phần quà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng thời khởi công xây dựng Nhà rông truyền thống và cơ sở từ thiện phật giáo nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật trong khuôn viên của chùa trị giá trên 7 tỷ đồng.
** Miền Trung
Ngày 9/4, tại các tỉnh miền Trung thời tiết tốt, khắp các đình làng, đền đài, người con đất Việt kính cẩn thắp nén nhang thơm dâng lên đức tổ Hùng Vương đã có công dựng nước.
Mọi người tới thắp hương tại Đền Hùng - Nha Trang. |
Do không có nhà thờ Quốc tổ trên địa bàn, nên người dân Đà Nẵng đã tổ chức lễ dâng hương các vua Hùng trong hoạt động lễ hội đình làng tại các địa phương với đầy đủ các nghi thức. Nhiều lễ hội đình làng diễn ra vào dịp này như: lễ hội đình làng Hải Châu ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu; đình làng Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; đình làng Hòa An, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ; đình làng Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ cúng tổ tiên, cúng Thành Hoàng, tưởng nhớ cha ông, các bậc tiền nhân đã có công khai sinh lập nghiệp nên vùng đất nơi mình sinh sống; lễ cầu quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa…
Phần hội có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc như hội thi chưng bánh, chưng quả, thi hát ru và dân ca… Ngoài ra, trong phần hội còn diễn ra thi đấu các môn thể thao dân tộc như thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, cờ tướng…
Tại đền Hùng Vương, ở phường Tân Lập, thành phố Nha Trang, từ sáng sớm, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng hàng ngàn lượt người từ các tỉnh Nam Trung bộ đã dâng hương, dâng hoa để tưởng nhớ các vua Hùng. Đền thờ Hùng Vương, nằm tại Trung tâm thành phố Nha Trang, được người dân địa phương góp công xây dựng từ hơn 50 năm trước, là đền thờ vua Hùng duy nhất tại các tỉnh Nam Trung bộ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tứ Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa cho biết năm nay, phần tế- lễ được diễn ra ngắn ngọn nhưng trang trọng hơn, qua đó tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Còn tại thành phố Hội An, ngay từ sáng sớm, các đình chùa, hội quán đã đông người đến dâng hương bái vọng công đức các vua Hùng đã có công dựng nước.
** Hà Giang
Cùng với người dân cả nước, ngày 9/4, tại tỉnh Hà Giang tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, để tri ân công đức tổ tiên, hướng về cội nguồn và bồi đắp thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Ngày Giỗ Tổ
là một ngày hết sức là thiêng liêng, cả nước hướng về quê cha đất tổ nên cảm xúc rất vui vẻ, phấn khởi. Tại Hà Giang nhiều hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ đã được tổ chức trong không khí trang nghiêm và long trọng”.
Trước đó, từ đầu ngày những tháng 4/2014, tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về đất Tổ như: Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh, với sự tham gia của tất cả các huyện trong tỉnh. Ngày 6/4 tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang có văn bản chỉ đạo các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh tổ chức các hoạt động chào mừng văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tại Trung tâm văn hóa huyện Đồng Văn đã tổ chức văn hóa, văn nghệ dân gian và thể dục thể thao quần chúng... Dù không về được về quê cha đất tổ để thắp nén nhang tri ân công đức tổ tiên, nhưng người dân Hà Giang vẫn hướng trái tim về nơi nguồn cội dân tộc, về ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
** Hà Nội
Người dân Hà Nội mua bánh chưng, banh giầy về thắp hương tại nhà trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương |