Những người bắc cầu nối văn học Việt - Nga
(VOV) - Khi xa quê hương, họ đã tìm đến văn chương và song song với quá trình sáng tác ấy, văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.
Mang thân phận của những người con Việt Nam xa quê hương, nhiều người đã và đang sống, làm việc tại Nga tìm đến văn chương như một cách “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Những con người đó, cùng với những suy tư, trăn trở của mình về quê hương, về nước Nga đã góp phần gìn giữ nhịp cầu kết nối văn học hai nước nói riêng và truyền thống hợp tác hữu nghị hai nước Việt Nam - Nga nói chung ngày càng bền chặt.
Sau 12 năm gắn bó với nước Nga, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến khi trở về quê hương đã “Tạm biệt Matxcơva” với những câu thơ đầy tâm trạng:
Đàn sếu sắp về nam có phải
Mặt hồ dâng sương khói êm đềm
Con đường vắng bao giờ ta trở lại
Mùi lá sồi đã dậy dưới sương đêm.
Những người Việt Nam đã từng sống và làm việc tại Nga đều mang trong mình rất nhiều kỉ niệm về con người và thiên nhiên xứ sở Bạch Dương. Họ đã để lại những tác phẩm văn học, những trải nghiệm có thể riêng tư nhưng bất cứ ai đọc được cũng có thể bắt gặp mình trong đó:“Ở đây ngày nắng đêm sương; Ngày thương nước bạn, đêm thương nước mình”.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến có 12 năm sống tại Nga. Nguồn cảm hứng sáng tác với anh là quê hương, là cảnh đẹp, con người Nga. Anh tâm sự: “Với nước Nga, tâm trạng của chúng tôi, một là nhớ đất nước, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ những kí ức tuyệt vời. Tôi ở trong quân ngũ nhiều năm, tôi đã nhớ lại quá khứ chiến đấu ở Trường Sơn, ở Lào, Campuchia… sang bên đó có điều kiện ngồi nhớ lại và viết. Thứ hai là mình được tiếp xúc với văn học Nga, được gặp gỡ nhân dân Nga. Mình yêu mến họ, mình viết trực tiếp về nước Nga...”
Một số ấn phẩm của các tác giả sống ở Nga |
Sự khác biệt phương Đông và Phương Tây không làm cho hai nước Việt Nam- Nga xa lạ về tâm hồn, tình cảm. Trái lại, sự gắn kết tự nhiên ấy có được là do “Người Việt yêu dân tộc Nga, yêu văn hóa Nga cũng chính là yêu dân tộc mình, yêu văn hóa mình”. Nhà văn Nguyễn Tiến Hóa có tiểu thuyết “Địa tầng đứt gẫy” viết về giai đoạn lịch sử nước Nga từ năm 1980-1990, nhà văn Nguyễn Hiếu có “Tuyết nóng sau mặt trời”, nhà văn Hữu Đạt có tiểu thuyết “Hai đầu một bức thư tình”…
Những tác phẩm ấy đã hé mở cho độc giả thấy bề sâu suy nghĩ, trải nghiệm của nhiều tầng lớp người dân Nga và Việt Nam trước những thăng trầm và sự biến chuyển của thời cuộc. Đặc biệt, từ năm 1991, nhà nước Liên Xô tan rã, nước cộng hòa Liên bang Nga ra đời, sự thay đổi của thời cuộc ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng người Việt cả về vật chất lẫn tinh thần. Thực trạng xã hội ấy như một thứ xúc tác tạo đà cho sự ra đời những trang văn, thơ thấm đượm tình cảm với nước Nga, với quê hương đất nước.
Từ tạp chí “Người bạn đường” - nơi quy tụ những gương mặt yêu sáng tác văn chương tại Nga, đến Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga tập hợp hơn 100 cây bút thơ, văn, nhạc, họa đang học tập và sinh sống tại Moscow… góp phần phản ánh sinh động hình ảnh nước Nga, đời sống mưu sinh của những người lao động nơi xứ sở bạch dương bằng những trang văn cảm động, nóng hổi không khí thời cuộc. Chính vì vậy, dịch giả Thúy Toàn cho rằng khi giở các tác phẩm của các bạn, chúng ta thấy một tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử của người Việt cũng như của Nga, về mối quan hệ tiếp tục giữa hai dân tộc, tình cảm của nhân dân Nga với cộng đồng người Việt nói riêng và nhân dân ta nói chung.
Dần dần, những cây bút văn chương của người Việt Nam sống ở nước ngoài làm nên mảng văn học xa xứ. Dịch giả Thúy Toàn cho biết mảng văn học này không chỉ của riêng người Việt ở Nga, mà là người Việt ở khắp các nước trên thế giới. Trong số đó, cộng đồng văn chương người Việt ở Nga là có tổ chức nhất, mạnh nhất, đông nhất. Trong số vài chục ngàn người Việt sinh sống ở Nga thì có khoảng vài ba chục người viết văn. Chính họ là những người đã và đang có nhiều đóng góp cho việc kết nối nền văn học Việt Nam và Nga.
Nhà văn Nga Mikhain Teekachop là người có công đưa các tác phẩm văn học Việt Nam như: Lĩnh Nam Chích Quái, Dế mèn phiêu lưu kí, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng sang tiếng Nga; “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga vừa được xuất bản tháng 8 năm nay; Quỹ hỗ trợ xuất bản Việt Nam - Nga mới được thành lập… là một số minh chứng gần đây nhất cho sự kết nối văn học hai nước Việt Nam - Nga, Nga - Việt Nam.
Một nhà văn người Hungary từng nói: “Thậm chí khi xa quê hương, không có mùi quê hương thì những mùi xa lạ cũng khiến cho người ta dễ vấp ngã, dễ đau khổ”. Điều đó thể hiện rõ trong những thân phận, cuộc sống của người Việt ở Nga hay ở bất cứ nước nào trên thế giới. Họ đã tìm đến văn chương và song song với quá trình sáng tác ấy, văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.
Đúng như nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đã từng nhận định: “những bài thơ, những trang văn đó như những bông hoa nhưng không phải là bông hoa hái được trên đường của những kẻ nhàn cư mà là mồ hôi, nước mắt những con người Việt đã làm việc, đã sống hết mình và lúc nào cũng nhớ quê hương. Gia tài này chưa có nhiều để tự hào nhưng nó có đủ để yêu thương, tin tưởng”./.