Phát huy giá trị văn hóa chưa gắn với phát triển du lịch Hà Nội
VOV.VN - Vấn đề nhận thức là một trong những yếu tố cần chú trọng, để giúp giá trị di sản, văn hóa được phát huy mạnh hơn trong du lịch.
Hà Nội là địa bàn có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất toàn quốc với hơn 5.000 di tích cùng nhiều lễ hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian… Việc sở hữu một kho báu di sản văn hoá lớn và đặc sắc là tiềm năng, cơ hội rất lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa này cho mục tiêu tăng trưởng du lịch Thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, với hệ thống dày đặc các giá trị di sản văn hóa, Hà Nội có thế mạnh rất lớn để phát triển du lịch: “Hà Nội không chỉ là Thủ đô về mặt hành chính mà còn là Thủ đô về mặt di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Hiện nay, toàn quốc có hơn 3.000 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia thì Hà Nội có hơn 1.000 di tích quốc gia. Trong số này có rất nhiều di tích quốc gia đặc biệt, chưa kể đến còn có gần 1.000 di tích cấp tỉnh và thành phố. Hà Nội cũng sẽ là một trung tâm về các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia bao gồm các lễ hội, các làng nghề, nghề thủ công truyền thống, các hình thức trình diễn dân gian...”
Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch
Ngoài các điểm đến và các hoạt động văn hoá được giới thiệu và biết đến từ lâu như khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm..., hiện nay còn rất nhiều các địa điểm, di tích, hoạt động và sản phẩm khác của Hà Nội chưa được khai thác hiệu quả. Những địa danh độc đáo như: chùa Đậu với 2 pho “tượng táng” của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, đình cổ Chu Quyến, làng cổ Đông Ngạc, Cự Đà, nhiều làng nghề giàu tiềm năng như Phú Vinh, Chuôn Ngọ, Hạ Thái…; những bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Di sản Văn hoá thế giới ca trù, chèo, Xẩm..., vốn quý về võ thuật cổ truyền, và ngay cả Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa… cũng chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước một cách xứng tầm.
Nói cách khác, chúng ta còn “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản văn hoá rất quý giá. Ngay đối với các điểm đến đã được đưa vào các chương trình du lịch và được nhiều du khách biết đến thì cũng còn tồn tại những bất cập, từ cách thức tổ chức tiếp đón và phục vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, giới thiệu và chào bán sản phảm, mẫu mã, dịch vụ, môi trường... khiến cho hiệu quả khai thác kinh doanh và quảng bá du lịch bị hạn chế.
Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của thủ đô Hà Nội. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là vấn đề nhận thức. Từ nhận thức chưa đầy đủ về các mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch, dẫn đến việc chưa có những hành động cần thiết, thích hợp và có hiệu quả”.
Nhận thức của người dân và những người làm du lịch là một trong yếu tố cần đẩy mạnh
Cũng theo TS Mai Tiến Dũng, để phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự hợp tác, gắn kết rộng rãi giữa các điểm đến văn hoá với các doanh nghiệp du lịch. Những gì đã làm được đến nay chủ yếu vẫn là do tự phát. Nhận thức của những người làm văn hóa về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong việc góp phần khôi phục, bảo tồn và giới thiệu văn hoá truyền thống còn hạn chế. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch cũng chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác giá trị đích thực của các điểm đến văn hoá, mà chủ yếu vẫn là tận dụng một vài điểm đến đã có “thương hiệu”.
TS Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch bày tỏ quan điểm: “Muốn làm du lịch văn hóa thì phải hiểu văn hóa. Người hướng dẫn viên là đại sứ truyền tải thông tin về giá trị di sản văn hóa Hà Nội đến với khách nên có vai trò rất quan trọng. Hướng dẫn viên hiểu sai, nói sai thì sai một ly đi một dặm. Ngoài chuyện hiểu ra phải có kỹ năng nghề nghiệp, biết làm cho khách hiểu, tức là khả năng diễn đạt, diễn cảm. Người khách hiểu và cảm thụ được văn hóa Hà Nội thì khi đó du lịch Hà Nội mới thành công”.
Với tầm nhìn dài hạn, bước đi phù hợp cùng cơ chế, chính sách thuận lợi, việc khai thác thế mạnh văn hóa Thủ đô hướng tới phát triển du lịch bền vững sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Điều này không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn góp phần giúp văn hóa Thủ đô phát triển, đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho văn hóa./.