Phiên âm- Chuyển tự hay nguyên dạng?
VOV.VN -Trong xu hướng hội nhập và hoà nhập, chúng ta phải dần chấp nhận một số từ ngữ nước ngoài (tiếng Anh đang là chủ đạo) hoà lần trong văn bản tiếng Việt.
Trong Hội thảo khoa học về chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” (do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 5-11-2016) có một vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, đó là việc nên phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng tiếng nước ngoài?
Tôi không bàn đến việc dùng tiếng Anh trong biển hiệu quảng cáo hay thương hiệu hàng hoá. Tôi muốn đề cập tới việc sử dụng trên báo chí, truyền thông vì nhiều ý kiến cho rằng phải phiên cách đọc, không nguyên dạng, như thế mới là trong sáng, phục vụ cho đông đảo quần chúng.
Giao tiếp ngôn ngữ được thực hiện qua 2 “kênh” khác nhau: nói bằng lời (phát âm truyền qua không gian) và đọc bằng mắt (qua tự dạng, nét chữ). Đọc qua kênh thị giác là một cách cảm nhận văn bản phổ biến đối với mọi dân tộc trên thế giới kể từ khi con người phát minh ra chữ viết.
Ảnh minh họa |
Tiếng Việt văn hoá hình thành từ khi có chữ viết. Tên nước ngoài vào Việt Nam (trừ tiếng Hán sẽ đọc theo âm Hán Việt) thường chủ yếu theo các hệ chữ: Slav (chữ Kirin, như Nga, Bungari và một số nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ), Latin (gồm các nước nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha - ngữ hệ Latin, các nước thuộc Liên hiệp Anh - ngữ hệ Anglo-Saxon, Đức - ngữ hệ German), Sanscrit (chữ Phạn)…
Với tên riêng viết theo hệ chữ Kirin (hệ ngôn ngữ Slav), chúng ta phải chuyển tự (chuyển từ mẫu tự này sang con chữ tương đương ở mẫu tự khác, cụ thể là theo bảng chữ cái Latin có ở hầu hết các máy chữ). Còn với các tên viết theo mẫu tự Latin thì cách tốt nhất là để nguyên dạng.
Bởi như trên tôi đã nói, giao tiếp bằng mắt phải lấy tự dạng làm căn cứ. Việc phiên cách đọc sẽ dẫn đến hệ quả đầu tiên là đưa ra một cách đọc chủ quan (đúng và sai rất mong manh). Không ai dám chắc là mình sẽ phiên đúng một từ nào đó theo nguyên ngữ (tên của cựu Tổng thống R. Reagan mà người Mỹ cũng còn có mấy cách đọc (ri-gân, ri-gơn, rê-gân, rê-gơn), Thủ đô Moskva (Nga) sẽ được đọc khác nhau giữa tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung (Moskva, Moscow, Moscou, Moscau).
Hệ quả thứ hai là người đọc mất cơ sở để truy tìm. Tôi đảm bảo là nếu phiên âm thì chỉ sau một đêm chúng ta sẽ biến toàn bộ mấy chục cầu thủ 4 đội tham gia tứ kết châu Âu (vào năm 2013 chẳng hạn) thành mấy chục cái tên khác. Trừ cái cái tên quá quen (Messi, Ronaldo, Rooney, Zidane…) phiên ra ta còn nhận được, chứ đa số tên khác, ta rất khó nhận diện (chẳng hạn, Pơ-phap = Pfaff, Cơ-rao = Crouch, Hât-lơ-xtôn-nơ = Huddlesstones…). Tên Hồ Chí Minh được người Pháp đọc là “hô-xi-min” (người Nga đọc là “khô-si-min”), Nguyễn Du đọc là “nơ-guyên-đuy” (người Nga đọc là “nơ-guyên-du”), Nguyễn Văn Trỗi đọc là “nơ-guyên-van-tơ-roi” (người Nga đọc là “nơ-guyên-van-troi)…
Nhưng khi viết, họ để nguyên dạng hoặc cố gắng tối đa để nguyên dạng. Trước đây, khi chưa có máy vi tính với mã Unicode, khi đánh máy hay sắp chữ bằng hệ Latin, người ta phải chịu để danh từ riêng của ta không dấu (Phạm Văn Đồng = Pham Van Dong, Hồ Xuân Hương = Ho Xuan Huong, Thừa Thiên – Huế = Thua Thien – Hue…).
Bây giờ, dùng mã Unicode người ta có thể đánh nguyên dạng hầu như tất cả các kiểu tự dạng trên thế giới (kể cả tiếng Nga, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn…). Để nguyên dạng không làm ảnh hưởng nhiều tới việc cảm thụ. Chính sự nguyên dạng này giúp người đọc theo dõi dễ dàng, không bị gây trở ngại, dùng quen thì điều đó trở nên rất bình thường.
Bởi có nhiều tên, do có nhiều cách phiên khác nhau mà người đọc chịu không biết đó là ai (Hussein được phiên là Hut-xen, Hu-xê-in, Hut-xanh…). Tôi nhớ vài năm trước đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam có tổ chức hội thảo về vấn đề này.
Một nhà khoa học đã nói gay gắt: “Các anh cứ ủng hộ việc phiên âm tiếng nước ngoài để phục vụ đa số quần chúng, vì nếu để nguyên dạng thì khác nào đánh đố “dân thường ít học”. Nghĩ như vậy là chúng ta đánh giá thấp quần chúng quá. Quần chúng bây giờ khác xưa rồi. Và ngay cả với những ai còn kém hiểu biết thì thử hỏi các vị phiên âm ra có ích gì? Chẳng có ai đọc báo mà đọc choang choác thành tiếng cả. Nếu cần đọc, họ sẽ đọc theo cách của họ. Có thể chưa chuẩn (mà khó có chuẩn) cũng hề gì. Cứ cho là để nguyên dạng là đánh đố “thằng ít học” đi.
Nhưng nếu phiên âm thì vô tình chúng ta đã đánh đố cả “thằng ít học” lẫn “thằng nhiều học”. Ngay các nhà khoa học cũng chẳng biết đâu mà lần”. Thực tế cuộc sống, thực tế báo chí của ta trong mấy chục năm qua đã minh chứng cho một "giải pháp khả thi" nhất: Hầu như tất cả các báo hiện nay, trừ vài báo (như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân...) còn phiên âm, còn lại đều sử dụng nguyên dạng tên riêng nước ngoài mà độc giả vẫn lĩnh hội tốt, thậm chí tốt hơn nhiều là chuyển phiên âm.
Chúng ta chấp nhận điều này như một “giải pháp tình thế”, giúp cho tiếng Việt ổn định và phát triển đúng hướng. Một văn bản có lẫn vài tên riêng tiếng Anh không hề làm giảm giá trị tiếng Việt mà còn thể hiện tiếng Việt chấp nhận được một biến thể và chứng tỏ trình độ người nói tiếng Việt được nâng cao (Mỗi năm chúng ta có hơn hai chục triệu học sinh phổ thông.
Những thế hệ học sinh này (từ PTCS trở lên) đều không xa lạ với các từ nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Ngay cả dân chúng phổ thông của ta bây giờ cũng làm quen và đọc tốt các từ như ASEAN, SEA Games, World Cup, marketing, Dream, Ware, AirBlade, acid, kilogram, folklore, radio, camera …).
Trong xu hướng hội nhập và hoà nhập, chúng ta phải dần dần chấp nhận một số từ ngữ nước ngoài (tiếng Anh đang là chủ đạo) hoà lần trong văn bản tiếng Việt, nhất là những tên riêng hay thuật ngữ khoa học đã quốc tế hóa. Giải pháp nào cũng có cái hay và cái dở, nhưng chúng ta lựa chọn giải pháp ít bị ảnh hưởng những yếu tố tiêu cực nhất (gây cản trở, ảnh hưởng tới chất lượng giao tiếp bằng chữ viết)./.