Phường nhạc cho người thiên cổ

VOV.VN - Hơn 40 năm nay, hai anh em ông Vũ Duy Tý và Vũ Duy Viển ngụ tại thôn Bút Lĩnh làm nghề trống kèn phục vụ cho các tang gia. 

Trải qua ba đời, phường nhạc dành cho người thiên cổ ở làng Bút vẫn còn hiện diện bởi chính niềm đam mê cháy bỏng của những người nối nghiệp!

Nghề như... cái áo tơi

Trước đây ông Vũ Duy Khiển người làng Bút Lĩnh, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) được người cha truyền nghề thổi kèn, đánh trống và khóc người quá cố nổi tiếng cả một vùng. Rồi chẳng hiểu duyên nghiệp thế nào nghề cứ thế bén duyên, hai anh em ông Viển, ông Tý say luôn nghề của bố. Bình thường thì họ là những lão nông cần mẫn, chất phác, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nhưng mỗi khi có người cần đến, họ lại cùng nhau tay xách nách mang các thứ đồ nghề lỉnh kỉnh; những sáo, nhị, kèn, hồ; những đàn bầu, loa, đài... ra đi bất kể đường xá xa xôi trắc trở, bất kể đêm ngày...

Ông Tý và người đồng nghiệp Nguyễn Văn Luận đang ôn lại bài “Phụ tử tình thâm”.
Nước da đen rám, mắt thâm quầng vì những đêm thiếu ngủ, ông Vũ Duy Viển (71 tuổi) kể bằng một giọng trầm trầm: “Cũng chẳng biết cụ cố nội học nghề này từ đâu, sau truyền lại cho cha tôi, cha tôi truyền lại cho hai anh em tôi. Nhà có đến 7 anh chị em nhưng cũng chỉ có hai anh em nối nghiệp cha ông thôi... 

Ngày ấy, cứ hễ ở đâu có đám người ta gọi là hai anh em lại theo cha vác đồ nghề băng đê, vượt đồng, trèo đèo, lội suối để đến phục vụ. Lúc đó cũng chưa ai hiểu mô tê chi cả nhưng được ông cụ cầm tay chỉ việc rồi dần già đứa nào cũng biết việc mà làm. Nghề trống kèn cũng như cái áo tơi, bình thường thì cất trong xó rứa, khi mô mưa thì mới lấy ra quàng!”.

Đội trống kèn làng Bút được thành lập từ năm 1976, do người em của ông Viển là ông Vũ Duy Tý (67 tuổi) đứng đầu. Đội gồm có 4 người, hai anh em ông Tý và một người chuyên làm nhiệm vụ đánh trống tên Lê Văn Đảo, một người nữa nay đã tách ra lập đội riêng. Nhạc cụ ngoài cái kèn sừng gia truyền, ông Tý sắm thêm cái đàn bầu, bộ loa, đài, tăng âm; còn sáo, nhị, kèn, hồ thì do ông tự sáng chế để dùng.

“Bây giờ thì cuộc sống hiện đại hơn xưa, các loại nhạc dành cho nghi lễ đám tang hay nhạc báo hiếu đều được người ta thu vào đĩa, vào băng, chỉ cần bỏ vào cát xét (cassette) là đã có thể tiến hành tang lễ. Làm như vậy nó vừa gọn, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình. Nhưng khi tang chủ được ngải lão (tức là vào tầm ngoài năm mươi) thì con cháu người ta vẫn muốn mời cho được cái anh thợ kèn về để tổ chức tang lễ cho nó được chu đáo, tươm tất, vì dù gì thì đây cũng là dịp trọng đại của đời người”, ông Nguyễn Ngọc Tĩnh (ngụ tại xóm 4, Bút Lĩnh) trưởng nam trong một gia đình vừa có việc hiếu chia sẻ.

Ma chay là việc khó lường, cũng có lúc người thợ trống kèn nhàn rỗi thật nhưng nhiều lúc họ phải “chạy sô”. Đội kèn làng Bút có ba người nhưng phải chia ra hoặc gọi thêm người của đội khác vào nữa. Nhiều đám tang, gia chủ vẫn cố ý đợi cho được đội kèn làng Bút đến rồi mới tiến hành hậu sự. 2,500.000 đến 2.700.000 đồng là tiền công phục vụ nhạc lễ cho một đám tang mà đội kèn của ông Tý thu được. “Đám mà có con cháu người ta giàu có hoặc nhiều người đi làm việc thoát ly thì người ta trả ba triệu hoặc hơn. Nếu mình làm tốt, làm hay họ thưởng thêm cũng có. Còn các đám mà ở xa, ngoài khoản tiền xe cộ đi lại được chủ nhà đài thọ thì thù lao mỗi người được khoảng trên 1 triệu”, ông Tý chia sẻ.

 

Ông Vũ Duy Tý đang thổi một điệu Lưu Thủy bằng cái kèn gia truyền.
Giữa một đống đồ nghề, ông Tý cầm lên cái kèn cũ nhất nói với tôi: “Đây là cái kèn gia truyền, cụ cố tôi để lại. Nó được làm bằng sừng bò tót đấy... Mỗi lần thổi, các ngón tay phải nhấp lên nhấp xuống để tạo nhịp nên các lỗ trên mình nó đã mòn vẹt thế này”. Vừa dứt lời, ông Tý liền thổi một điệu Lưu Thủy réo rắt, trẻ con không biết ở đâu chui ra, kéo đến đầy nhà. “Vì âm hưởng của kèn vừa to, vừa lạ nên con nít nó thích nghe lắm!”, ông Tý ngồi giữa bầy trẻ thơ nở một nụ cười đôn hậu.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Những người thợ kèn kể lại, đa số các đám ma thường chọn giờ đẹp để tiến hành, thế nên giờ giấc cũng khá là nghiêm ngặt. Nhiều lúc nửa đêm gà gáy, mưa gió bão bùng cũng có người đến nhà dựng dậy. Có khi đang theo xe tang ra đồng gặp mưa bất chợt thì người ngợm ướt hết, mưa xối rát mặt nhưng vẫn cứ phải phồng má trợn mắt lên mà thổi!

Vậy nhưng với họ, cực thế cũng chẳng nhằm nhò gì so với các đám ma ngày trước, ban kèn trống cứ phải ngồi trực bên linh cữu người chết thâu đêm suốt sáng. Nhiều đêm lạnh quá chủ nhà phải kê cho cái nồi than bên cạnh để sưởi. Bây giờ nhiều nơi đã thực hiện nếp sống mới nên người thợ kèn đỡ cực hơn, sau 24 giờ lễ động quan xong là ai nấy có thể về nghỉ, rồi tờ mờ sáng hôm sau sẽ đến làm nhiệm vụ.

 

Đội kèn làng Bút đang đánh trống, thổi kèn phục vụ một tang gia tại thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Lần lượt: ông Vũ Duy Tý người đầu tiên bên trái, kế tiếp là ông Lê Văn Đảo, người thứ hai bên phải sang là ông Vũ Duy Viển (ảnh do nhân vật cung cấp).
Ông Tý cho biết, đêm trước lúc hạ huyệt cho đến lúc tang chủ được mồ yên mả đẹp vào buổi sáng hoặc chiều ngày hôm sau, ông và những người đồng nghiệp phải luôn tay, luôn miệng; lúc thì đánh trống, lúc thì thổi kèn, có lúc lại vừa đánh đàn bầu vừa hát. 

Trải qua biết bao nhân tình thế thái của cuộc đời, những bài hát kể về công ơn của những bậc sinh thành như “Phụ tử tình thâm”, “Nhị thập tứ hiếu” mà họ nói hộ, nói thay cho thân nhân của người quá cố càng làm xao động lòng người: “Đêm con nằm nghĩ lại nhớ đến cõi thu nguyên... Khi lưng cơm chén nước, khi phụ tử tình thâm. Cha thiếu thốn nợ nần, mẹ thiếu thốn nợ nần, bởi vì con thơ ấu...”.

Gần trọn cả đời nối nghiệp, ông Viển, ông Tý vẫn luôn canh cánh lời dặn của người cha trước lúc lâm chung: “Đã làm cái nghề này thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu”. Thế nên ở mỗi đám tang mà họ góp mặt, khi những câu hát, những điệu nhạc được tấu lên cũng là lúc họ như dốc hết cả ruột gan mình, kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi. Để rồi sau nốt giá trị nhân văn sâu sắc ở mỗi bài nhạc hiếu đã có sức lay mạnh mẽ, hướng con người tới cái “chân thiện mỹ”.

Người thợ kèn Vũ Duy Viển tâm sự: “Nhiều khi thấy hoàn cảnh gia chủ khó khăn quá, chúng tôi không sao có thể cầm lòng mà lấy đồng tiền công của họ”. Có lẽ lòng thương người trắc ẩn ở những người thợ trống kèn đã trở thành tiếng thơm lan xa. Không riêng gì các đám tang trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, nhiều đám ở Diễn Châu, có những đám tận vùng Tây xứ Nghệ như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... cứ phải đón cho được đội kèn làng Bút về phục vụ.

Đời người không ai tránh được quy luật “sinh lão bệnh tử” của tạo hóa. Chừng nào quan niệm “sống đèn dầu, chết trống kèn” của người Việt vẫn còn hiện hữu, chừng nào cuộc sống vẫn xem thể loại nhạc hiếu như một âm giai không thể thiếu, thì chừng ấy vẫn còn đó những con người lặng lẽ, âm thầm tấu lên những bản nhạc bi thương, hùng tráng tiễn đưa người quá cố về bên kia cửa tử!./.

 

Cách đây gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Luận ở xóm 5, Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) vì đam mê nghề trống kèn mà tay nải, cơm đùm cơm nắm về tận làng Bút học nghề. Ông Luận tâm sự: “Ngày còn nhỏ tôi có chút khiếu về đàn ca sáo nhị, sau có duyên gặp được ông Tý dẫn dắt, tôi kết luôn với nó. Mà cái nghề này cũng “độc” càng dấn thân lại càng ham, cũng may trời phú cho cái sức mà chống chèo... Tôi có đứa con trai giờ cũng đang theo nghiệp bố".
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2015: Thành công ở sự khác biệt
Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2015: Thành công ở sự khác biệt

VOV.VN - Sự thành công của Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2015 đánh giá bằng sự cuồng nhiệt của khán giả suốt 4 đêm diễn trong thời tiết mưa, lạnh.

Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2015: Thành công ở sự khác biệt

Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2015: Thành công ở sự khác biệt

VOV.VN - Sự thành công của Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2015 đánh giá bằng sự cuồng nhiệt của khán giả suốt 4 đêm diễn trong thời tiết mưa, lạnh.

Nhạc sĩ Ánh Dương và bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng“
Nhạc sĩ Ánh Dương và bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng“

VOV.VN -Nhạc sĩ Ánh Dương đã khéo vận dụng dân ca Nghệ Tĩnh để làm nên một tác phẩm âm nhạc dễ hát, dễ thuộc và đầy tình người đến thế.

Nhạc sĩ Ánh Dương và bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng“

Nhạc sĩ Ánh Dương và bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng“

VOV.VN -Nhạc sĩ Ánh Dương đã khéo vận dụng dân ca Nghệ Tĩnh để làm nên một tác phẩm âm nhạc dễ hát, dễ thuộc và đầy tình người đến thế.

Độc đáo nhạc Jazz kết hợp với dân ca Việt Nam
Độc đáo nhạc Jazz kết hợp với dân ca Việt Nam

VOV.VN - Nhóm JumpforJazz gồm nhiều nghệ sĩ Việt Nam sẽ giới thiệu đến khán giả các tác phẩm tự sáng tác kết hợp Jazz và dân ca Việt Nam.

Độc đáo nhạc Jazz kết hợp với dân ca Việt Nam

Độc đáo nhạc Jazz kết hợp với dân ca Việt Nam

VOV.VN - Nhóm JumpforJazz gồm nhiều nghệ sĩ Việt Nam sẽ giới thiệu đến khán giả các tác phẩm tự sáng tác kết hợp Jazz và dân ca Việt Nam.

Kenny G “dễ tính” với Việt Nam
Kenny G “dễ tính” với Việt Nam

  Mời được Kenny G đến Việt Nam là cả kỳ công. Một nghệ sĩ hoạt động ở tầm quốc tế có lẽ cũng cần được chăm sóc đích đáng như vậy.

Kenny G “dễ tính” với Việt Nam

Kenny G “dễ tính” với Việt Nam

  Mời được Kenny G đến Việt Nam là cả kỳ công. Một nghệ sĩ hoạt động ở tầm quốc tế có lẽ cũng cần được chăm sóc đích đáng như vậy.