“Rác” âm thanh và câu chuyện ứng xử văn hóa tại khu dân cư
VOV.VN - "Rác" âm thanh là do người dân thiếu hiểu biết pháp luật hay vì những “lỗ hổng” trong ứng xử văn hóa tại khu dân cư.?
Một vụ hỗn chiến khiến người bị chém 17 nhát vừa xảy ra ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhà hàng xóm hát nhạc sống gây ồn ào tới những người xung quanh. Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư hiện nay. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là thực trạng này do người dân thiếu hiểu biết pháp luật hay vì những “lỗ hổng” trong ứng xử văn hóa tại khu dân cư. Các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa?
PGS.TS Vũ Hào Quang – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu dư luận xã hội lý giải vấn đề này.
Ảnh minh họa. |
PV: Thưa TS Vũ Hào Quang, ông chia sẻ điều gì sau khi câu chuyện đáng tiếc vừa xảy ra ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vì một nguyên nhân rất nhỏ trong cuộc sống,, đó chính là gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Tôi cho rằng, đây là hiện tượng như giọt nước tràn ly, nó đã tích tụ từ rất lâu rồi và ở bất kì nơi nào đều có thể xảy ra hiện tượng này. Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy lối sống của người dân đã có nhiều biến đổi, thậm chí biến đổi mà chúng ta không dự đoán được hoặc không ngờ tới. Vì vậy, về mặt phòng chống và tuyên truyền, pháp luật chưa đủ sức để kiểm soát và có những hình thức áp dụng cho những hành vi lệch chuẩn.
Chúng tôi cho rằng, đây là hiện tượng báo động cho chúng ta cần phải xem xét, chấn chỉnh ở góc độ quản lý nhà nước cũng như vấn đề tuyên truyền. Đồng thời giáo dục về một môi trường văn hóa, nếp sống văn minh ở thời đại mới.
PV: Trước đó ở nhiều địa phương cũng xảy ra những vụ việc tương tự bởi nguyên nhân là âm thanh quá mức. Theo nhìn nhận đánh giá của ông, tình trạng sử dụng “rác” âm thanh hiện nay ở những khu dân cư trong cuộc sống hàng ngày như thế nào?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Tôi cho rằng, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan mà chúng ta cần bàn tới và xem xét. Về mặt khách quan, có thể nói do cuộc sống hối hả, tấp nập và mỗi con người đều lo cho đời sống của riêng gia đình mình. Đôi khi, người ta quên đi cuộc sống của những người xung quanh mặc dù người ta sống gần nhau nhưng lại thấy rất xa lạ với nhau. Cũng vì thế, người ta bất chấp những hành động có thể làm phiền đến người khác mà đôi khi có thể là thói quen, sở thích hay sự thờ ơ, vô cảm đối với những người xung quanh. Đây là một hiện tượng xã hội mới xuất hiện trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trước thời kì đổi mới, hiện tượng này rất ít xảy ra khi làm gì con người cũng ngó trước ngó sau, nhìn xem người hàng xóm có hài lòng, có đồng tình hay không. Sự kiểm soát xã hội dưới góc độ dư luận ở thời kì trước đổi mới chặt chẽ hơn. Còn hiện nay, bên cạnh thành quả là nền kinh tế phát triển rất nhanh còn có nhiều hệ lụy về giáo dục, văn hóa mà pháp luật chưa thể theo kịp.
PV: Với cá nhân TS Vũ Hào Quang, có khi nào ông đã có cảm giác khó chịu và bị làm phiền bởi những âm thanh quá lớn ở những hộ dân xung quanh không ạ?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Ngay ở khu tôi – một khu mà bà con cũng rất hiền lành, thân thiện nhưng lại có một gia đình ở nơi khác chuyển về, họ cũng mở loa đài rất to vào giờ nghỉ của bà con. Ở một khu dân trí đồng đều và tương đối cao, người ta đến gõ cửa và nhắc nhở. Khi được nhắc nhở thì đầu tiên họ cũng nóng nảy và phản ứng mạnh. Họ nói rằng, đây là quyền của chúng tôi và đưa luật pháp ra để tranh cãi. Tuy nhiên, sau khi được bà con giải thích và có cách ứng xử nhẹ nhàng thì gia đình hay gây mất trật tự dần dần nhận thấy việc sống ở nơi đó không phù hợp và tự sửa đổi hành vi.
PV: Ông có nghĩ rằng, không gian văn hóa đó là tài sản chung của cộng đồng không ạ?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Văn hóa chắc chắn là sản phẩm của cộng đồng và là thứ chúng ta không thể trả bằng tiền. Nó phải có thời gian, có con đường tích lũy và con đường hấp thụ riêng. Ngôn ngữ của văn hóa khác với ngôn ngữ của tiền bạc cho nên đôi khi văn hóa phát triển chậm hơn quan hệ tiền bạc. Hiện nay, chúng ta đang ở một xã hội nặng về đồng tiền thì nó sẽ mất đi văn hóa là đương nhiên. Đó là một mâu thuẫn tất yếu và với tư cách là những người làm công tác tuyên truyền hay làm công tác giáo dục, chúng ta phải đối mặt với mặt trận này và phải có những phương án để giải quyết.
PV: Trong một cộng đồng dân cư, tôi nghĩ rằng, cũng sẽ có người già, người trẻ và thậm chí nhiều nhà có trẻ sơ sinh, hay người ốm phải chịu đựng âm thanh ầm ĩ như vậy thì quả thực rất khó chịu. Phải chăng việc chúng ta đang kiểm soát tiếng ồn ở khu dân cư hiện nay quá khó?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xem xét từ hai góc độ. Góc độ thứ nhất là từng hộ gia đình, từng cá nhân phải có ý thức trách nhiệm đối với những người xung quanh. Điều này tự mình phải kiểm soát, pháp luật không thể kiểm soát được. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải tác động đến các đối tượng này. Thứ hai, tôi cho rằng vai trò của chính quyền địa phương cần được thể hiện rõ hơn. Các đồng chí lãnh đạo mà đặc biệt là cán bộ lãnh đạo về văn hóa ở địa phương cần phát huy tốt hơn nữa. Tôi cho rằng phần lớn những người mở nhạc to chưa hiểu rằng đó là hành vi vi phạm đến quyền tự do của người khác và cũng vi phạm pháp luật. Về tuyên truyền, yếu tố pháp luật chưa được rõ ràng nên nhiều bà con nhận thức chưa rõ về vấn đề này.
PV: Tôi nghĩ những quy định về pháp luật là cần thiết nhưng cái gốc phải làm sao để nâng cao ý thức và ứng xử văn hóa tại khu dân cư cho mỗi người. Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để giáo dục và nâng cao ý thức cho người dân về cách ứng xử văn hóa trong khu dân cư?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Cách đầu tiên là phải đi từ những người lớn, những người chủ trong gia đình như ông bà, cha mẹ cần nhắc nhở con cháu nếu có hành vi gây tiếng ồn. Sau đó, những người hàng xóm phải có trách nhiệm hơn về cách góp ý để những người có hành vi sai lệch có thể nhận ra được đó là hành vi không văn minh. Tôi nghĩ rằng giáo dục phải từ từ và đến một mức độ nào đó thì cần có chế tài xử phạt.
PV: Theo ông chúng ta có nên đưa vào những quy định trong chuẩn nếp sống văn minh đô thị hay chuẩn công nhận những gia đình văn hóa trong các cuộc họp dân không ạ?
PGS.TS Vũ Hào Quang: Tôi nghĩ rất cần thiết và điều đó có thể hiệu quả rất cao vì hàng năm, chúng ta vẫn bình bầu gia đình văn hóa. Nhưng gia đình văn hóa theo tôi hiểu hiện nay chúng ta đang làm quá hình thức. Cho nên, hầu như nhà nào cũng được bảng gia đình văn hóa nhưng thực ra có rất nhiều nhà có hành vi phi văn hóa. Do đó, nếu có thể được chúng ta phải đưa ra những tiêu chuẩn để bình bầu gia đình văn hóa.
Việc phải chịu đựng những âm thanh, tiếng ồn quá mức như hiện nay đang trở thành thực trạng đáng báo động. Bởi vậy, đã đến lúc cộng đồng xã hội phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, chính quyền phải quyết liệt vào cuộc và quan trọng nhất là nâng cao ý thức ứng xử văn hóa tại khu dân cư để mỗi người dân không còn bị cảnh tra tấn bởi “rác” âm thanh và được sống trong môi trường lành mạnh, văn minh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Vũ Hào Quang./.