Rộn ràng điệu múa chuông của đồng bào Dao Tiền
VOV.VN - Tết đến xuân về, trên khắp bản làng của đồng bào Dao Tiền ở cao nguyên Mộc Châu lại vang lên điệu múa chuông rộn ràng, tươi vui.
Múa chuông là một trong những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của người Dao Tiền ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Mỗi dịp tết đến xuân về, hay trong các sự kiện trong đại trong cuộc đời của mỗi người con dân tộc Dao Tiền đều không thể thiếu điệu múa này.
Từ xa xưa, với đồng bào Dao Tiền ở cao nguyên Mộc Châu, trong tất cả các nghi lễ quan trọng như: Lập tịch (cấp sắc, đặt tên cho người trưởng thành); Tết thanh minh; Tết nhảy (là một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn vương) đều không thể thiếu sự góp mặt của điệu múa Chuông.
Ông Lý Văn Chin ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc châu cho biết: “Là người Dao Tiền thì phải biết múa chuông. Vì trong tất các nghi lễ quan trọng của đồng bào Dao Tiền như tết nhảy, lễ lập tịch (cấp sắc, đặt tên cho người trưởng thành); Tết thanh minh, rằm tháng riêng, tháng bảy đều có múa chuông… Đặc biệt múa chuông trong lễ tết nhảy là lễ tạ ơn tổ tiên, bàn vương, đã bảo vệ cuộc sống gia đình dòng tộc, những mong tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc làm ăn phát đạt, khỏe mạnh. Cầu cho cộng đồng, bản làng Dao đoàn kết, phát triển”.
Chị Đặng Thị Hương, đội trưởng đội múa chuông của xã Phiêng Luông, người đã hơn 35 năm gắn bó với các điệu múa chuông của dân tộc mình cho biết, chị biết múa chuông từ lúc 5 tuổi, và hầu hết bà con người Dao ai cũng biết múa chuông. Từ khi mới thôi nôi, chị đã được cụ bà tặng kỷ niệm chiếc chuông nhỏ bằng đồng, với chuôi là đạo cụ chính, có niên đại hơn 200 năm. Chiếc chuông này là vật báu gắn với cuộc đời chị, đã theo chị qua bao nhiêu nhịp múa ở bản xa, mường gần. Những sợi tua màu đỏ được buộc ở chuôi chuông được tung lên hạ xuống, lượn tròn nhịp nhàng nhưng rộn ràng khỏe khoắn, vang thành nhịp điệu đều đặn, đưa bước chân chị và những chàng trai cô gái Dao nhún nhảy theo điệu múa trong những nghi lễ của gia đình, cộng động hay trong những lần hội diễn xa gần.
“Từ bé, mỗi khi gia đình tổ chức các nghi lễ, tôi đều được tham gia, học theo ông bà, cha mẹ từ những những điệu vung chuông, nhún nhảy. Bởi thế mà tôi yêu các điệu múa chuông sâu sắc hơn qua những nghi lễ của gia đình, cộng đồng hay hội diễn tại cơ sở. Các điệu múa chuông rất khỏe khoắn, rộn ràng, múa bao nhiêu lần rồi nhưng không biết chán. Nhiều chị em sau những những buổi đồng áng vất vả, buổi đêm say tập trung say xưa múa chuông. Thích lắm!”, chị Hương cho biết.
Hiểu rõ được giá trị, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Dao Tiền ở Mộc Châu vẫn duy trì các lễ hội và các điệu múa chuông. Ông Lý Trọng Sinh, 60 tuổi ở xã Phiêng Luông, Huyện Mộc Châu, người truyền dạy điệu múa truyền thống của dân tộc mình cho nhiều thế hệ trẻ trong làng cho biết: Nhịp điệu múa chuông là tay phải cầm chuông lắc từ trong ra ngoài hoặc từ phải sang trái, tay trái cầm que, đưa đi 3 nhịp, đưa lại 3 nhịp, chân nhún lùi lại một bước, nhún tiếp 3 nhún, đi theo vòng tròn ba bước từ trái sang phải, rồi xoay tròn về vị trí ban đầu và cứ thế múa liên tục cho đến khi hết các bài hát. Khi chuẩn bị kết thúc nhịp múa mọi người chuyển đội hình từ vòng tròn thành các hàng ngang hướng về đàn cúng và tranh thờ. Nhịp cuối tất cả mọi người cùng hú to.
“Múa chuông là một nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Tiền, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ đứa trẻ mới sinh ra, quà trong lễ thôi nôi của đứa trẻ là chiếc chuông đồng nhỏ. Bởi thế mà ý thức kế thừa nền văn hóa truyền thống đã trở thành một điều quan trọng trong đời sống, văn hóa của người Dao Tiền. Đặc biệt đây là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống và sẽ lưu truyền mãi đến mai sau”, ông Sinh cho biết.
Tết đến xuân về, trên khắp bản làng của đồng bào Dao Tiền ở cao nguyên Mộc Châu lại vang lên điệu múa chuông. Sự rộn ràng, vui nhộn của điệu múa là lời mời du khách gần xa đến đây tìm hiểu đời sống, văn hóa vô cùng phong phú của cộng đồng người Dao nơi đây./.