Sống lại ký ức lịch sử qua cầu truyền hình “Hồn thiêng sông núi”
VOV.VN -Bằng ngôn ngữ nghệ thuật và ký ức chân thật của các nhân chứng lịch sử, công chúng Thủ đô được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017) tối 22/7, Thành ủy, HĐN, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức chương trình “Hồn thiêng sông núi”.
Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng đông đảo các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với cách mạng.
Chương trình diễn ra tại 2 điểm cầu là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (quận Hoàn Kiếm) và Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa).
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn là hai địa danh gắn liền với các sự kiện lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là địa điểm diễn ra nhiều cuộc họp, sự kiện quan trọng, trong đó có cuộc họp bàn về công tác giúp đỡ binh sĩ ngày 28/5/1946. Cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn là nơi lưu giữ những thông tin, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật về phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, "Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ".
Chiếc gậy Trường Sơn-kỷ vật hành quân qua dãy Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu của những người con xã Hòa Xá trở thành biểu tượng cho lòng quyết tâm của một thế hệ thanh niên Việt Nam.
Giữa không gian lịch sử, bằng ngôn ngữ nghệ thuật và ký ức chân thật của các nhân chứng lịch sử, công chúng Thủ đô được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải, một người lính của chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang 33 năm về trước chia sẻ: “Không bao giờ tôi quên, đặc biệt là ngày 27/7. Đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy cả thị xã Hà Giang trắng khăn tang để tang cho những người lính. Những người dân Hà Giang đã coi chúng tôi như con trong nhà. Tuy mặt trận Vị Xuyên đã qua đi nhiều tháng năm, những người lính chúng tôi, những người còn sống để trở về sẽ không bao giờ quên đồng đội của mình. Có lẽ đó là thời đẹp nhất của mỗi đời người, thời tuổi trẻ được đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”./.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Người Việt tại Ukraine kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ