Sư tử đá ngoại lai án ngữ di tích Việt Nam

VOV.VN - Vì sao sư tử đá ngoại lai tràn làn nơi thờ tự Việt bất chấp Luật di sản và khiến nhiều người tưởng lầm đó là linh vật truyền thống của Việt Nam?

Trong một lần đến thăm chùa Diên Hựu, nhà sử học Lê Văn Lan đã bị sốc khi chứng kiến một đôi sư tử đá lạ giữ tợn nhe nanh án ngữ ở đó từ bao giờ. Sốc bởi Diên Hựu là ngôi chùa độc đáo, là biểu tượng của Hà Nội và được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Theo Luật Di sản, việc thêm bớt bất cứ hiện vật nào ở đây cũng đều phải có một hội đồng khoa học xem xét và được cơ quan chức năng cho phép.

Hai con sư tử đá kiểu Trung Quốc không ăn nhập với cảnh quan chùa Diên Hựu sau khi dư luận phản đối đã được di dời (ảnh: Giáo dục Việt Nam)

GS. Lê Văn Lan đã hỏi một người thuộc ban quản lý chùa về con sư tử đá và được họ say sưa giảng giải rằng: Trong kinh, đức Phật đã ngộ đạo khi nghe từ xa có tiếng sư tử rống vậy là sư tử có vai trò ở trong cuộc đời của đức Phật và đạo Phật mà đây là chùa cho nên đặt tượng sư tử vào đấy.

GS. Lê Văn Lan bèn hỏi đó là sư tử của nước nào? Lúc ấy người của nhà chùa mới ngớ ra. Vì đó không phải là sư tử của Việt Nam. Các hình hài, hình tượng của sư tử Việt Nam không phải như thế. Đó là con sư tử sao y bản chính của con sư tử đặt ở trong Cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc.

“Người Việt của chúng ta chỉ nhận thức được rằng con sư tử có vị trí ở trong giáo lý đức Phật và thế là họ bê con sư tử vào đặt một cách :phi pháp” vào trong chùa. Phi pháp là vì chùa Diên Hựu là di tích quốc gia, đã được kiểm kê tài sản nghiêm ngặt các hiện vật, di vật, đồ tế khí… không được phép thêm hoặc bớt bất cứ thứ gì”, nhà sử học Lê Văn Lan bảy tỏ bức xúc.

Sau nhiều áp lực từ dư luận, hai con sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc đó nay đã được di dời khỏi chùa Diên Hựu nhưng ở nhiều đền, chùa khác thì vẫn nghễu nghện ngồi “thi gan cùng tuế nguyệt”.

Trên phố Bà Triệu, ngoài chùa Vân Hồ, tại di tích chùa cổ Chân Tiên (900 năm tuổi), một đôi sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc cũng được đặt ngay lối vào phía sau cổng chùa. Theo sư thầy Thích Đàm Đức cho biết, những con sư tử này được nhà chùa làm khoảng hai năm trước và cũng không để ý đó là sư tử Trung Quốc hay Việt Nam. Ảnh: Huy Phương

Một đôi sư tử đá khá lớn cũng được đặt tại chùa Cót số 188 phố Yên Hòa, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Huy Phương

Sư Tử Trung Quốc ở đình Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Chùa Bạch Nao, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Hoải Nam

 Cũng về vấn nạn này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bức xúc không kém về sự có mặt tràn lan của những con sư tử đá Trung Quốc không chỉ ở chùa triền miếu mạo, mà còn chiễm trệ ở các công ty và cơ quan công quyền.

Sư tử đá ngoại lai án ngữ trong sân một chi nhánh ngân hàng nhà nước ở Đà Nẵng. Ảnh: Trà Xanh
Một đôi sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc được đặt ngay trước cửa tòa nhà Capital Tower - 109 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ảnh: Huy Phương

Sư tử đá ở Trung Quốc được dùng chủ yếu để canh mộ

PGS.TS. Tống Trung Tín – nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam gọi đây là hiện tượng đáng buồn về ý thức văn hoá: “Các nghệ nhân dân gian đều ra sức tạc sư tử đá Bắc Kinh. Con sư tử đá ở lăng Lương Vũ Đế, nó thiêng liêng trong Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, nhưng mà về cơ bản và phổ biến là con sư tử đá canh mộ”. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao chùa của mình, nhà của mình lại thờ con canh mộ làm gì?”

PGS.TS. Tống Trung Tín cho rằng, hiện không có sự điều tra, nghiên cứu và cũng không có sự định hướng nên thấy con sư tử đá thời Minh, thời Thanh trông đẹp là cứ thế du nhập về và tạo ra sự lai căng phản văn hóa. “Tại sao ta không tuyên truyền, không quy định cho các nghệ nhân để có điều kiện sử dụng con sư tử đá theo mẫu của Việt Nam ta vốn rất đẹp?” - ông Tống Trung Tín bày tỏ.

Người Việt Nam cũng đã sẵn có hình tượng sư tử đá của riêng mình. Điển hình là sư tử đá ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) rất đẹp. Vậy mà không hiểu sao, do theo phong trào và thiếu thông tin hay vì một nguyên do nào khác mà những con sư tử lạ lại có thể chiễm trệ ở những nơi chốn tôn nghiêm ở Việt Nam?

Hình tượng Sư tử du nhập vào Việt Nam từ thời Lý, theo xu hướng của Ấn Độ với nghĩa đó là một linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo Việt Nam. Qua thời gian sử tử đá đã tồn tại phát triển theo truyền thống văn hóa Việt Nam. Còn ở Trung Quốc, sư tử đá được dùng để canh gác Tử Cấm Thành Bắc Kinh và có mặt ở các mộ táng quan lại và trước cửa nhà những người giầu Trung Quốc.

Nếu Sư tử đá Trung Quốc có tư thế nổi bật là to lớn thể hiện sự dữ đội, đe dọa, với tạo hình sức mạnh gân guốc thì sư tử đá ở Việt Nam thể hiện cho sức mạnh tinh tế không có tính chất đe dọa với tạo hình rất nuột nà và tinh xảo.

 Sư tử đá được xuất xưởng hàng loạt như thế nào?

Chúng tôi đã tìm đến làng đá Non Nước, Đà Nẵng - nơi sản xuất đá mỹ nghệ và tâm linh lớn nhất cả nước với hơn 500 cơ sở sản xuất và hàng nghìn nhân công.

Trong khi các tác phẩm đá mỹ nghệ chủ yếu được bán cho người nước ngoài thì các tác phẩm tâm linh lại được nhiều người trong nước đặt mua. Trong đó, mặt hàng sư tử đá kiểu Trung Quốc là bán chạy nhất.

Ở làng đá Non Nước, sư tử đá kiểu Trung Quốc là mặt hàng bán chạy nhất và có nhiều kích cỡ, mầu sắc đa dạng nhất. Ảnh: Trà Xanh

 “5 năm về đây mặt hàng này lên ngôi, hầu như ai đến cũng mua. Người ta mua về để đặt ở công ty, đình, chùa, trên phần mộ ta cũng để con con này” – ông Trần Văn Xuất, chủ nhân Cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh cho biết như vậy và khẳng định riêng cơ sở của ông mỗi một tháng bán được 60-70 con sư tử đá kiểu này.Trung bình một ngày ở làng đá Non Nước có khoảng 15 cặp sư tử đá được bán cho khách. Khách hàng chủ yếu là từ Nghệ An trở ra phía Bắc và khách miền Nam.

Các nghệ nhân và chủ cửa hàng mà chúng tôi gặp đều không biết đây là mẫu sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc. Họ khẳng định chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu của khách hàng còn không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của nguyên mẫu. 

Sử tử đá Trung Quốc tại làng đá Non Nước được sản xuất hàng loạt. Ảnh: Trà Xanh
Một con sư tử đá sắp thành hình. Ảnh: Trà Xanh 

 

Sư tử đá kiểu Trung Quốc vào đình, chùa Việt theo đường cung tiến 

Câu trả lời hay gặp khi được hỏi lý do tại sao sư tử lại ngồi trước cửa chùa là: Đây là đồ cung tiến! Đó chính là cách thức và con đường đi đến của sư tử.

Căn nguyên của hiện tượng này thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến và của cả những người được giao nhiệm vụ trông coi di tích lịch sử - văn hoá.

Công tác quản lý tài sản của một di tích đã được xếp hạng quốc gia tuyệt đối không cho phép thêm hoặc bớt bất cứ thứ gì. Vậy mà chỉ cần “thí chủ phát tâm” là nhà chùa sẵn lòng mở cửa, dọn chỗ cho không chỉ sư tử đá mà còn cho nhiều đồ cung tiến khác như đá phong thủy, tượng, bát hương, bùa chú... (Đến đây, chúng tôi lại nhớ tới viên đá lạ ở Đền Hùng.)

Sư tử đá kiểu phương Tây nhe nanh trước cửa đền Bà Tấm được phong là ...linh vật? (ảnh: Ngô Vương Anh)

Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia về văn hoá, lịch sử xung quanh câu chuyện về những con sư tử đá. Nhiều ý kiến khá gay gắt, nặng nề cho rằng đây là lối khoe mẽ vô văn hoá. PSG.TS Trần Lâm Biền gọi đây là “bệnh sư tử”, là “họa sư tử” - một cái họa về văn hóa.

Bởi ngay cả khi bị áp đặt hay chủ động giao lưu - tương tác văn hoá, người Việt luôn biết tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa văn hoá ngoại lai rồi Việt hoá nó, “thuần phục” nó theo cách riêng của mình. Chưa bao giờ tổ tiên chúng ta chấp nhận sự sao chép dập khuôn vô thức.

Nhưng ngày nay, câu chuyện thiếu vốn hiểu biết văn hoá và sự cẩu thả trong ứng xử và quản lý di tích lịch sử - văn hoá là “căn bệnh” đã lây lan khắp nơi. Và sư tử đá ngoại lai cứ thế ngang nhiên hiện hữu tràn lan nơi thờ tự của người Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Loạn" sư tử đá ở đền chùa, doanh nghiệp
"Loạn" sư tử đá ở đền chùa, doanh nghiệp

VOV.VN - Nhiều đền, chùa, doanh nghiệp, khách sạn...ở khắp cả nước đều có sự có mặt của những con sư tử đá này.

"Loạn" sư tử đá ở đền chùa, doanh nghiệp

"Loạn" sư tử đá ở đền chùa, doanh nghiệp

VOV.VN - Nhiều đền, chùa, doanh nghiệp, khách sạn...ở khắp cả nước đều có sự có mặt của những con sư tử đá này.

Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích
Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích

VOV.VN - Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích của tổ tiên bởi đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc - PGS.TS Trần Lâm Biền nêu ý kiến.

Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích

Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích

VOV.VN - Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích của tổ tiên bởi đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc - PGS.TS Trần Lâm Biền nêu ý kiến.