Sau 3 tháng ban hành công văn 2662 (8/8/2014) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận từ nhiều tổ chức, cá nhân. Nhiều nơi thờ tự (đền chùa), công sở đã di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi địa bàn. Nhưng, bên cạnh sự ủng hộ thì nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn chưa muốn di dời hoặc còn loay hoay với việc xử lý như thế nào cho tốt?
Theo khảo sát của phóng viên VOV, sau 3 tháng thực hiện công văn 2662 của Bộ VHTT&DL tại các đình, chùa ở Hà Nội vẫn còn nhiều sư tử ngoại lai án ngữ. Mặc dù cùng với công văn của BộVHTT&DL, ngày 6/9, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đề nghị trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng) chủ động di dời, không bài trí tượng sư tử đá và linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tự.
Chùa Vân Hồ - là di tích lịch sử - văn hoá từ nhiều năm nay nhưng ở cổng phía đường Lê Đại Hành hình ảnh đôi tỳ hưu kiểu Trung Quốc vẫn "oai vệ" đứng canh cổng sau 3 tháng ban hàng công văn 2662.
Trên phố Bà Triệu, ngoài chùa Vân Hồ, tại di tích chùa cổ Chân Tiên (900 năm tuổi), một đôi sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc cũng được đặt ngay lối vào phía sau cổng chùa. Theo sư thầy Thích Đàm Đức cho biết, những con sư tử này được nhà chùa làm khoảng hai năm trước và cũng không để ý đó là sư tử Trung Quốc hay Việt Nam.
Một đôi sư tử đá khá lớn cũng được đặt tại chùa Cót số 188 phố Yên Hòa, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Một người dân
hiện đang sống tại chùa Cót cho biết, đôi sử tử đá này đã được đặt ở đây khá lâu và do một gia đình công đức. Tuy nhiên, nay có công văn yêu cầu di dời thì nhà chùa cũng rất băn khoăn và chưa biết xứ lý sao cho tốt nên vẫn để vậy.
Tuy nhiên, ngay cạnh chùa Cót, Đông Miếu hơn 600 năm tuổi ở làng Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lại đã thực hiện di dời đôi sư tử đá sau khi có công văn 2662 của Bộ VH, TT&DL.
Trong ảnh, hai điểm khoanh đỏ là nơi Đông Miếu đã từng đặt đôi sư tử đá. Theo ông Hoàng Ngũ, 73 tuổi, hiện làm Thủ từ của Đông Miếu cho biết, đôi sư tử đã được di dời từ hôm 1/11 (tức 9/9 âm lịch). Ông Ngũ cũng mong muốn nhận được sự hướng dẫn xử lý cụ thể từ phía chính quyền chứ nếu vứt đi hay đập bỏ thì thật lãng phí.
Cùng với Đông Miếu, đôi sư tử đá trước cổng làng Mễ Trì cũng đã được lãnh đạo địa phương cho di dời cách đây gần một tháng.
Thay thế vào đó là một đôi chó đá.
Cùng với việc xúc tiến di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, nơi thờ cúng thì cơ quan chức năng cũng đã khuyến khích những cá nhân, tổ chức tư nhân không nên trưng bày, sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.Trong ảnh, một đôi sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc được đặt ngay trước cửa tòa nhà Capital Tower - 109 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Đôi sư tử này có kích thước khá lớn với vẻ ngoài dữ tợn.
Hay, tại cổng làng Phú Mỹ (Từ Liêm, Hà Nội) một đôi sư tá cũng được người dân đặt ngay phía trên hai bên trụ cổng.
Đôi sư tử này có kích thước nhỏ nếu không chú ý có thể sẽ dễ dàng bị bỏ qua.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề di dời thì đa phần ý kiến của các đơn vị có sư tử đá kiểu Trung Quốc trước cửa đều cho rằng, việc họ trưng bày chỉ với múc đích làm đẹp và tăng sự uy nghi cho tòa nhà chứ không thấy ảnh hưởng gì
Nhiều người khác lại băn khoăn, nếu di dời thì bỏ đi đâu và làm thế nào, liệu có hướng giải quyết khác ngoài việc bỏ đi không? Bởi những con sư tử đá này cũng được họ mua khá đắt tiền./