Tác giả "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" trải lòng về nghề
(VOV) - “Tự hào, tự mãn thì không phải là người nghệ sĩ chân chính. Nghệ sĩ là luôn luôn khát khao, khát khao cống hiến cho nghệ thuật”.
Ông cũng là một trong số những nhạc sĩ đã giành giải thưởng Hồ Chí Minh, một giải thưởng rất cao quý dành cho những người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Những tấm gương anh hùng liệt sĩ trong sáng tác của Nguyễn Đức Toàn
PV: Bài ca “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” là một trong những sáng tác nổi tiếng của ông về đề tài anh hùng liệt sĩ. Nhạc sĩ có thể giới thiệu đôi chút về hoàn cảnh ra đời bài hát này không?
NS Nguyễn Đức Toàn: Năm 1958, khi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đã kết thúc, miền Bắc chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhưng ở miền Nam khi đó, quân của Ngô Đình Diệm vẫn đang chiếm đóng với chủ trương kéo lê máy chém đi khắp miền Nam để tiêu diệt lực lượng cộng sản. Giữa sự đàn áp ấy cần sự cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em, vì thế tôi sáng tác bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Bài hát viết về tấm gương bất khuất của một thiếu nữ ở tuổi chưa đến 20, một cô gái yêu nước mà thích hát, thích hoa.
Ca khúc có thể gọi là “Hoa Lê ki ma” hay “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Hoa lê ki ma thực tế không có ở Việt Nam, đây là một cái tên bịa nhưng nó lại có hồn của Việt Nam, hồn Nam bộ và gắn với chị Võ Thị Sáu. Mùa hoa Lê ki ma là để nói về Võ Thị Sáu - một tấm gương dũng cảm của người con gái yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu rồi bị bị giặc xử án tử hình tại Côn Đảo. Nhưng, chị không bao giờ dao động, luôn luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
PV: Bên cạnh tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” thì loạt các tác phẩm khác viết về hình tượng những anh hùng liệt sĩ của dân tộc các ca khúc “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”… Lúc đó, nhạc sĩ viết các ca khúc này là do nhiệm vụ chính trị đặt ra hay là viết theo cảm xúc, bắt nguồn từ lòng cảm phục của nhạc sĩ với những người anh hùng dân tộc đó?
Nhạc sĩ Trần Đức Toàn (Ảnh: maivang) |
NS Nguyễn Đức Toàn: Sáng tác của tôi gắn liền với hai khía cạnh đó. Tôi là một người chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận văn hóa và cũng là nghệ sĩ với cảm xúc sâu. Nếu chỉ vì cảm xúc mà không ý thức được nhiệm vụ chính trị thì tác phẩm cũng không đạt được. Nhưng nếu vì mục đích chính trị thì tác phẩm mang tính chất hô hào của chúng ta sẽ không hay được.
Tôi chọn đề tài về các anh hùng liệt sĩ để viết vì tất cả các văn nghệ sĩ Việt Nam chúng ta, từ nhà văn, nhà thơ, nhạc kịch… tất cả mọi người làm văn nghệ đều có một tham vọng là viết lại cuộc chiến đấu của dân tộc. Nhưng mỗi người viết theo một cách viết riêng, còn tôi, tôi chọn là viết qua anh hùng, viết qua những người liệt sĩ để tả cuộc chiến đấu của dân tộc mình.
PV: Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn không chỉ là nhạc sĩ mà ông còn là người chiến sĩ đi khắp các mặt trận theo tiếng gọi của Tổ Quốc, phục vụ trên lĩnh vực văn hóa. Sau này, ông tiếp tục cống hiến cho quân ngũ khi về công tác tại đoàn ca múa tổng cục chính trị. Có phải vì thế mà mảng đề tài viết về người lính luôn được ông quan tâm trong sáng tác của mình?
Trình bày: Thanh Thúy
Sáng tạo nghệ thuật trong con người nhạc sĩ đa tài
PV: Ít người biết rằng, trước khi đến với âm nhạc thì NS Nguyễn Đức Toàn lại chọn hội họa. Nhạc sĩ đã từng theo học tại trường cao đẳng mỹ thuật. Tại sao ông lại không chọn âm nhạc ngay từ đầu mà lại là hội họa?
NS Nguyễn Đức Toàn: Hầu hết cả nhà tôi làm âm nhạc nhưng vẫn có người làm họa sĩ. Khi còn nhỏ tôi rất thích bơi, thích vẽ, thích bôi bẩn hết cả nhà, tường và quần áo. Rồi từ niềm đam mê trẻ con con ấy, tôi trở thành họa sĩ.
(Ảnh: VNmusic) |
PV: Điều gì đã khiến ông chuyển hướng sang âm nhạc khi mà ông đang học đến cao đẳng mỹ thuật?
NS Nguyễn Đức Toàn: Hội họa là con đường khó khăn, dài vô tận. Nếu đã cầm bút vẽ thì vẽ suốt ngày mà vẽ không bao giờ tới đích. Mỗi một ngành nghệ thuật có hạn chế của nó. Mà tham vọng con người lại không hạn chế, cho nên tôi muốn được giải phóng bởi cái hạn chế đó của mình và chuyển sang ngành khác. Tôi thích vẽ thì vẽ, muốn làm nhạc thì làm nhạc, làm thơ thì làm thơ.
Tôi cũng mới xuất bản tập thơ tựa đề là “Gió”. Thơ giống như một dòng nước lũ, nó trút hết ra. Dù cho có gông xiềng, có ngăn trở thì thơ vẫn mở đường cho ta.
PV: Bên cạnh mảng ca khúc thì nhạc sĩ còn có mảng khí nhạc. Vậy, vị trí của khí nhạc trong toàn bộ sáng tác nhạc của nhạc sĩ là như thế nào?
Thể hiện: Tốp ca
PV: Dường như sáng tạo nghệ thuật là điều không thể thiếu trong cuộc sống của nhạc sĩ. Năm nay đã 80 tuổi, có bao giờ vì bệnh tật và tuổi già mà nhạc sĩ cảm thấy nản không?
NS Nguyễn Đức Toàn: Tôi bị nhồi máu cơ tim, đã nhiều lần chết đi sống lại nhưng vẫn viết nhạc, vẫn làm thơ, vẫn vẽ tranh, vẫn như mọi người bình thường. Tại sao có thể như thế? Bởi tôi là người thích đùa, mà những người thích đùa thì thường sống lâu.
PV: Chính vì như vậy nên tâm hồn của nhạc sĩ luôn trẻ trung, sống lâu và sống khỏe. Cho đến nay, có điều gì mà nhạc sĩ cảm thấy luôn phải trăn trở, suy nghĩ về âm nhạc của mình không?
NS Nguyễn Đức Toàn: Trăn trở nhất là tài năng. Nhiều khi đứng trước cuộc sống, tôi cảm thấy mình bất lực, không đủ khả năng để mô tả được điều mà mình đang mơ ước. Giống như chặng đường mở toang ra trước mắt mình nhưng lại là một cái viễn cảnh mình không đạt tới được. Tự hào, tự mãn thì không phải là người nghệ sĩ chân chính. Nghệ sĩ là luôn luôn khát khao, khát khao cống hiến cho nghệ thuật.
PV: Xin cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn về cuộc trò chuyện./