Những câu chuyện xung quanh việc phá dỡ trường THPT Châu Văn Liêm để xây mới trong những ngày qua tại Cần Thơ đang trở thành chủ đề “hot” nhất mà giới KTS và nhiều người dân quan tâm, bàn luận.
Việc mà mọi người quan tâm nhất hiện nay là nên phá đi để xây trường mới hay giữ lại và trùng tu. Tuy nhiên, có lẽ phần đông ý kiến đang ủng hộ việc giữ lại ngôi trường cũ và trung tu lại.
Bởi đây không chỉ là một công trình kiến trúc cổ bình thường mà nó còn là một niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Cần Thơ. Một ngôi trường mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống. Gần 100 năm qua, trường THPT Châu Văn Liêm đã song hành cùng những biến cố lịch sử của thành phố, là cái nôi của những nhà giáo yêu nước, nhà khoa học, chiến sĩ cách mạng…
|
Một góc của trường THPT Châu Văn Liêm gần 100 năm tuổi. |
Trước sự quan tâm cùng các ý kiến nhiều chiều của người dân và các chuyên gia, sáng 10/7, tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP Cần Thơ khóa VIII, Chủ tịch UBND TP Lê Hùng Dũng đã thông báo thêm thông tin về việc trường THPT Châu Văn Liêm có “tuổi thọ” gần 100 tuổi sắp được dỡ bỏ và xây mới.
Theo thông báo, ngôi trường THPT Châu Văn Liêm sắp tròn 100 tuổi là một công trình của Pháp xây dựng năm 1917 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1921. Đến năm 1987, phía Pháp đã gửi thông báo là trường đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên do nhiều yếu tố nên trường chưa được sửa chữa, cải tạo.
Ngoài ra, ông Lê Hùng Dũng cho biết, 10 năm qua, Sở GĐ-ĐT Cần Thơ đã mời các cơ quan chuyên môn xuống đánh giá trường và kết luận trường xuống cấp nghiêm trọng, phải xây mới. Đồng thời, TP cũng đã trưng cầu ý kiến của thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh của trường sau đó mới đưa ra quyết định thông qua dự án xây mới trường THPT Châu Văn Liêm nhưng giữ nguyên kiến trúc, số tầng như cũ. Thời gian xây dựng phải hoàn thành vào đầu năm 2017 để kịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường. Hiện nay, đang tiến hành bắt đầu bán hồ sơ mời thầu.
|
Nhiều chỗ đã xuống cấp của ngôi trường |
“Nhưng, nhiều ngày qua, dư luận đặt ra nhiều vấn đề, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, nên giữ lại để trùng tu trường. Tuy nhiên, về phía quản lý nhà nước, chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng vì người Pháp xây dựng công trình này đã cảnh báo hết hạn sử dụng, cơ quan chuyên môn thì nói đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây mới nên chúng tôi làm theo. Nói xấu, chẳng may trường sập, xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm?" - ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi công chúng lên tiếng về việc phá dỡ trường, UBND TP Cần Thơ đã đưa ra 3 giải pháp:
Đầu tiên, tạm thời ngưng triển khai dự án và mời cơ quan chuyên môn ở Trung ương thẩm định, đánh giá chất lượng hiện tại của trường. Nếu đảm bảo thì sẽ nhờ cơ quan chuyên môn giới thiệu công ty có chuyên môn để trùng tu giữ lại trường.
Thứ hai, trường có nhiều dãy nhà được xây dựng qua ba thời kỳ, Pháp, Mỹ và sau 1975 nên sẽ giữ lại dãy nào còn tốt và xây lại dãy bị xuống cấp. Phương án cuối cùng là phá dỡ toàn bộ ngôi trường và xây dựng lại mới hoàn toàn nhưng giữ lại lối kiến trúc cũ.
|
Hiện tại, UBND TP Cần Thơ tạm thời cho ngưng dự án xây mới để lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia. |
Trước đó, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện nay lãnh đạo thành phố tiếp tục lắng nghe những ý kiến từ nhiều phía về vấn đề của trường THPT Châu Văn Liêm. Đặc biệt, thành phố đã liên hệ với các chuyên gia Pháp trong lĩnh vực trùng tu nhằm tìm ra phương pháp hợp lý nhất đối với ngôi trường gần trăm tuổi này.
“Thời gian qua các sở, ngành cùng UBND TP đã rất cố gắng, đến hiện nay rất nhiều người không chỉ riêng cựu học sinh trường quan tâm đến công trình có tuổi đời rất lâu.
Chính vì vậy, bản thân cá nhân tôi cũng như anh em làm công tác quản lý nhà nước đều có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu và tìm những chuyên gia chuyên về lĩnh vực trùng tu đối với một công trình cổ có bề dày lịch sử từ lâu và làm việc hết sức để sau này chúng ta không hối tiếc” – bà Võ Thị Hồng Ánh nói.
Về mặt quản lý, nhiều người vẫn đề cao sự an toàn của các học sinh, giáo viên khi học tập, sinh hoạt trong một ngôi trường đang xuống cấp và có thể gây nguy hiểm cho mọi người.
“Đập trường là điều không ai muốn, nhưng phải đặt lợi ích, sự an toàn của các học sinh, giáo viên lên trên hết. Vì vậy, tạm thời UBND sẽ cho ngưng dự án để lắng nghe ý kiến cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong nước, kể cả nước ngoài để thẩm định, góp ý nhằm có phương án tối ưu, hài hòa nhất. Trong thời gian này trường vẫn tuyển sinh, học bình thường” – ông Lê Hùng Dũng nhấn mạnh./.