Thành Chương gửi đơn kiện, vấn nạn tranh giả có bị “xử” tận gốc?
Họa sĩ Thành Chương chính thức gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ việc bức tranh của ông bị mạo danh thành bức "Trừu tượng" của Tạ Tỵ.
Lá đơn này cũng đề nghị "xử lý hình sự hành vi làm tranh giả, buôn bán hàng giả lừa đảo người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật". Gắn liền với câu chuyện của ông là việc hàng loạt bức tranh giả, tranh nhái bị phát hiện ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM).
Đề nghị tạm thu giữ tranh "mạo danh"
Trong đơn tố cáo, họa sĩ viện dẫn các quy định của Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành "để tố cáo hành vi thể hiện dấu hiệu làm tranh giả và xâm phạm quyền tác giả đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10- 21/7/2016".
Họa sĩ Thành Chương và bức tranh tại triển lãm. Ảnh: TL. |
Đồng thời, họa sĩ Thành Chương cũng tái khẳng định bức tranh có tên là "Trừu tượng" và chữ ký của Tạ Tỵ tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" là mạo danh. Ông nhắc lại việc 100% Hội đồng Thẩm định đều đã thống nhất bức tranh này không phải tranh của danh họa Tạ Tỵ.
Theo lời họa sĩ, đó là bức tranh Chân dung cô Kim Anh do ông sáng tác khoảng thời gian từ 1970- 1975. Bức tranh này đã được trưng bày trongTriển lãm Bộ sưu tập tranh Mỹ thuật Đông dương.
Do vậy, họa sĩ Thành Chương kiên quyết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ và giám định bức tranh đang gây tranh cãi. Đồng thời, dựa trên cơ sở kết quả giám định để xử lý hình sự hành vi làm tranh giả và lừa đảo người tiêu dùng này.
Được biết, Hội đồng Thẩm định đã yêu cầu tạm giữ toàn bộ những bức tranh bị đánh giá là tranh giả tranh nhái trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu. Tuy nhiên, sau đó, chủ sưu tập những bức tranh trên, ông Vũ Xuân Chung đã đến Bảo tàng lấy lại toàn bộ những bức tranh này và mang đi.
Theo thông tin từ Cục Mỹ thuật, Triển lãm & Nhiếp ảnh, cơ quan này đã nhận được đơn của họa sĩ Thành Chương và làm công văn chuyển tiếp lá đơn tới Thanh tra Bộ VH,TT&DL, Cục Bản quyền tác giả và Sở VHTT TP Hồ Chí Minh để tiếp tục giải quyết.
Bức tranh bị tẩy tên của họa sĩ Thành Chương. |
"Khoa học hình sự sẽ làm rõ vụ việc"
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), luật sư Ngọc Anh (Công ty luật Khánh Việt) cho biết: họa sĩ Thành Chương tuy không đăng ký bảo hộ bản quyền nhưng tác phẩm của ông đã được phổ biến rộng rãi trước đó. Bởi vậy, họa sĩ có cơ sở để khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, họa sĩ Thành Chương cần làm một số thủ tục liên quan đến Luật dân sự.
Cũng theo luật sư Ngọc Anh, nếu đây là một vụ án giả mạo tranh thì công an sẽ điều tra tất cả tang vật trong vụ giả mạo. Có nghĩa, việc tạm thời thu giữ các bức tranh từng xuất hiện tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu như yêu cầu của lá đơn là hợp lý.
“Vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài cũng không phải vấn đề quá phức tạp. Bởi Việt Nam đã có hiệp định hỗ trợ tư pháp quốc tế để xử lý” - luật sư Ngọc Anh nhận xét
Ở góc độ tổ chức nghề nghiệp, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết thêm: tổ chức này đã nhận được đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương. Trước mắt, Hội Mỹ thuật VN sẽ có công văn gửi tới Bộ VH,TT&DL cũng như Bộ Công an để làm rõ vụ việc.
Theo ông Lương Xuân Đoàn, để có những bằng chứng mạnh, bức tranh của họa sĩ Thành Chương cần đầy đủ thông tin về "tiểu sử". Cụ thể, hành trình từ lúc bức tranh rời tay họa sĩ Thành Chương tới lúc xuất hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bị "tẩy tên" thành Tạ Tỵ cần làm rõ. "Những vấn đề này, khoa học hình sự vào cuộc sẽ sáng tỏ vụ việc"- ông Đoàn nói.
Trước khi gửi lá đơn tố cáo, họa sĩ Thành Chương từng trao đổi với Thể thao & Văn hóarằng ông làm việc này với mong muốn giải quyết tận gốc vấn nạn tranh giả đang tồn tại ở thị trường mỹ thuật VN trong nhiều năm nay. “Tôi dấn thân không phải vì lợi ích cá nhân” – họa sĩ nói. “Bởi thế, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc sát sao, đúng bài bản và quan tâm một cách thật sự như họ đã nói”./.