Thế hệ trẻ cần thể hiện trách nhiệm bảo vệ giá trị của Mộc bản triều Nguyễn

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.  

Nhân dịp Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Lễ đón Bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho tài liệu Mộc bản triều Nguyễn (16/12/2009). Đây là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được công nhận Di sản tư liệu thế giới. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Mộc bản triều Nguyễn thể hiện lịch sử của Việt Nam. Tư liệu này gồm rất nhiều thông tin, miêu tả quá khứ và những gì đã xảy ra trong quá khứ của Việt Nam. Chúng ta cần phải đọc tất cả những gì chứa đựng trong Mộc bản triều Nguyễn vì nó cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin thú vị. Mộc bản giới thiệu cho chúng ta trình độ phát triển về mặt xã hội của đất nước thời kỳ đó. Nó cũng thể hiện cả công nghệ in của Việt Nam.

Một trong những tấm mộc bản (bản gốc - trái, và bản rập trên giấy dó) nói về việc vua Gia Long đổi quốc hiệu Việt Nam

PV: Thưa bà, các chuyên gia UNESCO đánh giá như thế nào về giá trị của Mộc bản triều Nguyễn?

Bà Katherine Muller Marin: Mộc bản triều Nguyễn đã được nhóm chuyên gia của UNESCO làm việc trong Chương trình Ký ức Thế giới đánh giá cao bởi lẽ nó đã góp phần vào việc ghi nhận lịch sử của một dân tộc vào thời điểm đó. Chính vì vậy mà UNESCO đã trao bằng công nhận Di sản tư liệu cho Mộc bản triều Nguyễn với mục đích là để bảo tồn tốt hơn Di sản tư liệu này. Chúng tôi hy vọng thế hệ thanh niên, giới trẻ của Việt Nam sẽ quan tâm và tìm hiểu nghiên cứu di sản quý báu này.

Tôi cho rằng sẽ rất thú vị nếu ta có thể đọc và khai thác và hiểu hơn về xã hội phong kiến của Việt Nam vào thời kỳ đó. Qua tài liệu này, chúng ta sẽ phân tích được xem xã hội Việt Nam đã tiến triển như thế nào từ thời kỳ phong kiến cho đến ngày nay, chúng ta cũng có thể rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thông tin chứa đựng trong Mộc bản triều Nguyễn. Nhiệm vụ của UNESCO là giúp đỡ cho các quốc gia thành viên bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu của mình. Mộc bản triều Nguyễn là cách ghi lại ký ức của một quốc gia tốt nhất. Chính vì thế hôm nay chúng ta có buổi lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO. 

Bà Katherine Muller Marin

PV: Bà có nhận xét gì về công tác lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn mà Việt Nam đang tiến hành?

Bà Katherine Muller Marin: Việt Nam đang thực hiện một cách ấn tượng công tác bảo tồn này. Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng nhân dân Việt Nam vì đã bảo tồn và gìn giữ và trân trọng di sản của mình. Chúng ta cần phải tạo dựng niềm tự hào của các thế hệ tương lai để họ có thể tiếp nối truyền thống và di sản cha ông. Các thế hệ tương lai cần có cơ hội để đóng góp vào lịch sử đất nước do đó cần tạo điều kiện để họ tiếp cận được với lịch sử cha ông. Các Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản và số hóa cùng với việc UNESCO công nhận đã giúp cho nhiều người  được biết và tiếp cận kho tư liệu quý giá này.

Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng đăng ký nhiều nội dung với UNESCO. Tuy nhiên, điều quyết định nhất không hẳn chỉ riêng vấn đề đăng ký mà là công tác giữ gìn và bảo tồn di sản đó. Bên cạnh đó di sản không chỉ để ngắm mà phải được nghiên cứu và khai thác một cách hiệu quả - đảm bảo được sự cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác di sản.

PV: Xin cảm ơn bà!

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được sản sinh chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn tại Huế. Mộc bản triều Nguyễn còn bao gồm cả những ván khắc in thu ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ tại Quốc Tử Giám, dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu mộc bản triều Nguyễn là gỗ thị, gỗ cây nha đồng. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị lớn, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại. Mộc bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, Lâm Đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên