Thu phí nhạc số: Hy vọng vào ý thức người nghe

(VOV) -Việc thu phí nhạc số gây nhiều tranh cãi vì cách làm chưa triệt để song là bước đi đáng khích lệ.

Bắt đầu từ hôm nay (1/11), hơn 45.000 ca khúc tiếng Việt sẽ được bán thông qua hệ thống thu phí của 18 trang mạng kinh doanh nhạc số trực tuyến. Người nghe nhạc Việt Nam bắt đầu làm quen với việc trả tiền mua nhạc số. Trong tình trạng vi phạm bản quyền triền miên từ trước  tới nay thì đây là một tín hiệu vui, dù cách làm còn chưa triệt để và động cơ vẫn còn gây bàn cãi.

Bảo vệ bản quyền hay thỏa hiệp mập mờ?

Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Việt Nam hiện có khoảng 150 website hoạt động ổn định và cho phép tải nhạc trực tuyến. 18 trang mạng sẽ thu phí tải ca khúc Việt Nam là con số khiêm tốn so với tổng số 150 trang này, chỉ chiếm 12%. Một nguy cơ rất dễ nhìn thấy là người nghe nhạc nhiều khả năng sẽ chuyển sang tải nhạc ở hơn 130 trang còn lại hiện vẫn chưa thu phí.

Việc thu phí mới chỉ thực hiện với tải nhạc chứ chưa thu phí nghe nhạc trực tuyến. Trong khi các trang kinh doanh nhạc số trực tuyến hiện chủ yếu có nguồn thu từ quảng cáo, mà thu từ quảng cáo thì luôn cần số người nghe trực tuyến hơn là cần người tải nhạc. Chính vì vậy, điều này làm dấy lên sự nghi ngờ việc thu phí tải nhạc chỉ là một cách giúp những trang web này trở nên hợp pháp chứ không nhằm mục đích bảo vệ tác quyền. Nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng đây “là một sự thoả hiệp mập mờ trong việc hợp thức hoá hành động sai trái nhiều năm qua của những trang web đó”, giúp “những kẻ cướp trở thành ông chủ đàng hoàng”.

Nhạc sỹ Quốc Trung và thông điệp "Nghe có ý thức"

Những sự nghi ngờ đó không phải không có lý khi đầu tháng 10 vừa qua, sau khi bị hai hãng lớn là Coca Cola và Samsung rút quảng cáo vì lo ngại vấn đề bản quyền âm nhạc, một trong những trang web trực tuyến đông người truy cập nhất Việt Nam Zing đã ngay lập tức tìm cách ký kết bản quyền với Universal Music. Điều đó cho thấy trang web này cần thiết có quảng cáo tới mức nào. Và điều này có lẽ đúng với tất cả những trang còn lại.

Mức thu phí 1000 đồng cho mỗi lần tải nhạc là khá thấp. Nguồn thu từ việc tải nhạc sẽ khó lòng ở mức cao khi người nghe vẫn có thể nghe trực tuyến. Mức phí 1000 đồng phải chăng là để hợp pháp cho vấn đề bản quyền, khiến những thương hiệu lớn như Coca Cola, Samsung không lo ngại, chứ sẽ không giúp được nhiều cho những người sản xuất các sản phẩm âm nhạc.

Cách thu phí nhạc số như vậy vẫn chưa thực sự triệt để và nó có thể làm thay đổi tình hình vi phạm bản quyền ở Việt Nam hay không thì vẫn là câu hỏi lớn mà chỉ có thời gian mới có thể có câu trả lời chính xác. Song theo dự đoán của nhạc sỹ Quốc Trung thì sẽ chẳng có gì thay đổi hết.

Không thể chỉ trông chờ vào ý thức

Vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực nhạc số ở Việt Nam đã tồn tại nhiều năm qua và chưa có cách giải quyết nào hiệu quả. Hiện những người tham gia sản xuất các sản phẩm âm nhạc vẫn chỉ hy vọng vào người nghe sẽ có ý thức trong việc tiêu dùng sản phẩm của mình.

Nhạc sỹ Quốc Trung và nhạc sỹ Huy Tuấn đã phát động phong trào “nghe có ý thức” với hy vọng người nghe sẽ quan tâm và ủng hộ, không sử dụng những sản phẩm âm nhạc không có bản quyền. Những thông điệp của phong trào được truyền tải trên mạng xã hội facebook và trong chương trình Vietnam Idol, giám khảo, thí sinh và người dẫn chương trình đã xuất hiện trong đồng phục “Nghe có ý thức” nhằm tác động tới người xem.

NSND Thanh Hoa ủng hộ phong trào "Nghe có ý thức". Ảnh: Zing

“Nghe có ý thức” đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của các nghệ sỹ và cả người nghe, thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên trang cá nhân của hai nhạc sỹ. Nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa cũng mong muốn người nghe thấu hiểu được rằng: “một ca sĩ học nhạc 11 năm như Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn… hoặc có nhạc sĩ cả đời mới ra được một tác phẩm, họ ăn gì, uống gì để hát cho mọi người nghe miễn phí? Trong chiến tranh, âm nhạc chỉ là công cụ, người nghệ sĩ thành chiến sĩ nhưng trong thời bình họ phải được quyền bình đẳng. Nghệ sĩ cũng là người, cũng phải ăn, phải uống. Nghệ sĩ đi mua mớ rau cũng phải trả tiền cho người lao động, vậy tại sao người nghe lại không trả tiền cho sức lao động của các nghệ sĩ? Đó là điều vô lý".

Ngay ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cung cấp nội dung nhạc số MV Corp, một trong những đơn vị đã ký kết về việc thu phí nhạc số, cũng bày tỏ chỉ hy vọng vào ý thức người nghe vì “Không thể ép buộc người nghe trả tiền mà phải dần dần, vừa làm vừa kể, chỉ cho họ thấy được thực trạng của ngành âm nhạc chân chính hay nỗi vất vả của các nhạc sĩ, ca sĩ và người sản xuất âm nhạc. Việc thu phí tải nhạc hợp tình, hợp lý, hợp pháp thì mọi người cũng sẽ dần hiểu ra và làm theo”.

Nhưng để sự ủng hộ của người nghe từ lời nói biến thành hành động không phải việc dễ dàng khi người ta vẫn có thể nghe nhạc miễn phí và không ai phải chịu một chế tài xử phạt nào. Trong khi rõ ràng vi phạm bản quyền là vi phạm pháp luật chứ không phải chỉ là vi phạm đạo đức. Và trường hợp của Zing cho thấy người vi phạm sẽ có ý thức cao hơn hẳn khi bị đánh vào kinh tế. Có lẽ một nghìn lời kêu gọi của các nhà sản xuất âm nhạc cũng không thể tác động nhanh và mạnh đến Zing như nguy cơ mất nguồn thu lớn từ quảng cáo.

Vì thế, đi đôi với việc thu phí người sử dụng các sản phẩm âm nhạc, nâng cao ý thức cho người nghe, vẫn cần những chế tài nghiêm khắc và được thực thi nghiêm túc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"
NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"

(VOV) - Nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng, việc thu phí nhạc số nửa vời từ ngày 1/11/2012 là một sự thỏa hiệp mập mờ và không có nhiều tác dụng.

NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"

NS Quốc Trung: "Thu phí nhạc số mập mờ sẽ không có tác dụng"

(VOV) - Nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng, việc thu phí nhạc số nửa vời từ ngày 1/11/2012 là một sự thỏa hiệp mập mờ và không có nhiều tác dụng.

“Nghe có ý thức” để hình thành văn hóa nghe nhạc
“Nghe có ý thức” để hình thành văn hóa nghe nhạc

(VOV) - Đây là ý thức, trách nhiệm của người dân và đồng thời để các nhạc sĩ có trách nhiệm hơn với chính sản phẩm của mình.

“Nghe có ý thức” để hình thành văn hóa nghe nhạc

“Nghe có ý thức” để hình thành văn hóa nghe nhạc

(VOV) - Đây là ý thức, trách nhiệm của người dân và đồng thời để các nhạc sĩ có trách nhiệm hơn với chính sản phẩm của mình.

Thu phí tải nhạc từ 1/11: liệu có bắt cóc bỏ đĩa?
Thu phí tải nhạc từ 1/11: liệu có bắt cóc bỏ đĩa?

(VOV) - Nhiều người cho rằng việc này là khó thực hiện. Nếu thu được tiền thì việc phân chia lợi nhuận cũng sẽ gây nhiều tranh cãi.

Thu phí tải nhạc từ 1/11: liệu có bắt cóc bỏ đĩa?

Thu phí tải nhạc từ 1/11: liệu có bắt cóc bỏ đĩa?

(VOV) - Nhiều người cho rằng việc này là khó thực hiện. Nếu thu được tiền thì việc phân chia lợi nhuận cũng sẽ gây nhiều tranh cãi.