Tiếng hát Sơn Ca

Đội Sơn Ca của Đài TNVN ra đời cách đây hơn 50 năm. Tiếng hát Sơn Ca không chỉ làm say mê các em nhỏ mà nhiều thính giả nghe đài lớn tuổi cũng rất yêu giọng hát của các em.

Ban đầu, đội vỏn vẹn có 6 em gái, từ 11 - 13 tuổi: Diệu Thuý, Bích Liên, Anh Đào, Lê Trâm, Thuý Mai, Kim Oanh. Sau mấy tháng sinh hoạt, Đội có thêm Trương Thị Thanh Huyền (tức Thanh Huyền).

Tháng 7/1957, đội Sơn Ca được thành lập, với đặc trưng của Đài, tập kỹ, được đến đâu thu thanh đến đấy. Phối cho dàn nhạc có nhạc sĩ Huy Thư và Quang Khải (hai nhạc sĩ này đã mất), phối và đệm piano có nhạc sĩ Hoàng Mãnh.

Nhiều thính giả nay đã lớn tuổi không thể quên được những bài hát đội Sơn Ca trình bày ngày ấy. Những bản thu âm đầu tiên: “Chim hót đầu xuân” của Nguyễn Đinh Tấn, “Tấm ảnh Bác Hồ” của Mộng Lân, “Chiếc khăn hồng” của Lê Đình Lực, “Quê em bừng sáng” của Mộng Lân, “Em là mầm non của Đảng” của Mộng Lân… Hàng loạt bài hát được truyền đi trên làn sóng lúc đó đã gây được nhiều ấn tượng, cảm tình với các nhạc sĩ, các bạn yêu nhạc và các em nhỏ.

Phòng thu thanh của Đài (phòng E) thời kỳ này hạn chế về trang thiết bị, máy thu chưa đồng bộ nên tổ chức thu thanh rất gọn nhẹ. Suốt mấy năm, Sơn Ca là “Đội quân thường trực”, tiếp nhập sáng tác có chọn lọc của các nhạc sĩ để thu thanh phát trên làn sóng của Đài TNVN. Từ những ngày đầu tiên ấy đã có nhiều thư bạn nghe đài gửi về khen ngợi, động viên. Nhiều nhạc sĩ như: Văn Chung, Phan Huỳnh Điểu, Hồ Bắc, Hoàng Nguyễn, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Tuyên,... thường xuyên đến tham dự sinh hoạt. Từ đó, Sơn Ca lại là động lực để các nhạc sĩ sáng tác thêm nhiều bài hát hay dành cho Sơn Ca thể hiện: “Bài ca chữ S”, “Lúa thu” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát; “Nếu ai hỏi em”, “Lượn tròn lượn khéo” của nhạc sĩ Văn Chung; “Tiến lên đoàn viên”, “Em được nghe kể chuyện Bác Hồ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên; “Bác Hồ của chúng em”, “Bức thư gửi má” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu… Các ca sĩ của Đài như Trần Thụ, Trần Khánh, Ngọc Lĩnh tự nguyện dành thời gian tới chỉ dẫn chuyên môn cho đội Sơn Ca.

Ngày 1/6/1960, đội Sơn Ca được Bác Hồ gọi tới hát vui bên Bác. Cạnh vườn hoa, trên chiếc ghế dài Bác ngồi ung dung, tươi cười nghe các cháu hát. Bác nói: “Bác nghe trên Đài, lại gặp các cháu ở đây, có mấy cháu mà hát hay lắm. Về phải học giỏi, chăm ngoan, hát hay nữa nhé!”. Sơn Ca ra đời rồi, ý của ông Trần Lâm - nguyên Tổng biên tập Đài TNVN là: “Muốn nhân rộng ra”. Vì vậy, nhạc sĩ Mộng Lân đã vất vả ngược xuôi hơn một năm trời để rồi sau đó đội Vàng Anh - Nam Định được củng cố, đội Hải Yến - Hải Phòng thành lập, đội Hạ Long - Quảng Ninh bước vào hoạt động. Các cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi mẫu giáo do Đài TNVN và các cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức, đã dấy lên phong trào ca hát tập thể của nhiều trường. Các tác phẩm của các nhạc sĩ, đội Sơn Ca làm nòng cốt thể hiện trên sóng phát thanh qua 4 cuộc vận động sáng tác từ 1960 - 1969. Tháng 9/1969, tổng kết cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi lần thứ tư, bác Tôn Đức Thắng đã đến tận Hội trường 58 Quán Sứ nghe hai đội Sơn Ca và Vàng Anh - Nam Định trình diễn.

Năm 1964, mặc dù chiến tranh đã lan ra miền Bắc, lại có một lớp mới kế tục, Sơn Ca vẫn tồn tại và lớn lên. Còn đó những Tô Lan Phương, Minh Hà, Thúy Hà, Minh Kỳ, Trọng Nghĩa, Hồng Kỳ, Như Quỳnh, Hương Giang, Hải Vân, Thu Băng… và biết bao thành viên đã từng gắn bó với Sơn Ca một thuở.

Tháng 5/1979, Bác Phạm Văn Đồng cho đội Sơn Ca vào Phủ Chủ tịch ca hát chào mừng đoàn đại biểu Thuỵ Điển đến thăm.

Qua 50 năm thành lập, lúc thịnh đạt trào dâng, có những năm lắng xuống. Không thể quên những ngày đêm Hà Nội căng thẳng, ác liệt trong chiến tranh. Như Quỳnh, Hồng Kỳ, Minh Hà vẫn bình tĩnh, tự tin cùng dàn nhạc của Đài trong một đêm thu 3 bài: “Em đang sống những ngày vẻ vang”, “Tuổi nhỏ đất nước anh hùng” của Mộng Lân, “Tự hào là em các anh” của Phạm Tuyên. Những năm này, phần lớn các sáng tác được thu bằng hình thức đơn ca cho nhanh và cũng để có thêm nhiều tiết mục mới.

Một ngày tháng 8/1967, dưới làn mưa bom của Mỹ trên thành phố dệt, các em đội Vàng Anh - Nam Định vẫn dũng cảm bên các kỹ thuật viên cùng hai nhạc sĩ Trần Viết Bính, Mộng Lân hoàn thành một chương trình ca nhạc tại Câu lạc bộ Thiếu nhi thành phố Nam Định. Xe thu thanh lưu động và các em vừa rút thì 5 phút sau, đợt hai máy bay Mỹ quay lại, một quả bom rơi đúng nơi xe thu thanh đỗ!

Những bài hát thu thanh ngày ấy, nay vẫn còn lưu giữ trong kho tư liệu và thường xuyên được sử dụng trên Đài. Chiến tranh ngày càng ác liệt, Sơn Ca tạm ngừng sinh hoạt. Nhưng hằng ngày, tiếng hát Sơn Ca vẫn vang trên sóng.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Vài tháng sau một lớp Sơn Ca mới lại đi vào hoạt động.

1978-1979, cả hai dịp hè trên con tàu Thống Nhất, Sơn Ca vào thăm TP. Hồ Chí Minh. Phối hợp với đội văn nghệ thiếu nhi của Hội Âm nhạc thành phố do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phụ trách, cùng biểu diễn ở vườn hoa Tao Đàn và một số cơ sở. Hè năm 1979, các em có dịp đi thẳng vào các tỉnh miền Tây. Biểu diễn ở Cần Thơ, Sóc Trăng, trên một xuồng máy các em tới căn cứ du kích khu Long Phú biểu diễn cho đồng bào và các bạn nhỏ xem. Sơn Ca không chỉ ở phòng thu mà còn có nhiều dịp hè đi vào thực tế của cuộc sống mọi lúc, mọi nơi.

Trong dịp đó, một đội Sơn Ca 2 cũng được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh gồm 20 em, kịp thời tập dượt các bài hát mới của nhạc sĩ phía Nam để phát trên sóng. “Sơn Ca Hà Nội, Sơn Ca Sài Gòn” cùng hòa nhịp trên làn sóng phát thanh.

Hơn 50 năm, các anh chị Sơn Ca của các thế hệ trước đã có những đóng góp quý báu rất đáng trân trọng. Ngày nay, đội Sơn Ca do Đoàn Ca nhạc Đài TNVN trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn vẫn đang đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên