Tìm hướng đi cho làng nghề: "Báu vật sống" chưa được quan tâm?

VOV.VN -Nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm là linh hồn, “báu vật sống” của làng nghề. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện để họ sáng tạo và truyền nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, hiện nay, nước ta đang có một đội ngũ nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm, năm giữ gia tài nghề truyền thống của cha ông để lại. Họ đang là những nòng cốt nuôi sống và tạo dựng thương hiệu cho làng nghề phát triển. Họ là những người rất tâm huyết với nghề, vất vả dành cả cuộc đời cho nghề. Với bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, họ đã lưu giữ được những tinh túy của nghề truyền thống, có công lớn trong việc giữ nghề.

Nghệ nhân- “báu vật sống” của làng nghề truyền thống

“Có thể nói, những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm là linh hồn của làng nghề, là “báu vật sống” nắm giữ tinh hoa của nghề truyền thống. Đó là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề tồn tại và phát triển”- ông Dần cho biết.

Trong cuộc sống hiện đại, hàng tiêu dùng công nghiệp sản xuất hàng loạt bằng máy móc tràn ngập thì trường đang lấn át hàng thủ công. Tuy vậy, hàng thủ công vẫn có chỗ đứng vì mỗi sản phẩm đều in đậm bàn tay tài hoa, sáng tạo, tinh hoa văn hóa của nghệ nhân. Ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, các sản phẩm thủ công vẫn tồn tại và mang đặc trưng văn hóa của mỗi nước.  

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam 
“Hàng thủ công muốn tồn tại và phát triển phải dựa vào sức mạnh của mình, tức là phải hàm chứ yếu tố văn hóa dân tộc. Dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, mỗi người dân Việt đều mong muốn ngôi nhà của mình có dáng vẻ và bản sắc dân tộc. Ở các điểm du lịch, du khách trong nước và quốc tế đều mua các sản phẩm độc đáo của địa phương để làm đồ lưu niệm. Nhiều làng nghề thổ cẩm đã thu hút được nhiều khách du lịch và bán được nhiều sản phẩm, cải thiện đời sống người dân”- ông Dần chia sẻ.  

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng cho rằng, nghề truyền thống đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, người thợ phải được học làm sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp với thời gian vài năm trở lên mới có thể độc lập gia công sản phẩm có giá trị hàng hóa. Các lớp dạy thủ công mỹ nghệ truyền thống 3-4 tháng  chỉ dạy cho học viên làm được sản phẩm đơn giản hoặc một công đoạn nào đó của sản phẩm. Các học viên tốt nghiệp các lớp này không được tổ chức sản xuất hoặc không có thợ cả  hướng dẫn thì việc học nghề chắc chắn sẽ không có tác dụng.

“Chính vì thế trong công tác dạy nghề truyền thống rất cần những nghệ nhân, thợ giỏi, thợ cả tham gia. Có một số nghệ nhân đã được mời tham gia các lớp dạy nghề truyền thống, nhưng còn rất nhiều nghệ nhân, thợ giỏi, cưa được mời tham gia các lớp giảng dạy”- Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt chia sẻ.

Chưa có chính sách trọng dụng nhân tài đúng mức

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, nghệ nhân giữ vai trò quan trọng như vậy nhưng nhiều năm qua chưa nhận được quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp chính quyền và cả xã hội. Trước đây, các làng nghề đã có lúc xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống có mức sống cao từ 3-5 lần mức sống của các nghề thuần nông.. Chính những nơi này đã là bộ mặt trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng hiện nay, các làng nghề đang phải giải quyết hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nhức nhối…

Ông Nguyễn Thiện Nhân đi khảo sát một làng nghề tại Nam Định
“Nhiều nghệ nhân muốn vay vốn nhưng không được vay ưu đãi, từ đó ảnh hưởng lớn tới công việc sản xuất và đời sống của họ. Chưa có chính sách nào hỗ trợ nghệ nhân phát huy tài năng sáng tạo. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng ngày càng già yếu, sức khỏe giảm và bị rơi vào quên lãng. Dường như trong lĩnh vực này chưa có chính sách trọng dụng nhân tài. Nhiều nghệ nhân cứ âm thầm, lặng lẽ làm việc mà không có bất kỳ sự quan tâm nào”- ông Dần cho biết.

Trong thời gian gần đây, Hiệp hội làng nghề Việt Nam được Nhà nước cho phép vinh danh và tôn vinh nghệ nhân. Từ năm 2007 đến nay, Hiệp hội đã vinh danh được 57 làng nghề tiêu biểu, 331 nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 94 đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu, 89 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu, 35 thợ giỏi làng nghề Việt Nam.

Trong số 35 nghệ nhân quốc gia đã được Nhà nước phong tặng, có 81% là nghệ nhân làng nghề Việt Nam được  Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân.

“Hoạt động tôn vinh làng nghề và nghệ nhân làng nghề đã có tác dụng rất lớn trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển làng nghề, chăm sóc nghệ nhân làng nghề gìn giữ và phát triển tinh hoa của nghề truyền thống”- ông Dần nói. 

Tuy nhiên, việc phong tặng nghệ nhân lại bộc lộ rõ nhiều điểm chưa hợp lý. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam  cho rằng: “muốn giữ nghề thì Nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các nghệ nhân, sớm hoàn thiện các quy định về chế độ ưu đãi, công nhận danh hiệu nghệ nhân cho họ. Lâu nay, nhiều nghề truyền thống bị mai một và phải nói rằng muốn cứu vãn cũng không được vì quá muộn và không có cơ chế tốt, trong khi các nghệ nhân trẻ thì thiếu vắng”.

Phải tạo mọi điều kiện để nghệ nhân sáng tạo và truyền nghề

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh kể câu chuyện trong một ông sang Nhật, được Thứ trưởng Bộ Công thương dẫn đến một lò gốm. Chủ lò gốm biếu ông 1 cái chén mắt trâu rất bé. “cái chén này tôi có để ngoài đường thì trẻ con cũng không nhặt. Nhưng khi tôi ra phòng giới thiệu sản phẩm, cái chén đó có giá 105 USD. Tôi hỏi ông Thứ trưởng tại sao đắt thế? Ông Thứ trưởng trả lời “Ngài nói đúng, cái chén chỉ vài USD, nhưng chữ ký của ông nghệ nhân đáng giá 100 USD.  Ngài thử lật cái chén xem, chữ ký nghệ nhân ở đáy chén đáng giá 100 USD”. Câu chuyện đó để hiểu vì sao vai trò của nghệ nhân lại quan trọng trong phát triển làng nghề đến vậy.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam
Ông Lưu Duy Dần cũng cho rằng, việc tuyển chọn nghệ nhân tiêu biểu ở các địa phương cũng không rõ ràng, nơi thì ngành Công thương, nơi thì ngành Công nghiệp và phát triển nông thôn. Việc tổ chức phong tặng cũng không gây ra được sự chú ý trong dư luận xã hội. Các buổi tổ chức phong tặng thường được tổ chức im lìm ở các phường, xã.

“Điều quan trọng là sau khi được phong tặng, vị thế của nghệ nhân được nâng cao, được tham gia bàn bạc các chính sách của Nhà nước như đào tạo, truyền dạy nghề cho lớp trẻ, bảo vệ thương hiệu làng nghề, có được quan tâm chăm sóc về đời sống và điều kiện làm việc để phát huy nghề Tổ”- ông Dần cho biết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, một trong các  nhiệm vụ trọng tâm để phát triển làng nghề là phải tôn vinh nghệ nhân. “Ở từng địa phương, các sản phẩm truyền thống xem xét xây dựng phòng truyền thống, có thể lưu danh, lưu sản phẩm của các nghệ nhân”.

Có thể thấy rằng, muốn phát triển làng nghề truyền thống, việc đào tạo truyền dạy nghề đang là một công việc bức thiết, không phải nhất thời mà cần phải có tầm chiến lược, lâu dài. Trong chiến lược này, cần phải quan tâm đặc biệt tới các nghệ nhân- “báu vật sống” tài hoa, giàu kinh nghiệm, tạo mọi điều kiện để họ truyền đạt kinh nghiệm  quý giá mà họ đã tích lũy cả đời, trong đó có cả bí quyết nghề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tìm hướng đi cho làng nghề:Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bàn giải pháp
Tìm hướng đi cho làng nghề:Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bàn giải pháp

VOV.VN -Bộ Công thương sẽ làm tốt hơn là cầu nối cho sản phẩm làng nghề Việt Nam vươn ra hội nhập với các sản phẩm làng nghề trong khu vực.

Tìm hướng đi cho làng nghề:Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bàn giải pháp

Tìm hướng đi cho làng nghề:Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bàn giải pháp

VOV.VN -Bộ Công thương sẽ làm tốt hơn là cầu nối cho sản phẩm làng nghề Việt Nam vươn ra hội nhập với các sản phẩm làng nghề trong khu vực.

Tìm hướng đi cho làng nghề: Lực bất tòng tâm?
Tìm hướng đi cho làng nghề: Lực bất tòng tâm?

VOV.VN -Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Hiệp hội cũng đã có nhiều giải pháp trợ giúp làng nghề, nhưng “lực bất tòng tâm”

Tìm hướng đi cho làng nghề: Lực bất tòng tâm?

Tìm hướng đi cho làng nghề: Lực bất tòng tâm?

VOV.VN -Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Hiệp hội cũng đã có nhiều giải pháp trợ giúp làng nghề, nhưng “lực bất tòng tâm”