Tìm hướng đi cho làng nghề:Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bàn giải pháp
VOV.VN -Bộ Công thương sẽ làm tốt hơn là cầu nối cho sản phẩm làng nghề Việt Nam vươn ra hội nhập với các sản phẩm làng nghề trong khu vực.
Theo số liệu của cơ quan Hải quan, năm 2014, riêng xuất khẩu mây tre, cói thảm đã đạt 250,6 triệu USD và xuất khẩu gốm sứ đạt 508,2 triệu USD. Có nhiều làng nghề trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ...
Báo cáo sơ bộ của 60/63 Sở Công thương cho biết, cả nước có khoảng 2.886 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút gần 3 triệu lao động, trong đó có 1.539 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Riêng Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, có trên 175.000 hộ sản xuất với gần 800.000 lao động với trên 8.000 công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 Hội, Hiệp hội; thu nhập bình quân đạt khoảng 25 triệu đồng/người/năm; trong đó có 287 làng nghề được công nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thách thức trên đặt ra yêu cầu phải nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa làng nghề, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề xuất một thỏa thuận hợp tác giữa các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam để thúc đẩy các làng nghề phát triển.
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về các sản phẩm của làng nghề Việt Nam hiện nay?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh rất nhiều thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với những sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Đặc điểm sản phẩm làng nghề truyền thống là sản phẩm của hộ sản xuất mang tính gia đình, cá nhân nên khi có những yêu cầu lớn về số lượng và cạnh tranh sản phẩm các làng nghề của các nước khác trong khu vực có đầu tư KHCN có năng suất cao hơn, mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp hơn thì sản phẩm làng nghề Việt Nam phải đương đầu thách thức.
Sản phẩm làng nghề Việt Nam có những chủng loại được sản xuất từ rất lâu đời, nhưng hiện nay để vươn lên đáp ứng yêu cầu thị trường mang tính chất công nghiệp chất lượng cao hơn mẫu mã phong phú hơn thì chúng ta trong nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được.
Quy mô của các hộ tại các làng nghề nhìn chung vẫn nhỏ, khó khăn về mặt bằng, tiếp cận vốn, tiêu thụ sản phẩm. Nếu muốn đứng vững muốn nâng cao hiệu quả của các làng nghề truyền thống thì có nhiều khó khăn phải vượt qua không chỉ bản thân các làng nghề mà cần có sự trợ giúp, tháo gỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn cho làng nghề?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề Việt Nam, không phải chỉ là thị trường trong nước và nước ngoài không phải là trách nhiệm của riêng một cơ quan nào, nhưng trước hết là các Bộ, ngành được chính phủ phân công trực tiếp giúp Chính phủ trong việc phát triển làng nghề Việt Nam gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài nguyên Môi trường.
Về phía Bộ Công thương, trước hết nâng cao hơn hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Trong đó có việc tạo điều kiện cho các cơ sở làng nghề được tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm của mình, như tham gia hội chợ triển lãm tham gia các đoàn đi nước ngoài khảo sát, nắm bắt thị trường.
Thứ 2 là chương trình khuyến công đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho những cá nhân đang hoạt động tại các làng nghề Việt Nam.
Thứ 3 là gắn sản xuất của các làng nghề với chương trình đưa sản phẩm hàng Việt về các thị trường, tham gia cuộc vận động „người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“ để góp phần tiêu thụ các sản phẩm của các làng nghề truyền thống.
Tăng cường hoạt động truyền thông và thông tin trong bối cảnh hội nhập. Ngày 31/12, khi cộng đồng ASEAN được thành lập thì rõ ràng sân chơi của chúng ta rộng hơn rất nhiều, không chỉ có 90 triệu người dân Việt Nam. Thách thức thì không nhỏ, nhưng cơ hội rất lớn. Vai trò của Bộ Công thương là làm tốt hơn là cầu nối cho sản phẩm làng nghề Việt Nam vươn lên bắt nhịp và hội nhập với các sản phẩm làng nghề trong khu vực.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.