Toạ đàm quy hoạch và bảo tồn di sản văn hoá ở Hà Nội

Làm thế nào để quy hoạch mà vẫn giữ được nét đẹp di sản của Thủ đô Hà Nội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Ngày7/5, tại Hà Nội, báo Đại Đoàn Kết tổ chức toạ đàm “Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hoá ở Thủ đô Hà Nội-Trường hợp quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Làm thế nào để quy hoạch mà vẫn giữ được nét đẹp di sản của Thủ đô Hà Nội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Với hơn 5.000 di tích lịch sử, hơn 1.300 làng nghề truyền thống, đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với các nhà quy hoạch khi xây dựng đồ án Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho rằng: lâu nay, chúng ta chỉ làm bảo tồn những thứ đã phát hiện ra, còn những cái ở dưới lòng đất hoặc trong hồ, ao thì chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Chính vì thế dẫn tới trường hợp là đào đâu cũng thấy hiện vật, nhưng sau đó cũng không có ai quan tâm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn nói: “Về nguyên tắc một số bảo tồn tại chỗ, một số sẽ lấp xuống. Tất nhiên phải nghiên cứu xử lý sao cho hài hòa, phù hợp cảnh quan. Bảo tồn di vật dưới lòng đất chúng ta chưa có kinh nghiệm và vấn đề kinh phí lâu dài cũng rất khó khăn.Theo tôi việc số một của bảo tồn di tích phải bảo tồn cảnh quan nếu không sẽ mất cảm xúc về khu di tích”.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Doãn Tuân-Trưởng ban di tích và danh thắng Hà Nội thì cho rằng: Vấn đề đặt ra cần bảo tồn cái gì, cái gì cần giữ và nên giữ, cần đặt ra để từ đó mới đưa ra quy hoạch khả thi.

Bà Đỗ Tú Lan – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho rằng: Đồ án quy hoạch Hà Nội vẫn duy trì ý tưởng giữ gìn trung tâm phố cổ, từ đó phát triển dần ra các vùng vành đai. Khu phố cổ chính là trung tâm không thể xâm phạm: “Có những thách thức giằng co với kinh tế thị trường đã đang là sức ép. Chúng tôi đã có  kiến nghị lên chính phủ tạm dưng các công trình cao tầng ở khu vực trung tâm”.

Nhiều đại biểu cho rằng việc bảo tồn các di sản văn hóa ở Hà Nội lâu nay chưa được hành động cụ thể. Để quy hoạch và bảo tồn đồng hành cùng với mục tiêu phát triển Hà Nội, cần nhiều hơn nữa những cuộc gặp gỡ giữa các nhà quy hoạch, nhà nghiên cứu văn hoá và những người làm công tác bảo tồn di sản./.                                         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên