TPHCM: Cải lương, kịch nói bao giờ bớt chật vật?
VOV.VN - Nhiều nghệ sĩ cho rằng, nếu không sớm có những giải pháp thiết thực thì cải lương, kịch nói rất khó phục hồi chứ đừng mong ngày càng phát triển.
Là loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Nam vốn một thời hưng thịnh, thế nhưng nhiều năm nay, cải lương và kịch nói đang rơi vào giai đoạn thoái trào vì nhiều lý do. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, nếu không sớm có những giải pháp thiết thực thì cải lương, kịch nói rất khó phục hồi chứ đừng mong ngày càng phát triển.
Theo nhiều nghệ sĩ, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì nghệ thuật sân khấu cải lương tại TPHCM hiện nay đang trong thời kỳ suy kiệt, khủng hoảng toàn diện. Kịch nói, loại hình nghệ thuật một thời ăn khách nay cũng không ngoại lệ khi rất nhiều vở diễn được đầu tư công phu vẫn “trắng ghế” do khán giả không còn mặn mà.
Hơn 20 năm đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu cải lương và kịch nói, TPHCM đã tạo ra một sân chơi nghệ thuật lành mạnh, sôi động nhằm đa dạng hóa nhu cầu chọn lựa của khán giả. Thế nhưng, suốt một thời gian dài do vướng cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, kịch bản, đội ngũ nghệ sĩ… nhiều đoàn cải lương, nhiều sân khấu kịch phải chấp nhận ngừng hoạt động dù rất yêu nghề.
Nghệ sĩ Thanh Bạch trải lòng về khó khăn của nghề biên kịch |
Nghệ sĩ Thanh Bạch, người gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực kịch nói tâm tư: “Bây giờ với việc viết 1 kịch bản, người biên kịch sống không nổi. Cái gì ở trong tim mình thì nó không bao giờ phai mờ hay thay đổi nhưng vì mưu sinh, nhiều nhà biên kịch phải chuyển qua làm nghề khác. Cho nên, bây giờ chúng ta phải nâng cao đời sống cho họ bằng cách tăng thù lao hoặc đưa ra những giải thưởng cho những chương trình biên kịch”.
Trong khi đội ngũ soạn giả, biên kịch gạo cội ngày càng rơi rụng thì một bộ phận tác giả trẻ đang cuốn theo dòng xoáy thị trường khiến nhiều kịch bản bị biến chất. Sự chuyên nghiệp trong việc sáng tác, dàn dựng các vở diễn ngày càng nghèo nàn, thay vào đó là những bù đắp theo kiểu mua vui cho người xem với mong muốn giữ chân khán giả. Nhiều nghệ sĩ cảnh báo, nếu cứ theo hướng đi này, nghệ thuật sân khấu sẽ lụi tàn.
Không những khó khăn về tài chính mà sự thiếu thốn trầm trọng các sân khấu biểu diễn đúng tầm cũng đang đẩy cải lương, kịch nói vào ngõ cụt. TPHCM hiện có đơn vị biểu diễn cải lương công lập duy nhất là Nhà hát Trần Hữu Trang thì không dễ vào nên nhiều đoàn xã hội hóa phải ngậm ngùi rút tiền túi bù lỗ đi thuê sân khấu tư nhân. Hàng chục sân khấu kịch từ lớn đến nhỏ cũng trong tình trạng thuê mướn tạm thời nên rất khó đầu tư.
Sau hơn 40 năm gắn bó với sân khấu kịch nói, nay ngồi nghĩ lại, nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân vẫn thấy xót xa: “Toàn là chúng tôi phải thuê mướn mặt bằng, vậy nên chúng tôi bị hạn chế về nhiều thứ. Muốn làm tốt cũng không làm được vì đó là nhà của người ta. Thời đại này không nên nhắc nhớ lại quá khứ là chúng ta có từng rạp ở các quận nữa mà chúng ta sẽ đi đến các nhà hát đúng chuẩn để cho các đơn vị được hoạt động”.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng cần những thay đổi đột phá để cứu cải lương, kịch nói. |
Theo nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng, muốn cải lương, kịch nói hay bất kỳ loại hình nghệ thuật truyền thống nào được bảo tồn và phát triển đều cần có sự đầu tư toàn diện, nghiêm túc. Trong đó cần tập trung vào khâu sáng tác, quảng bá tác phẩm và tạo được những địa điểm biểu diễn đột phá thì mới mong đủ sức hút khán giả trong thời đại có quá nhiều loại hình nghệ thuật để chọn lựa như hiện nay.
Muốn làm tốt 3 khâu này, nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng cho rằng các sở ngành liên quan phải có cách chi trả hợp lý và sự can thiệp đúng mực vào những tác phẩm của đội ngũ văn nghệ sĩ.
“Với văn học nghệ thuật, chúng ta phải tính toán đến vấn đề tài chính và việc thanh toán như thế nào. Khi chúng ta giao cho nghệ sĩ tiền thì phải cho người ta chủ động để sáng tạo miễn người ta đừng vi phạm pháp luật. Còn hiện nay 1 tác phẩm đem về bó buộc nhiều thứ làm cho người ta không thể sáng tác được, rồi làm xong để thanh toán về tài chính là cả một cực hình” - Nghệ sĩ Ca Lê Hồng chia sẻ.
Cùng suy nghĩ, nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long cho rằng nếu chỉ dừng lại ở mức 6-7 triệu đồng một tác phẩm như cách nhiều đơn vị đang trả cho các đạo diễn uy tín như hiện nay thì không rất khó để thuyết phục họ gắn bó với nghề. Thế nhưng, “ông bầu” Kim Tử Long cho rằng, điều đáng lo ngại nhất hiện nay không phải là tài chính mà chính là thế hệ nghệ sĩ kế thừa.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long trăn trở: “Nhiều người hiện nay đứng lớp để dạy các bạn nghệ sĩ tương lai cũng chưa đủ tay nghề, chưa đủ kinh nghiệm, chỉ có bằng cấp mà thôi, thành ra nhiều em bước lên sân khấu tập luyện hay diễn không biết làm gì cả. Theo tôi, đây là điều giết chết cải lương từ trong trứng”.
Nhiều nghệ sĩ kịch nói, cải lương tại TPHCM cho rằng, họ không cần những sân khấu quá lớn, những dự án đầu tư quá quy mô mà thực sự chỉ cần sân khấu đúng tầm và phù hợp để sáng đèn mỗi đêm. Và họ cần sự đồng hành của chính quyền, sự đồng cảm của khán giả trong mỗi bước đổi mới, sáng tạo để giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống./.