Cải lương Tây Đô giữ mãi ngọn lửa đam mê
VOV.VN - Đoàn cải lương Tây Đô (thành phố Cần Thơ) đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn và bảo tồn giá trị loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương.
Hơn 100 năm hình thành và trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, cải lương không chỉ là “đặc sản nghệ thuật” của vùng đất Tây Đô, mà còn là tài sản chung của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đoàn cải lương Tây Đô (thành phố Cần Thơ) luôn quyết tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Thời gian qua, sân khấu cải lương ít được quan tâm, có nguy cơ bị mai một do nhiều nguyên nhân. Trong đó có quá nhiều phương tiện giải trí trên mạng xã hội và các loại hình nghệ thuật phát triển, nhất là những vở diễn mới đặc sắc và nhạc trẻ nên sân khấu cải lương dần mất đi vị trí trong lòng khán thính giả.
Ảnh minh họa. |
Nghệ sĩ Võ Hồng Thủy - một nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương Tây Đô chia sẻ: dù còn đó những khó khăn khi gắn bó với loại hình nghệ thuật này, nhưng chị vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, để mang đến cho bà con gần xa một “món ăn tinh thần độc đáo của dân tộc”.
“Vất vả thì dĩ nhiên là phải có, đôi khi cũng rất là vất vả luôn. Nhưng mà bằng niềm đam mê, thì những vất vả đó không đáng kể đối với anh em nghệ sĩ. Mình là một nghệ sĩ trẻ, thì mình phải trau dồi thêm nghề nghiệp cũng như là đạo đức để trước tiên là phục vụ cho bà con địa phương, kế đến là phục vụ bà con cả nước nói chung, cống hiến hết mình cho nghệ thuật sân khấu nước nhà cũng như là bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”, nghệ sĩ Võ Hồng Thủy chia sẻ.
Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc nhà hát Tây Đô cho biết: Đoàn cải lương Tây Đô hiện có hơn 20 diễn viên, nghệ sĩ luôn tâm huyết với nghề. Mỗi năm, Đoàn phục vụ cho bà con khắp các quận, huyện hơn 50 suất diễn. Do vậy, nhà hát Tây Đô đã và đang tranh thủ mọi điều kiện từ sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị. Để từ đó, các anh, chị, em nghệ sĩ không chỉ luôn gắn bó với cải lương, mà còn tỏa sáng trên sân khấu.
Ông Khánh chia sẻ thêm: “Chúng tôi kiến nghị Sở tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tiền bồi dưỡng để anh em có cuộc sống đầy đủ, để từ đó anh em có cơ sở gắn bó lâu dài hơn với nghề sân khấu cải lương, gắn bó lâu hơn nữa với Tổ nghiệp của mình. Với chủ trương của Sở thì cũng cố gắng là tạo điều kiện để anh em giao lưu với tỉnh bạn, tăng cường học tập, tập huấn để anh em nâng cao tay nghề hàng tháng, hàng năm. Đó cũng là điều kiện để tham gia hội thi, hội diễn sân khấu toàn quốc, Giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, … Ngoài công tác phục vụ, thì chúng tôi cũng tập trung cho các cuộc thi chuyên nghiệp.”
Để sân khấu cải lương luôn thu hút công chúng, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, bồi dưỡng chuyên môn nhằm giúp các diễn viên, nghệ sĩ phát huy tài năng nghệ thuật, thì điều quan trọng nhất là cần có những kịch bản hấp dẫn, đặc sắc, có sức sống lâu dài. Chính vì thế, thành phố Cần Thơ không ngừng khuyến khích các văn, nghệ sĩ sáng tác nên các tác phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện nay.
Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu Cần Thơ nêu rõ: “Hội Sân khấu chúng tôi rất là quan tâm chuyện này, nên lần đầu tiên Hội Sân khấu chúng tôi mở trại sáng tác kịch bản dài, để phục vụ cho sân khấu Cần Thơ, phải nói là rất thành công. Tiếp tục Hội Sân khấu cải lương sẽ mở trại sáng tác kịch bản chập cải lương và kịch bản tài tử, để phục vụ Festival Đờn ca tài tử, cũng vừa có những kịch bản hay để anh em nghệ sĩ Tây Đô đi diễn phục vụ nhân dân.”.
Gần 30 năm qua, Đoàn cải lương Tây Đô dần khẳng định được vị trí của mình, trở thành cái nôi của nhiều nghệ sĩ tài danh, được khẳng định bằng nhiều giải thưởng, huy chương; một số diễn viên là đào kép chánh được ưu ái trên các sân khấu lớn.
Đoàn đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi như: hai lần đoạt huy chương vàng toàn đoàn Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 và 2000; ba lần đoạt huy chương bạc toàn đoàn Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, 2015 và năm 2018 cùng một số bằng khen của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Đến nay, lực lượng nghệ sĩ trẻ của đoàn ngày càng thể hiện được bản lĩnh, tài năng trên sân khấu. Họ đã gặt hái được nhiều thành tích, đạt hơn 16 huy chương vàng, 21 huy chương bạc trong các hội thi, hội diễn toàn quốc; 1 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND (2016) và đang đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT cho 1 nghệ sĩ.
Có thể khẳng định rằng, từ nhiều năm qua, Đoàn cải lương Tây Đô (thành phố Cần Thơ) đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn và bảo tồn giá trị loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương. Nhiều vở tuồng mới đã và đang được sáng tác, trình diễn phục vụ công chúng ở khắp nơi trong và ngoài thành phố Cần Thơ./.