Tranh Đông Hồ sắp “ứng cử” di sản văn hóa phi vật thể

Theo quyết định mới nhất của Bộ VH,TT&DL, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ được đưa vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO để xin xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể trong giai đoạn 2012- 2016.

Hiện nay, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức về ý tưởng này, tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn được yêu cầu tiếp tục tiến hành nghiên cứu và lập hồ sơ cho dòng tranh này để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đám cưới chuột - một tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Là dòng tranh khắc gỗ xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), tranh Đông Hồ thường được sử dụng để trang trí trong dịp Tết và đã quen thuộc với người dân Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Từ giữa năm 2001, tỉnh Bắc Ninh đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ về tranh Đông Hồ để đệ trình UNESCO. 

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết. Tranh gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình học. Ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều. Tuy thế tranh Đông Hồ đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên