Trùng tu di tích bằng cuốc, xẻng: Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc nhận sai phạm
VOV.VN -Ông Kim Văn Hoa Quýnh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, quá trình thi công đã để xảy ra 3 sai phạm đáng tiếc.
Thời gian qua, trước thông tin VOV.VN đưa về việc thi công, hạ giải bằng cuốc, xẻng trong quá trình trùng tu đình Tiên Canh (hay còn gọi là Tiên Hường), thuộc Cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gây bức xúc trong dư luận, sáng 1/7, đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch do ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, xem xét thực tế tại công trình, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đình Tiên Canh.
Quá trình xem xét bước đầu cho thấy, hiện tại, đơn vị thi công đã hạ giải phần ngói lợp, rui, hoành và 9/14 mảng chạm khắc hoa văn, chưa hạ giải các cấu kiện kiến trúc gỗ lớn (cột, dầm, xà…), tất cả đã được xếp gọn, đánh dấu. Tuy nhiên, phần ngói cơ bản hỏng hết.
Ông Phạm Xuân Phúc khẳng định: “Quá trình thi công từ hạ giải, việc tháo ngói gây phản cảm, không phù hợp với công trình, dự án tu bổ di tích lịch sử, văn hóa”.
Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc nhận sai phạm
Với tư cách là chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đình Tiên Canh, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ về những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Kim Văn Hoa Quýnh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, quá trình thi công đã để xảy ra 3 sai phạm đáng tiếc.
Thứ nhất, trong quá trình thi công, theo nguyên tắc, đơn vị thi công thay vì hạ giải ngói theo từng lớp đã hạ giải ngói ồ ạt, sử dụng một số công cụ hạ giải gây phản cảm trong dư luận, ngói rơi gây sứt một số chi tiết trong các mảng chạm khắc. Ông Quýnh giải thích rằng: “Trong toàn bộ hồ sơ thiết kế công trình đã được phê duyệt, 90% ngói sẽ thay mới, vì thế đơn vị thi công chủ quan, hạ giải ngói không đúng quy trình. Hơn nữa, đình đã tồn tại hơn 300 năm, qua quá nhiều lần các cụ sửa, chắp nối các loại gỗ, không còn nguyên bản nữa, hệ thống kèo, hệ thống xà, dui mè mục nát, nếu như hạ giải ngói theo từng lớp thì sẽ rất nguy hiểm”.
Sai phạm thứ hai, theo ông Quýnh, đó là chưa xây dựng hoàn thiện nhà kho, lán trại bảo vệ, bảo quản các cấu kiện, thành phần kiến trúc đã tiến hành hạ giải. Sau khi hạ giải phần ngói, nhà bảo quản cấu kiện mới chỉ làm tôn bao mái, chưa làm nền, cho nên một số cấu kiện gỗ phải để ngoài sân, ngay trước cửa đình phủ bạt lên.
Thứ ba, đơn vị thi công giám sát thường xuyên vắng mặt, thậm chí cả ở ngày hạ giải. Ông Quýnh cho rằng, chủ đầu tư cũng có trách nhiệm khi đơn vị giám sát không làm tròn nhiệm vụ của mình.
Trước những sai phạm nêu trên, ông Quýnh khẳng định: “Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khẩn trương hội ý và hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm, giao cho các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi và đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu tạm dừng thi công để làm toàn bộ các hạng mục cho đúng quy định. Sở cũng đã xuống kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình từ khâu đánh dấu, đánh số, xếp các thứ vào nhà bảo quản, nhắc nhở đơn vị thi công đưa tất cả các cấu kiện vào nhà bảo quản, lưu ý chống mối, chống hỏa hoạn và chống mất cắp”.
Hiểu sai dẫn đến sai phạm
Sau khi nghe đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc trình bày, ông Trần Đình Thành, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Bộ VHTT&DL đại diện cho đoàn thanh tra đưa ra kết luận, đồng ý với 3 nội dung xảy ra sai phạm. Tuy vậy, đơn vị chủ đầu tư là Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã nhanh chóng khắc phục.
“Qua kiểm tra, ngoài vi phạm, hiện tại, các cấu kiện của di tích đã được tháo dỡ và đưa vào nhà kho bảo vệ. Nhà bao che, bảo quản cấu kiện đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng được nguyên tắc về tháo dỡ, hạ giải, xây dựng công trình nhà bao che theo Thông tư 18, năm 2012 của Bộ VHTT&DL ban hành. Các mặt chạm hiện còn trên các bộ phận kiến trúc, về cơ bản vẫn được bảo quản tốt. Hiện tượng sứt vỡ rất hãn hữu. May mắn là mức độ ảnh hưởng của việc tháo dỡ hạ giải phần mái ngói không đúng quy trình đến các trang trí, các bức sơn son thếp vàng ở di tích… rất hạn chế”, ông Thành kết luận.
Ông Trần Đình Thành cũng lý giải nguyên nhân dân đến việc đơn vị thi công “hành xử thô bạo” với phần mái ngói, khi dựa vào hồ sơ thiết kế 90% thay ngói mới. Theo ông, thông tư 18 quy định rất rõ việc điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Chúng ta không dựa vào đánh giá trong hồ sơ thiết kế quy định 90% cho phép loại bỏ phần ngói để tu bổ, tháo dỡ hạ giải. Số % đấy sẽ được quyết định cuối cùng sau khi hạ giải.
“Trước tiên, phải hạ giải ngói theo đúng quy trình, sau đó mới thành lập tổ thẩm định chất lượng ngói, để tái sử dụng hệ thống ngói đấy. Không thể nói là dựa vào hồ sơ thiết kế mà đề xuất hạ giải ngói theo việc xô ngói như vừa qua”, ông Thành nói.
Đoàn thanh tra Bộ VHTT&DL yêu cầu chủ đầu tư, cũng như đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế giám sát cũng như chính quyền địa phương ý thức được trách nhiệm của mình trong việc này, qua đó nhanh chóng khắc phục những khiếm quyết, đảm bảo trùng tu đúng tiến độ, đúng quy trình.
Trong việc tu bổ ngôi đình sau khi hạ giải, Cục Di sản sẽ phối hợp và cử cán bộ tham gia đánh giá cấu kiện sau khi hạ giải, cùng với chủ đầu tư, để làm sao bảo vệ tối đa cấu kiện, kiến trúc có giá trị./.