Vì sao Bụi đời Chợ Lớn khốn đốn?
Cuối cùng số phận của phim Bụi đời Chợ Lớn cũng được quyết định khi Cục Điện ảnh thông báo, bộ phim chính thức bị cấm ra rạp.
Một cảnh quay trong Bụi đời Chợ Lớn |
Trong văn bản được phát ra trước đó, Cục Điện ảnh đã đưa ra lý lẽ cho hành động chưa cấp phép cho bộ phim này ra rạp như dự kiến, trong đó dễ thấy ngoài việc phim đã vi phạm quy trình xin cấp phép như Cục Điện ảnh chỉ ra, thì lý do bao trùm đó là những cảnh bạo lực máu me giữa các băng nhóm giang hồ mà “không hề có sự can thiệt của công an hay chính quyền địa phương”.
Cùng với thông tin chính thức về số phận vốn nhiều long đong của Bụi đời Chợ Lớn, Cục điện ảnh cũng phát đi một thông tin cho rằng sẽ dành một buổi chiếu duy nhất dành cho những phóng viên theo dõi mảng điện ảnh. Nếu điều này được thực hiện thì sẽ là một động thái rất hiệu quả giúp các phóng viên có được một hình dung chân thực nhất về bộ phim nhiều tranh cãi và từ đó đưa ra được những quan điểm chính xác của mình.
Việc dành một suất chiếu riêng cho các phóng viên cũng đã từng được đề nghị trước đó, tuy nhiên với lý do phim chưa được cấp phép phổ biến, nên lãnh đạo Cục Điện ảnh đã từ chối điều này. Chính bởi vẫn là một ẩn số, nên sự khen chê dường như vẫn rơi vào sự quẩn quanh của những thông tin được rỉ ra từ hai phía.
Một là từ những nhận định của Cục Điện ảnh, hai là từ phía nhà sản xuất phim bao gồm cả đạo diễn và diễn viên. Mà thường từ hai phía này, mỗi bên có quyền đưa ra những thông tin cảm thấy có lợi cho họ.
Người viết bài này dĩ nhiên cũng chưa được xem phim nên cũng khó có thể đánh giá được việc không cấp phép phổ biến đối với Bụi đời Chợ Lớn là đúng hay không, chỉ xin đề cập đến một quan điểm khác “Nếu phim được phép công chiếu thì có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam đối với các nước khác không và trước nhất là có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và kích thích xu hướng bạo lực ở trong nước hay không ?”.
Ở lo ngại thứ nhất, việc này không phải là không có cơ sở. Ai đó có thể lý giải rằng, đây không phải là một bộ phim tài liệu nên nó không phải mô tả một cách chính xác như hiện thực diễn ra mà có thể cường điệu hóa nó theo các mô thức của điện ảnh. Đây là một quan điểm phổ biến ở nhiều quốc gia khác.
Trên trường quay phim Bụi đời Chợ Lớn |
Chẳng thể mà nước Mỹ có thể cho ra đời Nhà Trắng thất thủ, chẳng thế mà cảnh bắt cóc chính khác, tống tiền nguyên thủ hay hủy diệt loài người vẫn là đề tài được các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng, hình ảnh của một đất nước thường được lan tỏa có hiệu quả thông qua phim ảnh.
Tại liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc tế đã thừa nhận họ biết đến Việt Nam qua những bộ phim của chúng ta với đề tài chủ yếu là chiến tranh. Ở đó, họ thấy được người Việt Nam kiên cường trong chiến đấu, người Việt Nam lạc quan trong bom đạn... và từ đó đến nay hình ảnh Việt Nam dường như bất biến trong họ bởi những quá khứ xa xưa của điện ảnh nước nhà như thế.
Hình ảnh Việt Nam tươi đẹp ngày nay cũng không phải không xuất hiện trong điện ảnh. Mới đây nhất bộ phimCát nóng của đạo diễn Lê Hoàng đã thực sự xứng đáng là một bộ phim đẹp về cảnh sắc thanh bình của nước ta. Tuy nhiên, đó lại là một bộ phim nhạt với nhiều tình tiết phi logic, mà đối với một bộ phim như thế việc kéo người xem lại với màn hình đã khó, thì thật khó đòi hỏi người xem cảm nhận được cái đẹp, thanh bình của đất nước ta qua phim ảnh.
Thế nên, chẳng ai dám chắc việc Bụi đời Chợ Lớn được phố biến sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nước ta. Và một khi lo ngại đó xảy ra, những người quản lý vẫn phải có lựa chọn an toàn cho mình.
Ở một khía cạnh khác, có lẽ việc định danh một địa chỉ có thật là “Chợ Lớn” là một lựa chọn không khôn khéo cho lắm. Nếu nó là một địa danh không xác định, biết đâu số phận của nó sẽ khác đi và “Bụi đời... chẳng phải lâm nguy vì khốn đốn”./.