Vĩnh biệt Phó Đức Phương, một mảnh ghép của "Bộ tứ sông Hồng"
VOV.VN - Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Dương Thụ - bốn gương mặt lớn của âm nhạc đương đại Việt Nam được gắn kết với cái tên Bộ tứ sông Hồng.
Đằng sau danh xưng “Bộ tứ sông Hồng” là câu chuyện của 4 nhạc sĩ - 4 cá tính âm nhạc, 4 phong cách sống khác nhau nhưng cùng “gắn bó bởi nỗi nhớ về một thời trải qua chiến tranh, một thời đổi mới, một thời đầy vui, buồn, đầy đắng cay và cả những oan ức” như những gì nhạc sĩ Trần Tiến đã nói.
Họ là những gương mặt đại diện cho một thế hệ bản lề của âm nhạc đương đại Việt Nam. Những tác phẩm của họ vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc, lại vừa thấm đẫm tình quê, tình đất, tình người.
Thụ “sang” - Cường “hoang” - Phương “tàng” - Tiến “lãng”
Từ những năm 1960, 4 nhạc sĩ Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến và Nguyễn Cường đã bắt đầu quen biết và chơi với nhau. Một lần, bốn ông rủ nhau đi chơi ở hồ Tây (Hà Nội) và được một người nhiếp ảnh dạo chụp cho tấm ảnh chung.
Ít lâu sau, bức ảnh này được nhà thơ, nhà báo Thụy Kha chọn để đưa vào một bài viết về âm nhạc và đặt tên cho nhóm là “Tứ quái Hà Nội”. Kể từ đó, 4 người vô tình được gắn kết với nhau bởi một cái tên chung. Sau này, nhiều người gọi họ là “Bộ tứ sông Hồng” vì cả 4 nhạc sĩ đều là những người con của Bắc Bộ và có nhiều sáng tác hay, khai thác chất liệu dân gian vùng đồng bằng châu thổ này.
Tên thì chung vậy thôi, nhưng nhóm chưa bao giờ hoạt động theo tôn chỉ mục đích hay cương lĩnh nghệ thuật gì. 4 người chơi với nhau một cách rất vô tư như những người đàn ông, những người bạn trong giới văn nghệ sĩ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng tâm sự: “Chính dòng chảy cuộc sống, thời gian, dòng chảy âm nhạc đã đưa chúng tôi lại gần nhau”.
Dương Thụ và Phó Đức Phương chơi với nhau sớm nhất bởi họ từng chung trường đại học, Dương Thụ học khoa Văn còn Phó Đức Phương học khoa Toán trường Sư phạm Hà Nội.
Năm 1965, Phó Đức Phương ra trường, vào nông trường làm công nhân chăn nuôi. Một năm sau, ông thi vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Đến năm 1972, khi Phó Đức Phương đã tốt nghiệp, Dương Thụ mới thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. Năm ấy, Trần Tiến và Nguyễn Cường cùng đỗ khoa sáng tác.
Thời ấy còn “vô danh” (theo lời nhạc sĩ Dương Thụ), 4 người sống loanh quanh ở mấy khu phố Hà Nội lân cận: nhạc sĩ Dương Thụ ở Chân Cầm, Phó Đức Phương ở Bát Đàn, Nguyễn Cường ở Hàng Bạc còn Trần Tiến thì ở gần ga Hà Nội. Khi có dịp thì tụ tập, hàn huyên, tán phét từ chuyện âm nhạc đến chuyện đời.
Dương Thụ lớn tuổi và nghiêm túc nhất trong bốn người. Ông thường bị ba đồng nghiệp gọi là "giáo sư", "thầy giáo" bởi mỗi lần nói chuyện gì đều say sưa. Phó Đức Phương không giỏi tán gẫu nhưng tính cách mềm mại, thích lắng nghe và hòa vào dòng chảy của câu chuyện. Nguyễn Cường sôi nổi, đôi lúc nghịch ngợm và là người tạo không khí cho nhóm. Trần Tiến là em út, lại khéo léo nên đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa các thành viên.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng sáng tác một câu vè rất thú vị để khái quát chân dung và cá tính âm nhạc rất riêng của từng người trong Bộ tứ sông Hồng: Thụ “sang” - Cường “hoang” - Phương “tàng” - Tiến “lãng”.
Rời trường âm nhạc, mỗi người đi theo những hướng khác nhau, con đường và phong cách âm nhạc của mỗi người cũng mỗi khác. Không ai can thiệp đến ai, nhưng hễ cần là sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ nhau, thậm chí còn làm phù rể trong đám cưới của nhau.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ rằng: “4 anh em tôi tính cách khác nhau lắm, nhiều lúc ghét nhau như “xúc đất đổ đi”. Nhưng chúng tôi sinh ra cùng một thế hệ - thế hệ bản lề của những nhạc sĩ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi hứng chịu trọn vẹn cái khốn nạn và bi hùng của cuộc chiến, đã cùng trải qua những ngày tháng đói rét, khổ sở nên dù có chuyện gì đi nữa, chúng tôi cũng tha thứ cho nhau”.
Thế hệ bản lề của âm nhạc đương đại Việt Nam
Nếu như phải kể về điểm chung giữa 4 cá tính âm nhạc khác biệt thì theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, “Bộ tứ sông Hồng” đều yêu nghề, yêu đời, yêu nước, ham học hỏi và thơ mộng. Họ ít khi nói chuyện về âm nhạc của nhau hay ghen ghét với người nổi tiếng, thành công hơn. Họ đều quý tài của nhau và trân trọng nhau. Đó cũng là một lý do giúp họ gắn kết với nhau 60 năm qua.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người nổi tiếng sớm nhất bộ tứ. Vừa ra trường, ông đã là nhạc sĩ đắt đơn đặt hàng ở các đoàn kịch, ca múa nhạc nổi tiếng. Chất âm nhạc dân tộc, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ thấm vào trong những ca khúc của Phó Đức Phương. Nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét, Phó Đức Phương luôn biết tìm ra cái mới trong âm nhạc, vừa giàu bản sắc dân gian vừa chứa đựng chất hàn lâm cổ điển.
Nhạc sĩ Dương Thụ, mãi đến năm 1982, ông mới chính thức hoạt động âm nhạc. Những năm 1990, những sáng tác của ông trở nên nổi tiếng và thịnh hành. Âm nhạc của ông không theo một dòng nào, mà có “một chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường thì yêu dân ca đến mức sùng bái. Tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Cường gắn liền với các bài hát mang hơi hướng dân ca Tây Nguyên. Ngoài ra, Nguyễn Cường còn “sùng bái” cả dân ca đồng bằng Bắc bộ. Sáng tác của ông lôi cuốn khán giả ở sự giản dị nhưng chân thành.
Còn nhạc sĩ Trần Tiến, âm nhạc vừa có chất đời, vừa có chất thiền. Trong 4 người, âm nhạc của Trần Tiến có vẻ bình dị, gần gũi nhất. Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng nhận xét, cảm hứng sáng tác của Trần Tiến đến một cách tự nhiên và ngẫu hứng nên rất ít bài được ghi chép lại cẩn thận, chỉ “hát truyền miệng” là chính. Nhạc sĩ Dương Thụ từng khen Trần Tiến "viết nhạc Pop hay nhất Việt Nam".
"Bộ tứ sông Hồng" truyền cảm hứng cho những sáng tác của nhau. Theo lời Trần Tiến, những sự cạnh tranh nho nhỏ, đáng yêu giữa các nhạc sĩ khi thấy đồng nghiệp có sáng tác hay kích thích họ phải làm được những điều tương tự. Bởi vậy, cả bốn nhạc sĩ đều có một sự nghiệp bền lâu với những sáng tác nổi tiếng mang những giá trị lịch sử, nghệ thuật theo dòng chảy lịch sử của đất nước và âm nhạc.
Sức sống của các tác phẩm gắn với “bộ tứ sông Hồng” đã vượt ra khỏi khuôn khổ ban đầu để trở thành tiếng nói chung cho cả một thế hệ đầy gian nan, vất vả, nhưng đầy tự hào. Với riêng Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến – họ là những gương mặt nổi bật và là đại diện cho thế hệ bản lề của âm nhạc đương đại Việt Nam.
Nay, một mảnh ghép của "bộ tứ sông Hồng" - nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi. Ông qua đời vào trưa ngày 19/9 tại một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư tụy. Lễ viếng ông diễn ra vào 11h30 ngày 24/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội./.