Xúc động ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc trong chương trình “Tết Độc lập”
VOV.VN - Ba tiếng "Tết Độc lập" đã vang lên từ 75 năm trước, tạo thành một nét truyền thống trong lịch sử và văn hóa dân tộc.
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Tết Độc lập". Ba tiếng "Tết Độc lập" đã vang lên từ 75 năm trước, tạo thành một nét truyền thống trong lịch sử và văn hóa dân tộc.
Chương trình "Tết Độc lập" được tổ chức nhằm ôn lại trang sử vẻ vang, truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc, bài học giữ nước của cha ông, để thế hệ hôm nay và mai sau ra sức xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Tham dự chương trình có ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hoà bình Việt Nam; Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cùng các đại sứ, đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam.
Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có sự tham dự của ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; cùng các Phó Tổng Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chương trình được chia làm 3 phần. Phần 1 – “Dưới lá cờ Đảng” bao gồm những thước phim phóng sự nhấn mạnh: thắng lợi có tầm vóc vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nổi bật là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chỉ đạo xây dựng và phát huy mạnh mẽ vai trò của các căn cứ địa, làm bàn đạp khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên quy mô toàn quốc.
Tại phần giao lưu, các khách mời bao gồm ông Lê Đức Vân - Trưởng Ban Liên lạc Hội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu và PGS.TS. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Trên sân khấu “Tết độc lập”, các ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” (sáng tác: Đinh Nhu) và “Lên đàng” (sáng tác: Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng) lần lượt được biểu diễn, khiến cả khán phòng sống lại không khí sôi sục của Tổng khởi nghĩa.
Trong phần 2 của chương trình - “Hào khí tháng Tám”, giai điệu bài hát “Mười chín tháng tám” (sáng tác: Xuân Oánh) vang lên như lời hiệu triệu, thúc giục hàng vạn, hàng chục vạn thanh niên thuộc đủ các tầng lớp xã hội xông lên phía trước. Hiếm có bài hát nào trong kho tàng âm nhạc Việt Nam lại được đặt tên từ chính một ngày cụ thể - “Mười chín tháng tám” - ngày đánh mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.
Bởi vậy, hễ nhắc đến những ca khúc về Cách mạng Tháng Tám thành công, người yêu nhạc hẳn sẽ nghĩ ngay tới tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Oánh - Đài Tiếng nói Việt Nam. Giai điệu hào hùng, tươi vui của ca khúc như một chất keo gắn chặt, liên kết các tầng lớp nhân dân tạo thành một sức mạnh lớn lao đập tan xích xiềng nô lệ.
Một điều thú vị là khán giả có cơ hội được nghe nhạc sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ về “Tiến Quân ca” – bài hát được chọn làm Quốc ca của Việt Nam. “Lúc đó, chúng tôi gửi cho Bác 3 bài hát “Diệt phát xít” của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, bài “Chiến sĩ Việt Minh” và “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Nghe xong, Bác nhận xét: Bài “Diệt phát xít ngắn gọn, dễ hay, dễ hát nhưng không thể chọn làm Quốc ca được vì Chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi. Bài “Chiến sĩ Việt Minh” lại hơi dài, khó hát, chọn làm chào cờ thì nhân dân đứng lâu sẽ bị mỏi chân. Cho nên Bác chọn “Tiến quân ca” vì dễ phổ cập, phù hợp để làm Quốc ca”.
Trong phần giao lưu, PGS.TS. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà khẳng định ý nghĩa của cuộc Tổng khởi nghĩa: “Sự kiện toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ trong vòng 2 tuần cho thấy cuộc Cách mạng này có ý nghĩa rất sâu xa. Người dân lần đầu tiên được làm chủ, nô nức xếp chỗ ở quảng trường Ba Đình, cho thấy sự hậu thuẫn của người dân với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là rất lớn. Nó đánh dấu thắng lợi đánh đổ chế độ Quân chủ mấy mươi thế kỷ, chế độ thực dân hàng trăm năm, mang lại quyền sống, quyền chính trị, quyền tự do, độc lập cho người dân. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức được cuộc bầu cử Quốc hội, cũng là lần đầu tiên người phụ nữ được đi bầu cử trong cả khu vực Đông Nam Á. Nó mở ra thời đại mới, mà chúng ta hay gọi là thời đại Hồ Chí Minh”.
Phần 3 của chương trình có tên “Tết Độc lập”. Góp mặt trong phần giao lưu là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (sinh năm 1940), ở Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mới 11 tuổi, ông đã tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) năm xưa. Ngoài ra còn có võ sĩ wushu Phạm Quốc Khánh, người mang lại nhiều thành tích cho Đoàn thể thao Việt Nam. Và một điều đặc biệt, anh Quốc Khánh sinh ngày 2/9/1990.
Tại chương trình, ông Nguyễn Đức Thìn rưng rưng xúc động kể lại kỷ niệm khi tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng: “Ngày ấy, lính lê dương, lính Bắc Phi, rồi máy bay, bom tấn công vào làng Đình Bảng. Do lực lượng chênh lệch, quân ta phải rút, địch kìm kẹp và dồn dân vào giữa làng. Vậy là lãnh đạo của Đảng nghĩ ra cách thành lập đội Quân báo Thiếu niên, bí mật chọn ở các thôn những người gan dạ, yêu nước. Các thành viên chịu trách nhiệm theo dõi việc đi về của giặc ở trong làng và liên lạc với lãnh đạo ở căn cứ kháng chiến. Ngày ấy tôi còn rất nhỏ, nhưng đã cảm nhận được rõ tội ác của kẻ thù.
Năm 1951, khi mới 11 tuổi, tôi nhận nhiệm vụ theo dõi tình hình địch đi về để báo qua hòm thư bí mật. Lúc ấy không có họp hành công khai đâu, ai cũng trách nhiệm rất cao. Tôi nghĩ ra cách chơi ở quanh đình làng, làm đủ trò vui như ống kính vạn hoa, chơi kèn Harmonica, tạo cớ thân thiết với quân địch nhưng thực chất nhằm dò la tin tức từ chúng”.
Còn võ sĩ Quốc Khánh chia sẻ: “Cái tên Quốc Khánh và sinh nhật đúng ngày 2/9 là động lực lớn giúp tôi không ngừng nỗ lực. Còn nhớ lần thi đấu Seagame bên Lào, trước ngày lên sàn đấu chỉ khoảng 3 ngày, tôi bị đứt dây chằng đầu gối. Bác sĩ, gia đình đều động viên bỏ cuộc, chữa lành vết thương để kỳ sau thi đấu tiếp. Nhưng tôi quyết định thi đấu với 4 lớp bó gối và giành được huy chương vàng. Cứ mỗi lần đi thi đấu quốc tế, trong tôi lại tràn đầy tình yêu và cảm xúc tự hào hai tiếng Việt Nam. Và rất ý nghĩa, cũng trong ngày mùa thu tháng Tám hai năm trước, trưa ngày 21/8/2018, tin vui từ Jakarta - Indonesia bay về nước: tôi đã xuất sắc mang về tấm HCB thứ 2 cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018”.
Cũng trong chương trình, những lời ca quen thuộc của “Bài ca hy vọng” (sáng tác: Văn Ký), “Đất nước trọn niềm vui” (sáng tác: Hoàng Hà) và “Giai điệu Tổ Quốc” (sáng tác: Trần Tiến) vang lên trên sân khấu, kết thúc chương trình giao lưu nghệ thuật “Tết độc lập” đầy ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là những ca khúc có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ bởi nó ghi lại một giai đoạn hào hùng của dân tộc, đồng thời cất lên tiếng nói và tâm hồn người Việt Nam. Đất nước ta đã trọn niềm vui giải phóng hoàn toàn miền Nanm, thống nhất đất nước. Như chia sẻ của nhạc sĩ Văn Ký khi viết “Bài ca hy vọng”: “Bài hát là suy nghĩ của tôi lúc đó. Tôi cũng có niềm tin chắc chắn như mọi người: ngày mai nước ta sẽ thống nhất, quê hương ta lại một màu xanh áo mới…”./.