10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022

VOV.VN - 70 nhà báo đã tham gia bình chọn trực tiếp; đồng thời, Ban Tổ chức đã phát động bình chọn trực tuyến tại địa chỉ: https://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn. Thời gian bình chọn trực tuyến từ 8g30 ngày 6/12 đến 17g ngày 9/12.

Ngày 6/12, Báo Văn Hóa - cơ quan ngôn luận của Bộ VHTT&DL đã tổ chức họp báo bình chọn 10 sự kiện VHTT&DL tiêu biểu năm 2022 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ… thuộc Bộ VHTT&DL và 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ 52 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Tại cuộc họp báo, 70 nhà báo đã tham gia bình chọn trực tiếp; đồng thời, Ban Tổ chức đã phát động bình chọn trực tuyến tại địa chỉ: https://sukienVHTT&DL.bVHTT&DL.gov.vn. Thời gian bình chọn trực tuyến từ 8g30 ngày 6/12 đến 17g ngày 9/12.

Dưới đây là 10 sự kiện VHTT&DL tiêu biểu được tổng hợp từ hai hình thức bình chọn.

Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng bước đưa Văn hóa thấm sâu trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.

Từ đầu năm 2022, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. 

Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025). Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ) giai đoạn 2023 - 2025.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành các Nghị quyết triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị Văn hóa quy mô toàn tỉnh triển khai kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. 

Sau Hà Tĩnh, Bắc Ninh là địa phương thứ hai tổ chức Hội nghị Văn hóa quy mô toàn tỉnh, hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 138 điểm cầu các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, với gần 7.000 đại biểu. Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022

Ngày 15/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật Điện ảnh năm 2022 bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh. Luật Điện ảnh năm 2022 được các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu… đánh giá cao và hồ hởi đón nhận.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022 

Luật  Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 6 chương 56 điều đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. 

Luật 2022 có những điểm mới như: Lấy người bị bạo lực gia đình  làm trung tâm, phòng ngừa chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng,  thiết lập được quy trình báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình, xử lý tin báo, xử lý  hành vi bạo lực; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực gia đình, xã hội hóa phòng chống bạo lực gia đình; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống bạo lực gia đình.

Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp

Vào hồi 16 giờ 12 phút ngày 29/11 (giờ địa phương, tức 22 giờ 12 phút ngày 29/11 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản cũng khẳng định, sự ghi danh này sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Vào lúc 12h30 (tức 10h30, giờ Việt Nam) ngày 26/11, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở TP. Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…

Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”

Ngày 19/10, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào ngày 31/10.

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng phương án "hồi hương" ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.

Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI

Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong năm 2022 với sự tham dự của các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng trong nước, khu vực và trên thế giới.

Không chỉ là sự kiện văn hóa, điện ảnh quan trọng, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2022 còn là hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, thanh bình được UNESCO vinh danh là Thành phố sáng tạo, từ đó định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật gắn với tầm nhìn phát triển văn hóa xã hội bền vững.

Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31

Tổ chức thành công SEA Games 31, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đại hội cũng nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, người hâm mộ và thực sự trở thành ngày hội, xua tan không khí ảm đạm của đại dịch Covid - 19, khơi dậy khát vọng cống hiến. 

Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Xe đạp, Cử tạ, đặc biệt đã bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ. 

Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023

Ngoài việc bảo vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn gây được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé chính thức tham dự Vòng chung kết World Cup 2023.  Đây là chiến tích lịch sử của tuyển nữ Việt Nam, sau biết bao cố gắng, nỗ lực. “Những cô gái kim cương” đã hoàn thành giấc mơ World Cup cho bóng đá nữ nước nhà. 

Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022

Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. ViệcViệt Nam mở cửa sớm còn có ý nghĩa về mặt chính trị, văn hóa - xã hội. Việc mở cửa sớm cũng cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch. Nhờ đó, du lịch nội địa lại phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022
Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022

VOV.VN - Sáng nay (6/12) tại Hà Nội, Báo Văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Họp báo bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022. Tham dự Họp báo có đại diện hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022

Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022

VOV.VN - Sáng nay (6/12) tại Hà Nội, Báo Văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Họp báo bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022. Tham dự Họp báo có đại diện hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc
Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc

VOV.VN - Đây là dịp để tôn vinh quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đối với người dân, du khách quốc tế.

Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc

Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc

VOV.VN - Đây là dịp để tôn vinh quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đối với người dân, du khách quốc tế.

Kiên Giang tưng bừng Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer
Kiên Giang tưng bừng Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer

VOV.VN - Sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch COVID-19, sáng nay (8/11), Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ 14 được khai mạc trở lại với nhiều hoạt động lễ và hội. Đặc biệt, ngay sau lễ khai mạc là giải đua ghe ngo nam cự ly 800m, 1.200m và nam - nữ phối hợp cự ly 800m.

Kiên Giang tưng bừng Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer

Kiên Giang tưng bừng Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer

VOV.VN - Sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch COVID-19, sáng nay (8/11), Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ 14 được khai mạc trở lại với nhiều hoạt động lễ và hội. Đặc biệt, ngay sau lễ khai mạc là giải đua ghe ngo nam cự ly 800m, 1.200m và nam - nữ phối hợp cự ly 800m.