70 năm Tiểu đoàn 307 và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí
VOV.VN - Tiểu đoàn 307 không chỉ nổi tiếng bởi những chiến công anh hùng mà còn bởi nó được nhiều người biết đến nhất qua ca khúc cùng tên rất dễ thuộc, dễ nhớ.
"Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang.
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy".
Tiểu đoàn 307 có lẽ là một trong những Tiểu đoàn nổi tiếng nhất của lịch sử quân sự Việt Nam. Đây cũng là Tiểu đoàn đặc biệt vì đó là Tiểu đoàn lưu động, có địa bàn rộng khắp miền Nam, uy danh lừng lẫy thời kháng chiến chống Pháp “đánh đâu được đấy” và thời kháng chiến chống Mỹ “oai hùng biết mấy”.
Tiểu đoàn 307. |
Tiểu đoàn 307 không chỉ nổi tiếng bởi những chiến công anh hùng của mình, mà còn bởi nó được nhiều người biết đến nhất qua ca khúc cùng tên rất dễ thuộc dễ nhớ và cũng rất hùng tráng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc từ bài thơ "Cửu Long Giang" của nhà thơ Nguyễn Bính.
Tiểu đoàn 307 là đơn vị chủ lực đầu tiên của Khu 8 và cũng là đơn vị cơ động đầu tiên của Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm đầu chống thực dân Pháp, ra đời để đáp ứng yêu cầu chiến lược trong lúc cả Nam bộ đã là chiến trường của chiến tranh du kích.
Đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Nam bộ, mở đầu cho những trận đánh lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, làm cho quân Pháp hết sức lúng túng.
Một tiểu đội của Tiểu đoàn 307 |
“... Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi...”. Buổi xuất quân đó vào ngày 5/7/1948, tại vùng căn cứ Giồng Luông, thuộc xã Đại Điền, huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre, gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành. Tiểu đoàn mang tên “Tiểu đoàn liên quân lưu động”, mấy tháng sau đổi tên Tiểu đoàn 307, đã tuyên thệ.
Khi đó, tiểu đoàn trang bị thô sơ, chỉ có súng trường, mã tấu là chủ yếu, nhưng với trái tim yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng, mọi người đều giơ cao nắm tay “nguyện một lòng gìn giữ non sông...”.
Sau lễ xuất quân, Tiểu đoàn vượt sông Tiền nhận nhiệm vụ. Trận đầu ra quân thắng lớn, giải phóng huyện Mộc Hóa (Long An), liên kết chiến trường Việt Nam- Campuchia, nối thông Khu 8, Khu 7 và Khu 9, đã trở thành mốc son đầu tiên trang sử truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 307, đồng thời được đánh giá là điểm son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của Long An và Khu 8.
Nhà thơ Nguyễn Bính |
Sau chiến thắng Mộc Hóa, Tiểu đoàn hành quân về Trà Vinh thực hiện chiến thuật “công đồn, đả viện”, diệt đồn La Bang, phục kích diệt gọn một tiểu đoàn địch đến tiếp viện ứng cứu, giải phóng xã Đôn Châu và phá thế kìm kẹp của địch ở các xã Long Sơn, Long Hiệp, Ngũ Lạc, đập tan ý đồ của địch chiếm đóng vùng biển Trà Cú, Cầu Ngang (Trà Vinh).
Tháng 7/1950, Tiểu đoàn 307 trở lại xứ Dừa tham gia chiến dịch Bến Tre, bao vây tiêu diệt, bức hàng, bức rút sáu đồn bót ven thị trấn Cái Mơn. Đến tháng 8/1950, Tiểu đoàn trú quân ở Giồng Luông (nơi xuất quân 2 năm trước) bảo vệ hội nghị tổng kết chiến dịch Bến Tre.
Trong thời gian này, Tiểu đoàn kết hợp vận động trên 200 thanh niên ở huyện Mỏ Cày, Thạnh Phú tòng quân gia nhập vào Tiểu đoàn, thực hiện huấn luyện tân binh bổ sung vào đơn vị chiến đấu… Đặc biệt những trận tiêu diệt hoặc đánh gây thiệt hại nặng lực lượng cấp tiểu đoàn của địch như An Xuyên (Cà Mau), An Biên (Bạc Liêu), Tân Hương (Bến Tre), Bảy Háp (Bạc Liêu)...
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí |
Trong những chiến công làm nên câu hát “lưỡi gươm vung với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan” phải kể đến trận công đồn diệt địch cỡ đại đội và trung đội như trận Bảy Ngàn (Cần Thơ), Hộ Phòng (Bạc Liêu), Bắc Sa Ma (Cầu Kè- Vĩnh Long), Bà Hút (Trà Vinh) làm cho danh tiếng của Tiểu đoàn 307 vang dội đến mức “Tiếng tiểu đoàn, bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi”.
Trong suốt thời gian chưa đến 6 năm, tiểu đoàn đã đánh hàng trăm trận, diệt hàng ngàn tên địch. Tiểu đoàn 307 xuất hiện ở đâu là quân Pháp hoảng sợ, xuất hiện là chiến thắng. “Lẻ Bảy, tiểu đoàn Lẻ Bảy, đoàn quân Lẻ Bảy, kể từ ngày ấy, đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy...”.
Cuối năm 1949, Thượng tướng Trần Văn Trà (lúc đó là Tư lệnh Khu 8) phát động sáng tác ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn 307, mới thành lập được 1 năm nhưng đã đánh thắng hai chiến công vang dội ở Mộc Hóa, tỉnh Tân An (Long An bây giờ) và ở La Bang, tỉnh Trà Vinh làm nức lòng cả chiến trường Nam bộ, mỗi trận tiêu diệt một tiểu đoàn địch, làm quân thù khiếp đảm, nhân dân mến yêu.
Ngoài chiến đấu lập công, Tiểu đoàn 307 còn làm tốt công tác vận động quần chúng, chấp hành tốt kỷ luật dân vận, đoàn kết giúp đỡ địa phương tăng gia sản xuất. Tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, và tình yêu thương kính trọng, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đã nhanh chóng chiếm được tình cảm thân thương của nhân dân trong các vùng Tiểu đoàn 307 đã đi qua và hoạt động.
Bà con kể nhiều, lưu truyền nhiều chuyện tốt của bộ đội mình một cách say sưa, trìu mến. Nhà thơ Nguyễn Bính lúc đó là cán bộ tuyên truyền, về công tác ở vùng Tiểu đoàn hoạt động, dựa vào những điều lưu truyền trong nhân dân làm thành bài thơ. Từ bài thơ “Cửu Long Giang” của Nguyễn Bính đăng trên báo "Tổ quốc"- Khu 8, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí đã phổ nhạc phỏng theo lời thơ.
Tại hội nghị của tỉnh Long Châu Sa tổ chức tại thị trấn Mỹ Tho (Đồng Tháp ngày nay), tổ quân nhạc Khu 8 đã tập và hát phục vụ ca khúc này. Ngay lập tức được mọi người hoan nghênh. Sau đó “Tiểu đoàn 307” lan đi rất nhanh ra các đơn vị khác, anh em trong tổ quân nhạc phải chép và tập cho cơ sở.
Tối 1/10/1950, lần đầu tiên ca khúc được phát sóng trên Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn. Nhưng chính chiến sĩ Tiểu đoàn 307 lại không hay biết gì về ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn của mình, chỉ đến khi các đồng chí cán bộ chính trị ghi được đem về, lúc đó Tiểu đoàn đang đóng ở bờ sông Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa, thì lập tức ca khúc được phổ biến trong đơn vị và lan khắp vùng đóng quân.
Từ đó lời ca oai hùng, nhịp điệu mạnh mẽ vang lên trong xóm làng, khi đơn vị sinh hoạt tập trung, khi bộ đội chung vui với nhân dân, và âm vang trên cả các dòng sông, kênh rạch…, khi Tiểu đoàn xuất quân đi chiến đấu và khi chiến thắng trở về.
Tiểu đoàn 307 vượt qua bao gian khổ hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Ca khúc đã được Giải thưởng âm nhạc văn nghệ Cửu Long năm 1952, và trở thành ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, sống mãi với truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam./