Bài ca của tinh thần chiến sĩ Điện Biên
VOV.VN - Góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, có
những nỗ lực vượt hiểm nguy, vượt gian nan vất vả của đông đảo văn nghệ sĩ.
những nỗ lực vượt hiểm nguy, vượt gian nan vất vả của đông đảo văn nghệ sĩ.
Mỗi dịp gặp nhau, câu chuyện của các nghệ sĩ thuộc Đoàn văn công Tổng cục Chính trị phục vụ tại Điện Biên Phủ năm xưa đều vẫn là những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ không thể nào quên. Và bao giờ cũng vậy, họ cùng hòa chung lời ca những bài hát đã gắn bó với một thời tuổi trẻ của họ và là "những bài ca đi cùng năm tháng" với cả dân tộc như: “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Qua miền Tây Bắc”, “Giải phóng Điện Biên”...
Một buổi biểu diễn của văn công ở Điện Biên Phủ |
Tháng 9/1953, bà Trần Thị Ngà hồi ấy vào bộ đội khi mới 15 tuổi. Cuối năm đó, cô gái trẻ đi phục vụ ở mặt trận Điện Biên Phủ cho đến hết chiến dịch. Là con gái, chân yếu tay mềm, đường hành quân gập gềnh, có lúc đau chân quá không theo kịp các anh lớn hơn khiến cô Ngà bật khóc. Vất vả nhưng bà Ngà cũng như các thành viên của đoàn văn công ai cũng hào hứng đem tiếng đàn, lời ca phục vụ bộ đội, dân công và làm dịu những đau đớn cho thương binh.
“Thời gian đó chúng tôi hành quân với sư đoàn 308, trong thời gian đi đường cũng phục vụ bộ đội trong lúc cùng hành quân. Lúc đó đoàn trưởng là anh Đỗ Nhuận sáng tác được bài nào thì chúng tôi hát luôn. Từ những bài hát như "Hành quân xa", đến "Chiến thắng Him Lam", rồi "Chiến thắng Điện Biên Phủ". Khi bắt đầu vào chiến dịch mà có thương binh thì chúng tôi đến những cơ sở của thương binh nằm điều trị” - bà Ngà kể.
Đêm hành quân cùng bộ đội, ngày nghỉ và tranh thủ dựng tiết mục. Trang phục biểu diễn đơn giản, hoá trang sơ sài, nhạc cụ chỉ có một chiếc violin, một chiếc mandolin hoặc accordion, nhưng nhiệt tình của tuổi trẻ thì có thừa. Hễ có dịp là văn công biểu diễn cho bộ đội xem. Khoảng đất trống trong rừng hoặc con đường đều trở thành sân khấu. Các nghệ sĩ hát, múa trên chiến hào, bên giường bệnh... Nhiều chiến sĩ Điện Biên không quên hình ảnh nữ y tá Kim Ngọc vừa đạp máy phát điện lấy ánh sáng để các bác sĩ phẫu thuật cho thương binh, vừa say sưa hát.
“Lúc đó chúng tôi trẻ trung, bừng bừng sức sống, khát khao cống hiến lắm. Chúng tôi đi xuống bộ đội, động viên bộ đội, lúc xuất kích thì bộ đội đi dưới chiến hào còn chúng tôi đứng trên chiến hào mà hát tất cả các hành khúc để động viên tinh thần bộ đội, khí thế rừng rực lên, cả người biểu diễn lẫn bộ đội đều rất có khí thế” - PGS.TS Nhà giáo Nhân dân Vũ Hướng, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhớ lại không khí tưng bừng của những ngày đi đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Diễu hành kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ |
Theo lời kể của ông Lê Doãn Khôi, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nghệ sĩ ở lứa tuổi 18, đôi mươi lúc ấy chỉ nghĩ tới một điều lớn lao nhất là dành hết trí và lực, cùng nhiệt tình tuổi trẻ để phục vụ chiến dịch: “Tuổi trẻ chúng tôi không nghĩ gì đến bản thân mình, chỉ biết làm nhiệm vụ sao cho tốt. Ở Điện Biên thì chúng tôi phục vụ dân công, bộ đội. Sau này bộ đội vào sâu bên trong, thì chính anh Đỗ Nhuận, Trần Ngọc Sương và anh Nguyễn Tiến được vào. Các anh vào trước khi đánh đồn Him Lam, ở giao thông hào chỉ cách vài trăm mét, anh ấy đứng lên kéo đàn và quay mặt về phía sau và hát để động viên bộ đội tiến vào đánh Him Lam. Bộ đội từng người một đi qua đó để nghe hát”.
60 năm trôi qua, trong tâm trí của bà Ngô Thị Ngọc Diệp, những kỷ niệm của một thời vẫn tươi mới như ngày hôm qua vậy. “Lúc hành quân thì cứ nghỉ 10 phút rồi chúng tôi hát và múa. Múa điệu xòe hoa, xòe Thái. Trong điệu múa ấy thì phải có quả nhạc ở tay. Nhưng đạo cụ khó khăn, chúng tôi phải mượn nắp bật lửa của các các anh em, buộc vào với nhau để đánh nhạc. Về sau bộ đội thấy đó là nắp bật lửa nên bộ đội nói là "à xòe bật lửa" - kể đến đó, bà Diệp cười vang.
Theo lời kể của Trung tá Phùng Đệ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là văn công của Đại đoàn 308, thời ấy, các nghệ sĩ và chiến sĩ gắn bó với nhau như anh em trong một nhà: “Lúc đấy văn công chúng tôi gần như là chiến sĩ, gắn bó với chiến sĩ, trang bị cũng giống như người chiến sĩ, cho nên đi chiến dịch rất gắn bó với bộ đội. Đêm kể chuyện cho bộ đội, làm thế nào cho bộ đội tỉnh ngủ và vui vẻ để hành quân tới đích. Thế rồi những lúc nghỉ thì biểu diễn cho bộ đội như hát, múa rồi đóng kịch. Lúc lên Điện Biên thì một số còn cùng chiến sĩ ra chiến hào, đào chiến hào, khi bộ đội bị thương thì chị em phụ nữ lại đến chăm sóc cho thương binh, hát cho thương binh”.
Điện Biên Phủ núi non hiểm trở, đường đèo dốc quanh co, thời tiết khắc nghiệt, kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra muôn vàn khó khăn hơn. Dừng tay kéo pháo, được nghe văn công biểu diễn, quả thực đó là món quà không gì sánh được. Đó cũng là kỷ niệm không bao giờ quên với ông Phan Lâu, lái xe khẩu đội 3, thuộc đại đội 827, tiểu đoàn 394, Đoàn pháo quân xạ 367.
“Ngay sau khi kéo pháo ra, chúng tôi có được xem một đoàn ca múa và đoàn đại biểu sinh viên ở Hội nghị quốc tế về biểu diễn ngay tại mặt trận khiến anh em rất phấn khởi, mọi người đều rất vui. Đó là sự động viên tinh thần rất lớn để chuẩn bị vào trận mới” - ông Phan Lâu nhớ lại.
Nhưng đó là những người lính có may mắn được xem văn công biểu diễn. Với nhiều chiến sĩ bám ở những trận địa giáp lá cà với địch, họ chỉ được nghe văn công hát qua điện thoại. Ông Nguyễn Thế Lợi, ở tiểu đoàn 439, trung đoàn 98, sư đoàn 316, bám chốt ở đồi C1 cho biết, tiếng hát ấy cũng giúp anh em phấn khởi hơn nhiều, được động viên để giữ vững tư tưởng, thực hiện tốt phương châm "đánh chắc, thắng chắc": “Văn công hát qua điện thoại thì chúng tôi ở trong hầm nghe như thế thôi, động viên anh em, anh em thấy vui lắm, cảm thấy xúc động nhiều…”.
Có rất nhiều tác phẩm được các nhạc sĩ sáng tác ở chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành những "Bài ca đi cùng năm tháng" bất hủ như: "Hành quân xa", "Hò kéo pháo", "Chiến thắng Him Lam", "Giải phóng Điện Biên"… Đó là những bài ca của tinh thần nhiệt huyết của thế hệ cha anh đã cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc thân yêu, quyết tâm giành chiến thắng giành độc lập tự do cho Tổ quốc - bài ca của tinh thần Chiến sĩ Điện Biên, bài ca của một dân tộc quật cường.../.