Ca sĩ trẻ hát ca khúc Trường Sơn bằng tình yêu, niềm tự hào
VOV.VN - Dù chiến tranh đã lùi xa, con đường Trường Sơn đã đi vào huyền thoại nhưng ca sĩ trẻ ngày nay vẫn hát về Trường Sơn với tình yêu, niềm tự hào dân tộc.
Đã 60 năm kể từ ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại. Trải dài những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều chiến sĩ đồng thời cũng là những nhạc sĩ, nghệ sĩ đã trải dài những bước chân anh dũng vượt qua các tuyến lửa.
Họ mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, nhưng cũng hết sức giản dị để phác họa lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, những tấm gương anh dũng hy sinh, những cô gái thanh niên xung phong sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập dân tộc.
Những hình ảnh có thật, những cảm xúc đọng lại đã được chuyển tải bằng âm nhạc và trở thành những bài ca có sức sống vượt không gian, thời gian, đi cùng năm tháng. Trong đó, phải kể đến những ca khúc “Bước chân trên đỉnh Trường Sơn” (nhạc Vũ Trọng Hối, thơ Ðăng Thục), “Bài ca Trường Sơn” (nhạc Trần Chung, thơ Gia Dũng), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung), "Xe ta đi trong đêm Trường Sơn" (Tân Huyền), “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du)...
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn. (Ảnh tư liệu) |
Nói về âm nhạc Trường Sơn, nhạc sĩ Văn Dung từng chia sẻ: "Trong lúc gian khổ nhất, nhạc sĩ Văn Ký viết “Bài ca hi vọng”. Ở chiến trường ác liệt nhất thì chúng ta lại thấy một “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật. Chúng ta bắt gặp “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của Huy Du, phổ thơ Xuân Sách và một bài hát rất trữ tình, rất hay của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối là “Đường tôi đi dài theo đất nước”.
Ở nơi bom đạn trên con đường huyết mạch, tình yêu đôi lứa vẫn nhen nhóm cùng tình yêu đất nước và ý chí chiến thắng như “Em ở nơi đâu” của nhạc sĩ Phan Nhân. Qua những bài hát này, chúng ta thấy được đối lập với sự huỷ diệt là lòng nhân ái, ở nơi chiến trường khốc liệt vẫn có chất trữ tình, lãng mạn”.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa 44 năm, các nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục dòng chảy âm nhạc Trường Sơn, vẫn hát về Trường Sơn bằng một tình cảm đặc biệt – đó là tình yêu, niềm tự hào dân tộc. Không trải qua chiến tranh, không sống trong thời kỳ bom lửa khốc liệt đó nhưng nhờ giai điệu hào hùng, bằng ca từ đơn giản như kể lại chính câu chuyện của thời kỳ đó, các ca sĩ đã dễ dàng nhập tâm vào ca khúc và truyền tải nó tới thế hệ trẻ.
"Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" - NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền
Á quân Sao Mai dòng thính phòng 2019 Trịnh Linh Chi – cô gái sinh năm 1996 khẳng định: “Là một người dân Việt Nam với lòng yêu nước, không chỉ nghe mà khi hát những ca khúc về Trường Sơn, thế hệ trẻ chúng tôi đều dâng lên niềm tự hào dân tộc, niềm biết ơn với lớp anh hùng đi trước. Chính tình cảm đó đã giúp chúng tôi phần nào cảm nhận được các ca khúc và thể hiện nó trên sân khấu”.
Theo ca sĩ Phan Thu Lan, những ca khúc nổi tiếng như “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Đường tôi đi dài theo đất nước”, “Cô gái mở đường”, “Tàu anh qua núi”... là những ca khúc Trường Sơn vượt thời gian. Mỗi khi nghe và hát những ca khúc này, cô có cảm giác phấn khởi, hừng hực khí thế như mình đang được cùng vào trận với với tinh thần lạc quan, yêu đời.
Chính điều đó đã thôi thúc cô phải tìm tòi học hỏi thế hệ đi trước, áp dụng kỹ thuật thanh nhạc để tạo nên 1 tác phẩm vẫn mang hơi thở của Trường Sơn nhưng được làm mới bằng âm nhạc, phối khí, kỹ thuật hát... để khi hát lên những giai điệu quen thuộc đó, người nghe không cảm thấy nhàn chán.
"Bài ca hy vọng" - Phan Thu Lan
Nói về trải nghiệm khi hát nhạc Trường Sơn, ca sĩ Đăng Thuật chia sẻ, điều khó khăn nhất là làm sao thể hiện được sự hào hùng, khí phách và sự quả cảm của người lính thời đó: “Khi thể hiện những ca khúc về Trường Sơn, tôi luôn phải hiểu ca từ bài hát để có thể đặt mình vào khung cảnh đã diễn ra, từ đó mới khơi gợi nên cảm xúc. Với mỗi ca khúc khác nhau, phải có cách thể hiện khác nhau, như hát những bài có nhịp hành quân thì phải hát chắc, khỏe; còn những bài trữ tình thì phải hát mượt mà, tình cảm nhưng cũng đầy sự trong sáng, giản dị và mộc mạc của người lính thời đó”.
Để giúp đỡ các ca sĩ trẻ có thể cảm nhận tốt hơn những bài hát về Trường Sơn, các trường nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội... các trường nhạc ở các tỉnh, thành phố cũng đã có những giáo trình về âm nhạc cách mạng, trong đó có mảng ca khúc về Trường Sơn.
NSƯT Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chia sẻ: “Trong âm nhạc cách mạng, chúng ta có riêng cả một kho tàng về đề tài Trường Sơn. Do đó, chúng tôi đã xây dựng một giáo trình với rất nhiều ca khúc về đề tài Trường Sơn, được chia làm 2 cấp trung học và đại học. Các em sinh viên được hiểu về hoàn cảnh ra đời cũng như những tâm tư, tình cảm của tác giả bên cạnh học các kỹ thuật hát, do đó, các em cảm được rất nhanh vì âm nhạc hay, lời ca xúc tích, gần gũi”.
"Lá đỏ" - NSƯT Quốc Hưng
Ở trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi ca sĩ Đăng Thuật đang làm giảng viên, các em sinh viên cũng rất hăng say và nhiệt huyết khi được hướng dẫn học các bài hát về Trường Sơn.
“Và không chỉ trong môi trường âm nhạc đâu, khi Thuật đi diễn ở ngoài, cũng có rất nhiều bạn trẻ cùng ngồi nghe hăng say và còn lẩm bẩm hát theo. Có lẽ những bài hát về Trường Sơn đã ngấm vào dòng máu của các thế hệ và con người Việt Nam rồi. Nhiều năm sau nữa, âm nhạc Trường Sơn sẽ vẫn sống, để chúng ta tri ân những người anh hùng đã hy sinh để bảo vệ hòa bình cho đất nước” – Đăng Thuật chia sẻ./.