Gìn giữ làn điệu cỏ lẩu của người Nùng Phàn Slình
VOV.VN - Hát cỏ lẩu là một loại hình thơ ca dân gian của người Nùng Phàn Slình. Điệu hát này thường có nội dung kể về diễn trình trong một đám cưới của người Nùng bắt đầu từ các bước ăn hỏi, xin số mệnh để so tuổi, báo mệnh hợp, lễ sêu tết cho đến lễ báo cưới, lễ cưới.
Xưa kia, việc hát cỏ lẩu song hành cùng lễ cưới bởi đây là nghi thức quan trọng, cũng góp phần tạo nên sự vui nhộn của đám cưới. Những lời hát cỏ lẩu được ngân lên từ khi đi đón dâu, đến khi cô dâu về nhà chồng và tới tận hôm sau, khi tiệc cưới đã tan. Mọi công việc sẽ được bàn bạc, quyết định thông qua việc hát cỏ lẩu như: nhà trai hát xin đón dâu, hát hỏi thăm quan viên hai họ, hát xin phép tiến hành các thủ tục trong đám cưới...
Hát cỏ lẩu được chia thành hai giai đoạn: hát ban ngày và hát ban đêm. Hát ban ngày mang tính nghi lễ chủ yếu do ông (bà) mối, phù dâu, phù rể thể hiện; hát ban đêm là hát giao duyên dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên nam, nữ bạn bè của cô dâu và chú rể. Những câu hát thường tập trung vào chủ đề muôn thuở là tình yêu đôi lứa. Ngoài ra, cỏ lẩu còn được coi là hệ thống bài ca có tính giáo huấn cao. Nó dạy cho con người sống tốt hơn, hướng thiện hơn, dạy cho con dâu, con rể biết thêm nhiều điều ứng xử trong cuộc sống mới.
Chị Lăng Thị Bay ở thôn Nà Me, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn là người được đi hát cỏ lẩu trong các dịp đám cưới của người Nùng Phàn Slình cho biết: "Tôi còn nhớ hồi trẻ đi phù dâu, các thanh niên hát đối đáp với nhau thâu đêm suốt sáng. Cứ bên này hát đối lên bên kia đáp lại. Ai biết hát làn điệu cỏ lẩu này với có khiếu ăn nói, đối đáp nhanh mới được mời đi".
Các bài cỏ lẩu phần nhiều được viết theo thể thơ 5 đến 7 chữ. Trong hệ thống lời ca, vẫn còn một số câu mẫu có nhiều ý nghĩa nên phần đông các chàng trai, cô gái Nùng thường học thuộc. Tuy nhiên, cỏ lẩu là lối hát thơ ứng tác nên đôi khi cũng được sáng tác theo thể thơ tự do thể hiện khả năng ứng đối linh hoạt của người hát và lối ví von, so sánh mang đậm các giá trị nghệ thuật trong bản sắc văn hoá Nùng.
Nghệ nhân Hoàng Choóng ở thành phố Lạng Sơn là người am hiểu và say mê nghiên cứu văn hóa dân gian Tày - Nùng giải thích: "Trong các làn điệu dân ca thì người Nùng có làn điệu cỏ lẩu rất đặc sắc. Đây là một làn điệu diễn xướng bằng lời không cần nhạc, theo thể loại thơ 5 chữ. Ngày thường thì không ai hát làn điệu này cả, người ta chỉ hát trong những ngày vui của bản, nhất là trong đám cưới".
Triển khai nội dung "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hiện tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa nội dung các bài cỏ lẩu; bảo tồn ở dạng nguyên tác các làn điệu cỏ lẩu và bảo tồn diễn xướng; có cơ chế, chính sách và đầu tư kinh phí để lập và duy trì các CLB Văn hóa nghệ thuật dân tộc tại các xã, thôn; phát triển mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng, tổ chức các hội thi, hội diễn về dân ca; tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ và những người yêu thích dân ca nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào DTTS.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, Nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh mong muốn: "Hiện nay ở xã Quảng Lạc ngay gần trung tâm thành phố Lạng Sơn nhưng tôi vẫn thấy duy trì hát cỏ lẩu trong đám cưới của người Nùng Phàn Slình. Tuy nhiên càng ngày nó dần mất đi theo sự phát triển của xã hội. Tôi mong muốn rằng Nhà nước có phương án hỗ trợ duy trì, phục dựng lại làn điệu dân ca Nùng độc đáo này để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc".
Những năm gần đây, hát Cỏ Lẩu đứng trước nguy cơ mai một bởi nhiều người trẻ không mặn mà với loại hình văn hóa dân gian độc đáo này. Do vậy, chính quyền các cấp và chính những người dân - chủ nhân của những làn điệu dân ca... cần quan tâm bảo tồn, khôi phục và phát huy nhằm lưu truyền cho thế hệ trẻ mai sau.